13/07/2020 09:37 GMT+7

Ngày tưởng niệm đặc biệt của Huế: Nơi năm xưa là chiến địa đẫm máu

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Một biến cố đau thương đã xảy ra ở kinh đô Huế vào ngày này của 135 năm trước. Đó là trận chiến ác liệt giữa quân đội triều Nguyễn với quân đội Pháp vào đêm 22 rạng sáng 23-5 Ất Dậu, nhằm ngày 5-7-1885.

Ngày tưởng niệm đặc biệt của Huế: Nơi năm xưa là chiến địa đẫm máu - Ảnh 1.

Nhà dân nào trong kinh thành Huế cũng có mâm cúng thất thủ kinh đô - Ảnh: ĐẮC THÀNH

Những ngày này, nếu bạn đến Huế, sẽ chứng kiến một lễ tưởng niệm rất đặc biệt, bắt đầu từ hôm nay 23-5 âm lịch.

Một biến cố đau thương đã xảy ra ở kinh đô Huế vào ngày này của 135 năm trước. Đó là trận chiến ác liệt giữa quân đội triều Nguyễn với quân đội Pháp vào đêm 22 rạng sáng 23-5 Ất Dậu, nhằm ngày 5-7-1885.

Lịch sử gọi ngày 5-7-1885 là "Ngày thất thủ kinh đô". Người Huế gọi ngày 23-5 âm lịch là ngày "giỗ chung" của Huế.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, lễ vật trong ngày giỗ này bao giờ cũng phải có dĩa cơm vắt (cơm nắm) để người ta mang theo khi chạy loạn, có bình nước chè xanh rất to vì năm đó mùa hè người ta rất khát nước, và một bếp lửa để các oan hồn run rẩy được sưởi ấm vì năm đó có nhiều người chết vùi dưới sông hồ, hào nước bao quanh kinh thành.

“Lễ cúng 23-5 của người Huế là một lễ cúng đặc biệt, duy nhất có ở đây. Một lễ cúng nặng tình đồng bào, nghĩa nhân văn.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA

Nơi năm xưa là chiến địa đẫm máu

Tôi trở lại kinh thành Huế sau khi đã đọc xong hàng chục tài liệu của triều Nguyễn lẫn quân đội Pháp ghi chép về biến cố kinh đô đầu tháng 7-1885. Nơi năm xưa là tử địa đẫm máu giờ đã là phố phường Thành Nội xanh mát bóng cây.

Dân ở xóm Âm Hồn (thuộc phường Thuận Lộc) giới thiệu tôi gặp ông Nguyễn Thượng Hiền, cháu nội của quan hộ thành Nguyễn Thượng Oánh, người được xem là "kho sử liệu sống".

Ông Hiền cho biết khoảng 3 giờ sáng 5-7 năm đó, thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết phát lệnh cuộc tấn công vào hai mục tiêu lớn của quân đội Pháp tại Huế. Đó là khu sứ quán Pháp nằm ở cạnh bờ nam sông Hương và trấn Bình Đài - nơi quân Pháp vừa chiếm đóng. Súng thần công trên thành đồng loạt phát hỏa. Khói lửa bốc lên ngùn ngụt, bao phủ hai mục tiêu.

Trời sáng thì quân Pháp phản công. Ba cánh quân của Pháp với súng đạn tối tân, đại bác và tàu chiến yểm trợ, đã tràn vào kinh thành từ nhiều hướng. Quân triều đình không kháng cự nổi phải tháo chạy.

Tình thế nguy ngập, vua Hàm Nghi cùng với hoàng gia và quần thần phải rời khỏi kinh thành. Đến khoảng 8 giờ sáng thì lá cờ tam tài của Pháp đã xuất hiện trên kỳ đài. Quân Pháp tràn vào kinh thành lúc này đã không còn vua.

Chỉ trong một buổi sáng mà xác người la liệt, cả quân lính lẫn dân thường. Họ chết do súng đạn, lưỡi lê của quân Pháp, và chết do hoảng hốt giẫm đạp lên nhau, rơi từ thành, rớt xuống hào...

Ngày tưởng niệm đặc biệt của Huế: Nơi năm xưa là chiến địa đẫm máu - Ảnh 3.

Khu nhà Dãy Trại ở cửa Đông Ba, nơi người chết nhiều nhất trong buổi sáng 5-7-1885 - Ảnh tư liệu

Dân lập miếu, vua lập đàn

Xóm Âm Hồn nằm cạnh cửa Đông Ba, nơi có số người chết nhiều nhất trong biến cố năm đó. Ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết vào năm 1894, khi lính của nha hộ thành nạo vét mương thoát nước, đã đào lên vô số xương người.

Họ tập kết xương cốt về góc ngã tư đường Đông Ba - Tam Tòa, sau đó đưa lên chôn cất ở nghĩa địa. Dân chúng trong xóm tự nguyện góp tiền xây miếu để thờ hương linh người đã khuất, gọi là miếu Âm hồn. Suốt từ năm đó đến tận hôm nay, cứ đến ngày 23-5 âm lịch, dân chúng trong xóm vẫn tự nguyện góp tiền làm lễ cúng vong linh những người tử nạn.

Cũng trong năm 1894, vua Thành Thái đã cho lập đàn Âm hồn (nằm bên phải phía trước hoàng cung) để thờ cúng đồng bào, chiến sĩ hi sinh trong biến cố thất thủ kinh đô. Đồng thời, bộ Lễ cũng ban hành quy cách về lễ nghi, lễ vật, văn tế cho lễ cúng này.

Năm 2013, đàn Âm hồn đã được xếp hạng di tích lịch sử. Năm 2018, lễ tế đồng bào, chiến sĩ vong mạng trong biến cố thất thủ kinh đô lần đầu tiên được tái hiện theo đúng như nghi thức dưới triều Nguyễn. Từ đó đến nay, lễ tế thất thủ kinh đô luôn được tổ chức trang nghiêm, do lãnh đạo tỉnh làm chủ tế.

"Ngày giỗ chung"

"Đó là ngày kinh đô quật khởi, nhưng cũng là ngày "trọng tang", ngày đau buồn tột cùng của người dân Huế" - PGS.TS Đỗ Bang, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế, đã đúc kết như vậy về biến cố thất thủ kinh đô.

Vì vậy, người dân cố đô xem ngày 23-5 âm lịch là "ngày giỗ chung" của Huế. Không chỉ người dân trong kinh thành, mà cả người ngoài thành, ở chợ Đông Ba, phố Gia Hội, bờ nam sông Hương, và dường như mọi phố phường, làng xóm trên khắp tỉnh Thừa Thiên Huế đều không thể quên "ngày giỗ chung", họ gọi giản dị là "cúng 23 tháng 5".

Đó cũng là thời điểm mà chủ quyền đất nước chính thức rơi hoàn toàn vào tay thực dân Pháp.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng lễ cúng 23-5 của người Huế là một lễ cúng đặc biệt, duy nhất có ở đây. Một lễ cúng nặng tình đồng bào, nghĩa nhân văn.

Từ dân chúng cho đến triều đình nhà Nguyễn, cả chính quyền trước 1975 lẫn chính quyền hiện nay đều tổ chức lễ tưởng niệm cho đồng bào, chiến sĩ thất thủ kinh đô. Qua thời gian, ngày thất thủ kinh đô đau buồn đã trở thành ngày tưởng niệm đặc biệt của Huế!

Cuộc đấu đòi lại cổ vật

Sau khi chiếm kinh thành, quân Pháp đã lấy đi rất nhiều vàng bạc, kim cương, đồ ngự dụng, ấn tín, kim thư của triều đình, đồ thờ trong Thế Miếu...

Vào thập niên 1980, cựu hoàng Bảo Đại phát hiện nhiều cổ vật của hoàng gia Huế được đưa ra bán tại một trung tâm đấu giá ở Paris, đã phát đơn kiện đòi lại, nhưng bất thành.

Năm 1988, Đại sứ quán VN tại Pháp đã phối hợp với UBND TP Huế đấu tranh thắng kiện và thu về cho Huế hai bộ cổ vật là án thư triều Nguyễn và bộ phi tiêu của vua Tự Đức. Hiện cuộc đấu để đòi lại cổ vật của Huế từ nước Pháp vẫn đang tiếp tục.

(Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh trong sách Biến cố kinh đô Huế và phong trào Cần Vương, NXB Tri Thức)

Huế - kinh đô áo dài Việt Nam Huế - kinh đô áo dài Việt Nam

TTO - “Huế là cái nôi và kinh đô của áo dài Việt Nam - nơi còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của áo dài Việt Nam”

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên