24/11/2019 10:30 GMT+7

Ngày về nhà của hai đứa trẻ lang thang

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Cha mẹ của hai đứa trẻ tưởng không bao giờ gặp lại con mình sau hai năm chúng biệt tích. Bỗng một ngày giữa tháng 11-2019, hai đứa trẻ được những người tốt bụng đưa về tận nhà...

Ngày về nhà của hai đứa trẻ lang thang - Ảnh 1.

Em Mang Sinh giữa mẹ và chị. Anh Trần Phước Lợi (bìa phải) là một trong những người đã kết nối, tìm kiếm thông tin để đưa em về lại với gia đình - Ảnh: DUY THANH

Chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để hai cháu Mang Sinh và Mang Ngật trở lại hòa nhập với gia đình, hàng xóm. Xã cũng sẽ làm việc với các trường để sớm đưa hai cháu trở lại trường học tập.

Ông Nguyễn Hữu Duy (chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh)

1h sáng 13-11-2019, chiếc xe bảy chỗ chở hai cậu bé Rồng (tên thật là Mang Sinh, 12 tuổi) và Ngọc (tên thật là Mang Ngật, 14 tuổi) cùng những người cưu mang đã rời nhóm thiện nguyện Nhân Ái ở xã Ia Phang (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), xuyên màn đêm và những cơn mưa như trút, trực chỉ hướng tỉnh Phú Yên.

Vỡ òa hạnh phúc

Trưa cùng ngày, chiếc xe đến buôn Da Dù - một buôn đồng bào dân tộc Chăm ở xã Xuân Lãnh thuộc huyện miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), rồi dừng trước một ngôi nhà vây bằng tôn và mái cũng lợp bằng tôn tạm bợ dưới trời mưa to.

Một người phụ nữ không mặc áo mưa, lao nhanh từ trong nhà ra chỗ chiếc xe vừa đỗ xịch. Đó là chị Mang Thị Bình - mẹ của em Mang Sinh. Cửa xe vừa mở, Sinh cũng lao xuống. Mặc mưa ướt lạnh, hai mẹ con ôm siết nhau khóc... Người mẹ 39 tuổi một tay ôm con, một tay ôm ngực, nấc nghẹn: "Con ơi... con ơi, mẹ không thể tin là con trở về...". Mang Sinh cũng không nghĩ có ngày được trở về ngôi nhà thân quen, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Gần nửa tiếng trong ngôi nhà, giữa vòng vây của người trong buôn làng, Mang Sinh gần như không nói được thành lời. Cậu và mẹ, chị gái sinh đôi cùng đứa em nhỏ 3 tuổi chỉ biết khóc vì quá xúc động, vì niềm hạnh phúc vỡ òa. Chị Bình cứ đưa đôi bàn tay vuốt tóc, sờ mặt con. "Mẹ đi khắp nơi tìm con mà không gặp. Mẹ tưởng con đã đi xa, đã chết đâu đó rồi. Không ngờ..." - người mẹ nước mắt giàn giụa, nói với đứa con trai.

Vài chục phút sau đó, cách nhà Mang Sinh vài trăm mét, cảnh xúc động tương tự cũng diễn ra. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình - Mang Thị Loan được tin hôm nay thằng Mang Ngật về nhà. Từ đêm qua hai vợ chồng không ngủ được, sáng sớm anh chị đã bồn chồn ra vào. Đến khi thấy chiếc xe hơi trờ tới trước sân, cả hai cùng lao ra ôm Ngật, kéo vội vào nhà như thể nếu không làm vậy thì đứa con lưu lạc sẽ biến mất.

"Nhiều lúc cha có bực mình, quát tháo, đánh con. Nhưng sao con bỏ đi luôn không về nhà, cha mẹ héo hon từng ngày, con có biết không?" - anh Bình vừa như hối lỗi, vừa như mắng yêu đứa con trai 14 tuổi của mình.

Hai ngôi nhà nghèo khó, u uẩn suốt gần hai năm qua vì mất con, hôm nay bỗng dưng rộn ràng. Người trong buôn kéo tới chung vui, đầy tiếng cười và cả tiếng khóc.

Ngày về nhà của hai đứa trẻ lang thang - Ảnh 3.

Em Mang Ngật đã được về với cha mẹ - Ảnh: DUY THANH

Lòng nhân ái rộng mở

Hành trình phát hiện, cưu mang rồi đưa hai em Mang Sinh, Mang Ngật về nhà như một cuốn phim dài có hậu...

Gần hai năm trước, Sinh 10 tuổi, còn Ngật 12. Hai cậu bé ham chơi, mê game nên bị cha mẹ la mắng, đánh đòn. Buồn tình, chúng lén trộm mấy chục ngàn đồng của mẹ, ra quốc lộ đón xe đi Nha Trang. Nhỏ xíu, không biết làm gì để sống, cả hai đi ăn xin, tối về thì xuống bãi cát sát biển để ngủ. Từ chỗ có gia đình, chúng trở thành những đứa trẻ lang thang.

"Trong một chuyến đến Nha Trang làm thiện nguyện, chúng tôi theo dõi hai cậu bé này suốt ba ngày thì thấy đúng chúng là... trẻ lang thang. Vì là người dân tộc thiểu số, tiếng Kinh chưa rành rẽ, nói lơ lớ khó nghe nên cả hai đều không giúp chúng tôi được nhiều thông tin về cha mẹ, quê hương. Tôi mở điện thoại, đưa cho hai đứa nhỏ xem về mái ấm Nhân Ái dành cho những đứa trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa của chúng tôi. Nhờ vậy, hai đứa mới tự tin theo chúng tôi về Gia Lai" - anh Trần Phước Lợi, trưởng nhóm thiện nguyện Nhân Ái ở xã Ia Phang, nhớ lại.

Không nghe rõ tên của hai đứa trẻ lưu lạc, anh Lợi đặt tên cho một đứa là Rồng, một đứa tên Ngọc, với hi vọng mai sau hai đứa trở thành viên ngọc rồng. Cùng với những đứa trẻ khác được nuôi nấng, chăm sóc tại nhóm thiện nguyện Nhân Ái, hai năm qua Rồng (Mang Sinh) và Ngọc (Mang Ngật) lớn lên, được học, được tham gia lao động, đi làm từ thiện... 

"Ba Lợi còn tổ chức sinh nhật cho tụi con, cho tham gia nhiều hoạt động vui chơi. Tụi con cũng được ba, mẹ, ông, bà ở trong mái ấm yêu thương, chăm sóc, được cho nhiều áo quần mới, có xe đạp để đến lớp học tình thương..." - Ngật kể.

Ngày về nhà của hai đứa trẻ lang thang - Ảnh 4.

Anh Trần Phước Lợi xúc động khi chia tay Mang Sinh, đứa trẻ anh đặt tên là Rồng - Ảnh: DUY THANH

Đầu tháng 11-2019, quây quần trong một bữa cơm chiều ở mái ấm Nhân Ái, lũ trẻ vừa ăn cơm vừa xem tivi. Bỗng cả Rồng và Ngọc cùng bỏ chén reo lên: "Quê mình kìa!". "Lúc ấy, tôi chỉ kịp thấy hình ảnh một ngôi làng người đồng bào thiểu số và chữ chạy bên dưới là tỉnh Phú Yên" - anh Lợi kể.

Tối đó, anh Lợi lên Facebook cá nhân, thông tin rằng anh cần tìm lại gia đình cho hai đứa trẻ lưu lạc quê tỉnh Phú Yên. Chị Đào Thị Tùng Linh, một người chuyên làm thiện nguyện ở Phú Yên, đã được bạn bè tag vào trong bình luận dòng trạng thái của anh Lợi. 

"Là một người mẹ, tôi cảm nhận được sự đau đớn của những gia đình lạc mất con và cả sự khủng hoảng, mất mát rất lớn trong lòng những đứa trẻ nên nguyện cố gắng hết sức để đi tìm" - chị Linh cho biết.

Với tấm ảnh hai đứa nhỏ được anh Lợi gửi qua mạng, cùng cái tên một trong hai đứa mà anh đoán là "Mai Văn Xinh", chị Linh bước vào cuộc kiếm tìm đầy thử thách. Bằng các mối quan hệ rộng rãi sau hàng chục năm làm thiện nguyện, cuối cùng chị Linh có được thông tin là ở xã Xuân Lãnh có đứa trẻ mất tích gần hai năm tên là Mang Sinh chứ không phải "Mai Văn Xinh".

Ngày 11-11, chị Linh thuê xe về xã Xuân Lãnh. "Tôi đến nhà của Mang Sinh, chị Bình rầu rĩ khóc vì thương nhớ con. Khi tôi đưa tấm ảnh của hai đứa nhỏ thì chị nhận ra thằng Sinh và cả thằng Ngật hàng xóm. Lúc ấy, tôi kết nối Messenger với anh Lợi để hai mẹ con Sinh được nói chuyện qua mạng, rồi đến gia đình của Ngật cũng như vậy. Khoảnh khắc đó cả hai gia đình, hai đứa bé, tôi, anh Lợi và những người làm thiện nguyện đều chung niềm vui tột cùng" - chị Linh kể.

"Ba luôn nhớ các con!"

Anh Trần Phước Lợi tâm sự: "Từ khi đưa hai cháu về với mái ấm, tôi luôn mong muốn ngày nào đó tìm lại được gia đình cho Rồng và Ngọc".

Chứng kiến anh Lợi nghẹn ngào khi trao gửi những lời dặn dò cho Sinh và Ngật khi trả các em về lại gia đình, ai cũng xúc động vì tình nhân ái lớn lao của người đàn ông 31 tuổi này. "Mái ấm Nhân Ái là nhà của các con, lúc nào muốn các con cứ trở về. Ba luôn nhớ các con!" - anh Lợi nói với Rồng và Ngọc với đôi mắt đỏ hoe.

Anh Lợi đã tốt nghiệp đại học nhưng lại chọn nghề "thợ đụng" để mở mái ấm Nhân Ái nuôi dưỡng trẻ lang thang, mồ côi và người già neo đơn. Hiện nay anh Lợi đang nuôi 17 đứa trẻ trong cơ sở của mình.

Báo tin người lang thang, ăn xin tại TP.HCM đến số điện thoại nào? Báo tin người lang thang, ăn xin tại TP.HCM đến số điện thoại nào?

TTO - Người dân TP.HCM có thông tin về các đối tượng lang thang, ăn xin có thể gọi vào đường dây nóng 24/24 tại các số 028.38.292.491 (giờ hành chính) hoặc 028.35.533.258 và 0982.838.987 (24/24 giờ).

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên