11/07/2014 06:10 GMT+7

Ngày thi, ngày đoàn tụ

HOÀNG YẾN
HOÀNG YẾN

TT - “Mải lo miếng cơm manh áo khiến cha một nơi con một nẻo. Đến ngày thi, khi con đứng trước bước ngoặt cuộc đời, cha con tui mới được bên nhau lâu ngày như vậy”.

Cô Phương bền chíThí sinh “Nấm lùn” đi thi đại họcPháp, Mỹ và ước mơ nhà nông trí thức

NHUR6IXE.jpg
Ông Nguyễn Thế Anh đón con gái sau khi kết thúc buổi thi - Ảnh: H.Yến

Ông Nguyễn Thế Anh (40 tuổi, ngụ thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ như vậy khi đang đợi con tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế Huế.

Nhờ có ngày thi

Ba câu chuyện về bốn thí sinh đặc biệt tham gia kỳ thi ĐH đợt hai tạm khép lại tuyến bài “Đằng sau những ước mơ”. Còn rất nhiều câu chuyện về ước mơ và nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ trong số hơn 1 triệu “sĩ tử” của cả nước trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay mà Tuổi Trẻ chưa thể phản ánh. “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”, với quyết tâm và nỗ lực, những ước mơ đó sẽ thành hiện thực.

TUỔI TRẺ

Trời nắng như đổ lửa, vừa nghe tiếng trống vang lên người cha vội chạy từ quán nước ra cổng trường mắt đăm đăm ngóng con. Ông cố gắng len lỏi giữa đám đông để đến gần hơn với cánh cổng. Dòng thí sinh đổ ra. Con gái ông, Nguyễn Thị Hồng Hợp, lết đôi chân mệt nhọc lẫn trong nhiều thí sinh bước ra khỏi trường thi. Vừa thấy con, người cha vẫy tay lia lịa, nước mắt chực tuôn trào. Về phần mình, cô thí sinh mừng rỡ nép mình vào cha cùng băng ngang đường. Cha con tay nắm chặt tay, bóng đổ xuống mặt đường hừng hực nóng.

Người cha chưa vội hỏi kết quả làm bài vì sợ con chịu gánh nặng tâm lý. Chỉ khi con gái đọc xong bài giải trên báo, thấy mặt con buồn buồn ông mới động viên: “Để đậu đại học đâu phải dễ, xem đáp án chỉ để xem mình làm thế nào chứ kết quả đâu thay đổi được mà con buồn. Không đậu năm ni cha cho con học ôn năm sau hai cha con đi thi tiếp”. Như được tiếp thêm tinh thần sau những lời động viên chân thành của cha, khuôn mặt Hợp bắt đầu tươi tắn trở lại.

Ông Nguyễn Thế Anh đang làm ăn ở Gia Lai. Còn Nguyễn Thị Hồng Hợp - con gái ông - đang ở cùng mẹ và bà ngoại ở đảo Lý Sơn. Đợt thi thứ hai này Hợp thi vào ngành điều dưỡng Trường ĐH Y dược Huế. Đợt đầu cô bé thi vào ngành sư phạm toán Trường ĐH Quy Nhơn.

Ông Anh vốn là dân biển thứ thiệt của huyện đảo Lý Sơn, nhưng sau nhiều lần đi biển thất bát, bị nợ nần vì không đánh được cá hoặc có cá cũng không bù lại vốn. Ông cũng từng bị Malaysia bắt năm năm trước và bị giam giữ đến chín tháng mới cho trở về... Nợ chồng lên nợ, tàu bè cũng thường xuyên gặp nạn có khi đến tán gia bại sản, ông quyết định lên Tây nguyên lập nghiệp, để gia đình, vợ con ở lại trên đảo quê hương.

Ngày con gái đi thi, dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông Anh đã quyết định thu xếp công việc, xuống núi gặp con. Khi biết con thi đợt đầu có kết quả sẽ khả quan, lòng ông dâng trào hi vọng...

Khát khao đoàn tụ

Ông Anh cho biết việc xa gia đình là chuyện chẳng đặng đừng, đặc biệt là xa người con gái tật nguyền đang tuổi ăn tuổi học. Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, từ lúc sinh ra Hợp đã bị dị tật bẩm sinh ở chân phải. Vì vậy, ước nguyện của ông là dù thế nào cũng phải cho con theo nghiệp chữ, có bằng cấp để cuộc sống đỡ cực nhọc hơn sau này. Vì vậy, dù làm ăn xa nhưng ông vẫn thường xuyên giữ liên lạc với thầy cô, làng xóm để dõi theo việc học của con. Công việc làm nương rẫy cũng không dễ kiếm tiền. Đường về quê lại cách trở bởi mấy chuyến xe đò, tàu thủy nên mỗi năm ông chỉ về thăm vợ con một lần vào dịp tết.

Gặp cha con ông sau buổi thi môn hóa ngày 10-7, ông Anh cho biết sẽ cố gắng ở lại vài hôm đưa con tham quan các điểm di tích và ăn món Huế để bù đắp phần nào sự căng thẳng trong thời gian luyện thi của con gái. Với cô bé Hợp thì dù ở đâu đi nữa, chỉ cần được gặp cha đã là hạnh phúc nhất trên đời. Dù đã hơn năm năm đi xa, nhưng ông Anh kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về con gái ông, nhất là về thành tích học tập. Rằng dù thiệt thòi vì tật nguyền và thiếu thốn sự chăm sóc của cha, nhưng cô bé luôn quyết chí học tập để trở thành học sinh giỏi của trường. Theo lời chia sẻ của cô bé, kết quả đó cũng chính nhờ công lao của cha, đã ngày ngày cật lực kiếm tiền để chăm lo cuộc sống cho gia đình, nhất là luôn đầu tư vào việc học của con.

Hợp cho biết cả hai khối thi đều làm được bài, và cũng có khả năng bước đến giảng đường... Và nếu đến được giảng đường, em sẽ cố gắng học thật giỏi để ra trường có việc làm ổn định, góp phần san sẻ phần nào gánh nặng kinh tế, làm cho gia đình lại đoàn tụ bên nhau như ngày nào.

Ti9FfMAK.jpgPhóng to
Hai anh em Hối H Đim (trái) và Hối H Đến cùng ôn bài tại tiểu đoàn 7 Học viện Hải quân - Ảnh: Châu Tường

Mơ thành chiến sĩ biên phòng

Mang theo ước mơ trở thành chiến sĩ biên phòng và niềm hi vọng của ba mẹ, của dòng họ, hai thí sinh người Cơ Tu là Hối H Đến (19 tuổi) và Hối H Đim (18 tuổi) ở thôn Tà Vàng, xã A Tiêng (huyện Tây Giang, Quảng Nam) cùng đăng ký thi vào Học viện Biên phòng với địa điểm thi là Học viện Hải quân (TP Nha Trang, Khánh Hòa).

Đến và Đim là hai anh em họ. Ngày đi thi, hai anh em được một cán bộ trong ban tuyển sinh quân sự huyện Tây Giang hướng dẫn ra đón xe vào Nha Trang. Ra bến xe Tây Giang lại hỏi thăm bảo vệ ở đây đi xe nào để có thể đến trường thi. Cứ thế hai anh em tự dẫn nhau đi thi khi lần đầu tiên bước ra khỏi cổng làng.

Gia đình đông con lại khó khăn, để có tiền cho con đi thi ba mẹ Đến phải vay mượn bà con, hàng xóm cộng với một ít tiền để dành mua phân bón lúa. Còn gia đình Đim phải vay ngân hàng, chắt bóp cho em đi thi nhưng cũng chỉ có thể cho mỗi em 2 triệu đồng lộ phí. Tiền xe từ quê vào tới Nha Trang mỗi người đã mất 600.000 đồng.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Đim nói: “Ba mẹ đặt hết hi vọng vào em nên em sẽ cố gắng hết sức để thi thật tốt. Em muốn trở thành người chiến sĩ để bảo vệ quê hương mình”. Mang theo lời dặn của ba: “Con cố gắng thi thật tốt, không được làm những việc trái với lương tâm, dù mình nghèo nhưng cũng phải vươn lên bằng chính đôi bàn tay mình”, Đến luôn cố gắng hết mình để thực hiện ước mơ. Đến chia sẻ: “Em chỉ mong ước được trở thành chiến sĩ biên phòng để bảo vệ quê hương, đất nước mình dù chỉ là góp một phần nhỏ bé cũng được”.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của hai em nên tiểu đoàn 7 Học viện Hải quân đã hỗ trợ ăn, ở miễn phí. Khi nói về hai thí sinh, thượng tá Phạm Xuân Quang - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 - hết lời khen ngợi: “Ở tiểu đoàn ai cũng quý mến hai em Đến và Đim. Không những hiền lành, lễ phép, chăm chỉ mà cả hai còn đầy hoài bão, vượt qua khó khăn. Ngoài hỗ trợ ăn ở miễn phí, tiểu đoàn sẽ giúp hai em vé xe và mua ít quà cho cả nhà”.

CHÂU TƯỜNG

8LbVL07u.jpg
Hà Đức Anh Quý - Ảnh: V.Mến

Chàng trai ung thư xương thi đại học

Sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng Hà Đức Anh Quý (20 tuổi, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, ảnh) không may mắn như bạn bè. Năm 12 tuổi, đôi chân Quý tự dưng sưng đỏ, cơ thể phát sốt, uống đủ loại thuốc vẫn không thuyên giảm. Gia đình đưa Quý đến bệnh viện khám, bác sĩ kết luận Quý bị ung thư xương phải cắt bỏ một chân.

Nhiều lúc tuyệt vọng Quý tìm đến âm nhạc với cây đàn guitar. Những nốt nhạc vang lên từ cây đàn tựa như nguồn động lực giúp em có thêm tinh thần, sức mạnh để chiến thắng nỗi đau thể xác.

Gặp Quý vào buổi thi đại học tại hội đồng thi THPT Trần Phú (Đà Nẵng), dáng người hơi gầy, em đi nạng, đầu tóc gọn gàng, nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi. Quý bộc bạch: “Đậu đại học với em không chỉ là một ước mơ mà còn là động lực để em sống tiếp những tháng ngày còn lại”. Những cơn đau xé da xé thịt do căn bệnh ung thư xương hành hạ, Quý không hề kêu than mà ngược lại còn tự nhủ phải cố gắng vượt qua và sống tiếp. Những lúc có thời gian rảnh rỗi, Quý nhận dạy thêm đàn guitar cho những bạn trẻ, phần nào trang trải việc học và phụ giúp gia đình. Đăng ký thi vào Trường ĐH Kỹ thuật y dược Đà Nẵng, Quý mong muốn sẽ trở thành một dược sĩ để chế biến thuốc chữa bệnh cho người nghèo.

VĂN MẾN

HOÀNG YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục