16/04/2017 16:45 GMT+7

Nghề cắt tàu dừa ở Bảy Mẫu

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Dầm mình dưới nước cả ngày, ướt như chuột lột để cắt tàu dừa nước bán kiếm tiền là nghề của nhiều chị em ở xứ dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam).

Hai mẹ con bà Lợi dầm mình dưới nước kéo chiếc ghe chở tàu dừa vừa mới cắt về nhà - Ảnh: Lê Trung
Hai mẹ con bà Lợi dầm mình dưới nước kéo chiếc ghe chở tàu dừa vừa mới cắt về nhà - Ảnh: Lê Trung

Cái nghề này lạ ở chỗ chỉ chị em phụ nữ mới làm bởi cần sự cần mẫn, chịu khó và khéo tay. Đàn ông mà nghe nói dầm mình trong nước cả buổi, cả ngày thì chạy mất dép hết

Bà Trần Thị Dậu

Tờ mờ sáng, hai mẹ con bà Trần Lợi Lợi (50 tuổi, thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh) chuẩn bị dao rựa và một bình nước chè xanh bỏ lên chiếc ghe cũ kỹ, lục đục bơi về phía rừng dừa nước Bảy Mẫu. Đây là nơi mà 30 năm nay ngày nào bà cũng lui tới. Bởi thời còn thiếu nữ, nhà quá nghèo, bà phải bỏ dở con chữ phụ mẹ vào rừng dừa chặt tàu lá bán kiếm tiền.

Nghề của chị em

Đôi tay thoăn thoắt cầm cây rựa chắc nịch, bà Lợi dầm mình xuống dòng nước ngang bụng, len lỏi vào từng gốc chặt những tàu lá xanh ngắt kéo ra khỏi gốc. Những tàu dừa dài đến bốn, năm sải tay người được bà kéo cái “rụp” khỏi gốc, xếp ngang trên chiếc ghe. Dù ngâm mình dưới nước lạnh nhưng mồ hôi vẫn chảy đầm đìa trên khuôn mặt rám nắng của bà.

Cạnh bên, chị Thảo (24 tuổi, con gái bà Lợi) cũng thoăn thoắt đôi tay chặt những tàu dừa nước bỏ lên ghe phụ mẹ. Giống như mẹ, chị bỏ con chữ từ rất sớm, nhiều năm nay ngày nào cũng vào rừng dừa chặt tàu dừa bán.

Tuy là thiếu nữ nhưng chị không như những cô gái trẻ cùng trang lứa khác. Suốt ngày đầm mình dưới nước, nắng nóng chặt tàu dừa nên tay chân nhăn nhúa vì nước ăn da. “Mình bỏ học sớm, thấy mẹ và các cô, dì trong thôn đi cắt tàu dừa bán thì cũng “ăn theo” mà kiếm sống” - chị Thảo bộc bạch.

Bà Lợi kể rừng dừa của nhà bà rộng chừng chục hecta, được trồng từ đời ông nội. Rồi đến những đời sau rừng dừa tiếp tục được vun vén, sinh sôi nảy nở để con cháu có kế sinh nhai. Nhất là ở Hội An từ nhiều năm nay, người ta lùng sục mua tàu lá dừa nước để lợp nhà hàng, khu nghỉ dưỡng nên tàu dừa không có để bán.

“Mình phải chặt tàu lá để cây dừa nước tiếp tục sinh sôi, phát triển, chứ không chặt cây sẽ chết dần. Mỗi gốc dừa bị chặt lần lượt từng tàu lá, chỉ để lại “một mẹ một con” thôi. Cứ thế vài tháng sau gốc dừa sẽ nảy nở ra thêm nhiều tàu lá khác, mình lại tiếp tục cắt” - bà Lợi nói.

Bà Trần Thị Dậu (60 tuổi, thôn Thanh Tam Đông), làm nghề cắt tàu dừa gần 40 năm nay, kể nghề cắt tàu dừa ở Bảy Mẫu trước đây thì tại xã Cẩm Thanh hầu như chị em nào cũng làm. Nhưng do quá cơ cực, nhiều chị em nghỉ để làm việc khác như dịch vụ du lịch hay làm đồ thủ công mỹ nghệ... Hiện nay nghề này chủ yếu được chị em ở thôn Thanh Tam Đông làm với số lượng khoảng trăm người.

Theo bà Dậu, ở rừng dừa Bảy Mẫu này chỉ có phụ nữ mới làm nghề cắt tàu dừa. Từ những cô gái trẻ đến những bà lão đều dầm mình dưới nước cắt tàu dừa. “Cái nghề này lạ ở chỗ chỉ chị em phụ nữ mới làm bởi cần sự cần mẫn, chịu khó và khéo tay. Đàn ông mà nghe nói dầm mình trong nước cả buổi, cả ngày thì chạy mất dép hết” - bà Dậu nói.

Cơ cực!

Bà Lợi thừa nhận thu nhập từ việc bán tàu lá dừa đem lại kha khá, nếu chị em chịu khó một ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học.

“Mỗi tàu dừa cắt xong, phơi khô mình bán cho họ với giá 1.500-2.000 đồng. Mỗi ngày hai mẹ con tui chặt 300-400 tàu lá, kiếm cũng được 500.000-700.000 đồng. Nếu chị em đi cắt thuê cũng được chủ trả 200.000-300.000 đồng/ngày công” - bà Lợi kể.

Nhưng có một điều, theo bà Lợi, là nghề này quá cơ cực, vất vả. Cả ngày dầm mình, hụp đầu dưới nước lạnh, tay chân bị nước ăn da, lở loét. Lúc cắt tàu dừa nhiều người có thể bị lá dừa cứa rách mặt, tay. Đó là chưa kể lội dưới bùn có thể giẫm phải mảnh chai làm đứt chân chảy máu.

Cắt xong, chất tàu lá lên ngập chiếc ghe, hai mẹ con bà Lợi phải lội bộ trên sông, dìu chiếc ghe xuôi theo dòng nước về bờ. Có những đoạn nước ngập đến đầu, hai mẹ con bà phải bám vào chiếc ghe để bơi rất nguy hiểm. “Có khi lội dưới nước, những nơi nước sâu hoặc bị sụp chớn nước dễ chết đuối như chơi” - bà Lợi nói.

Làm nghề này mấy chục năm, bà Nguyễn Thị Bảy (59 tuổi, thôn Thanh Tam Đông) lắc đầu: “Nghề ni cực lắm! Cả ngày dầm nước lạnh thấu xương, cắt xong đem về nhà phải cong lưng chẻ, tước đôi tàu lá ra, phơi khô rồi mới bán chứ không dễ lấy tiền mô. Nhưng cái nghề nuôi sống mình, gia đình mình từ xưa đến giờ rồi, dẫu vất vả cũng phải làm”. Cũng chính cái nghề này mà gần 40 năm nay bà Bảy có tiền nuôi mấy đứa con ăn học thành người.

Ông Trần Lu (53 tuổi), nhân viên công ty lữ hành chèo thúng chở khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, kể hằng ngày chở khách vào rừng dừa đều chứng kiến cảnh nhiều chị em phụ nữ ngâm mình dưới nước cắt tàu dừa. “Ở đây mấy chị em chịu khó, có đứa mới 14-15 tuổi đã làm nghề này rồi. Thấy họ ngâm mình dưới nước cả ngày, đàn ông tụi tui cũng nể” - ông Lu nói.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên