10/06/2007 13:00 GMT+7

Ngày tàn của Vàng Pao

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTCT - “Chiến dịch đại bàng rũ cánh” (tạm dịch từ “Operation Tarnished Eagle”) là một mật danh rất chính xác với người đàn ông 76 tuổi từng được biết đến dưới nhiều tên gọi như “thổ phỉ”, “xịa” (CIA), “tướng Vàng Pao”...

7J2sixzz.jpgPhóng to
Vàng Pao (đứng chỉ tay) lúc sát cánh cùng CIA

“Con đại bàng” này vừa bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bắt giữ hôm 4-6 vừa qua tại TP Sacramento (Hoa Kỳ)! Nội dung thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho thấy đâu là thái độ của Chính phủ Mỹ đối với một người mà từ rất lâu đã gắn chặt với CIA từ những năm 1960 cho đến sau này, đồng thời cũng phản ánh thái độ mới của Chính phủ Mỹ trong quan hệ với Chính phủ Lào.

Vụ đột kích 4-6 đã được tổ chức cùng một lúc tại 14 địa điểm khác nhau để bắt giữ mười người, trong đó có Vàng Pao. Đây là đoạn kết của một chiến dịch điều tra bí mật kéo dài sáu tháng. Hơn 200 nhân viên an ninh liên bang và địa phương đã cùng lúc ập vào nhà từng bị cáo, khám xét và bắt giải đi. Một nhân viên ATF đã cải trang thành “cò” bán súng làm quen rồi rủ rê cho đến khi “cá cắn câu”, đặt hàng đòi mua hàng trăm khẩu AK-47, hỏa tiễn phòng không cầm tay Stinger, hỏa tiễn chống chiến xa

AT-4, LAW, mìn claymore (sát thương bằng hàng trăm viên bi), chất nổ C-4 (giống như xà bông, sát thương cực mạnh), lựu đạn khói... “Cá” còn họp bàn cùng nhân viên ATF vận chuyển số vũ khí trên sang thả dù bên Thái Lan và Lào, tuyển một toán lính đánh thuê đưa sang Vientiane chờ thời điểm thích hợp tấn công.

Mẻ lưới thành công này được chưởng lý Scott nhiệt liệt khen ngợi: “Cuộc điều tra này y hệt như trong một kịch bản phim, có điều ở đây là thật sự chứ không phải đóng phim”.

Đáng lưu ý là tuyên bố của chưởng lý Scott: “Hoa Kỳ không thể là chỗ ẩn náu an toàn cho những ai âm mưu lật đổ một chính phủ mà chúng ta đang cùng họ giao hảo hòa bình”.

Trong hơn 30 năm qua, đã có nhiều chướng ngại vật trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Lào. Song, chướng ngại vật “bằng xương bằng thịt” chính là Vàng Pao cùng các âm mưu lật đổ Chính phủ Lào của y. Thế nhưng từ năm 2004, Hoa Kỳ đã có những động thái khác. Trong một cuộc họp với nghị sĩ Norm Coleman và trợ lý phụ tá ngoại trưởng Matt Daley, Vàng Pao đã được thông báo rằng: “Hoa Kỳ có nghĩa vụ giúp người Mông đã hi sinh giúp Hoa Kỳ trong chiến tranh VN, song Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xem đó chỉ là một vấn đề nhân đạo chứ không ủng hộ kình chống vũ trang chống lại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đồng thời khuyến cáo từ bỏ hoạt động như thế”. (VOA 28-1-2004). Vàng Pao đã không nhận thức được sự đổi hướng đó!

Richard S. Ehrlic viết trên trên Asia Times 25-6-2006: “Trong 30 năm qua, Chính phủ Lào luôn ta thán về những hoạt động của Vàng Pao có dính dáng đến một nhóm thiểu số người Mông... Gần đây, các ta thán này đã sắc bén hơn sau vụ một người Mỹ tên Ed Szendrey tuyên bố rằng chính Vàng Pao đã chi tiền cho y mò sang Lào vào tháng 6-2005, rồi bị nhà chức trách Lào bắt và trục xuất... vì tội cung cấp điện thoại vệ tinh cho các nhóm nổi loạn làm hệ thống liên lạc”.

Vụ Ed Szendrey phức tạp hơn bề ngoài của nó. Cách đây hai năm, cũng vào đầu tháng sáu, báo chí Lào loan tin: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lào Yong Chantalangsy cho biết chính quyền địa phương vừa bắt giữ bốn công dân Mỹ vì vi phạm pháp luật Lào. Những người này xin visa du lịch để vào Lào nhưng không du lịch mà lại liên lạc trái phép với người thiểu số Mông ở Lào. Bốn người bị bắt gồm hai người Mỹ tên Georgie Szendrey và Ed Szendrey đến từ California và hai người Mỹ gốc Mông, đều là thành viên của Ủy ban tìm kiếm sự thật (FFC) - một tổ chức hậu thuẫn cho các phần tử Mông chống chính phủ ở Lào - có trụ sở tại Mỹ”. Ít ngày sau có tin ngoại trưởng Somsavat Lengsavad đã thông báo cho lãnh sự Hoa Kỳ đến đón họ và số người này được gửi qua cầu Hữu Nghị từ Lào qua Thái Lan.

Một năm sau, Richard S. Ehrlich tiết lộ trên Asia Times những chi tiết rất lạ: “Ed Szendrey cho biết anh ta đã từng gặp các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thuộc “ban Lào” cùng với Vàng Pao tại Washington trước khi anh ta thực hiện chuyến đột nhập Lào”.

Phải chăng an ninh Hoa Kỳ đã “gài” Vàng Pao ngay từ vụ Ed Szendrey tháng 6-2005?

“Vồ” Vàng Pao chính là “chặt đầu” các hoạt động bạo loạn. Ngã rẽ của Mỹ giờ đây là từ một hình thái này sang một hình thái khác, từ “bạo động” sang “bất bạo động”.

Vàng Pao qua ống kính PBS

Tối 17-5-1988, truyền hình PBS (Mỹ) phát đi bàn tròn về “Súng, ma túy và CIA” (trích đoạn):

- PBS: Để lãnh đạo quân đội người Mèo, CIA đã tuyển chọn Vàng Pao, một cựu trung úy thời Pháp. CIA đã ra sức tạo thanh thế cho Vàng Pao.

- Tướng Richard Secord: Họ là dân miền núi. Ở Lào chúng ta sử dụng du kích chiến. Đó là một thí dụ kinh điển cho thấy có thể làm gì được trong một cuộc chiến tranh không qui ước.

- PBS: Lúc đó, Lào chính thức theo trung lập, nên không thể đưa binh sĩ Mỹ đến. CIA bèn sử dụng đạo quân bộ lạc này cùng với không lực. Ở Bắc Lào, một nhóm sĩ quan CIA chỉ huy khoảng 85.000 binh sĩ miền núi này. Song họ đã không chỉ ném họ vào chiến trường.

- John Everingham (phóng viên chiến trường thời đó): Họ đều mặc quân phục Mỹ. Dân làng cần đưa được thuốc phiện họ trồng ra khỏi làng của họ để bán lấy tiền. Từ đó họ không chỉ kiếm được khối tiền mà còn trở nên trung thành với CIA vốn giúp họ vận tải thuốc phiện.

- PBS: Máy bay đó của ai?

- John Everingham: Trực thăng của Air America (tức của CIA).

- PBS: Ai chịu trách nhiệm cung cấp máy bay của Air America?

- Tướng Richard Secord: Tôi, nhưng chỉ cho các phi vụ chiến thuật thôi.

- PBS: Ông có làm việc với Vàng Pao không? Quan hệ như thế nào?

- Tướng Richard Secord: Tất nhiên rồi. Tôi cung cấp máy bay cho y, nên y rất gần với tôi.

- PBS: Các nhân chứng cho rằng hoạt động của Air America bị chi phối bởi chuyện làm ăn của Vàng Pao.

- Ron Rickenbach (phụ trách USAID): Vàng Pao muốn nắm quyền kiểm soát máy bay ở căn cứ Long Chien. Máy bay được sử dụng chủ yếu cho việc chở thuốc phiện từ Long Chien đi.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên