![]() |
Hình ảnh của những ngày bao cấp: một chuyến xe đò chật nêm người - Ảnh Nguyễn Công Thành |
Chúng ta không có thông lệ kỷ niệm ngày đại hội Đảng nào đó. Đúng, nhưng thử hỏi: đại hội Đổi mới ấy có phải chỉ là sự kiện của Đảng? Câu trả lời là không! Đó là đại hội của lòng dân và chính nhân dân là người đã bỏ phiếu thuận cho cái mới trước đó rồi.
Chắc chắn có rất, rất nhiều người xúc động ghê gớm khi nghĩ về những ngày chưa xa hơn 20 năm trước, khi nỗi bức xúc về tinh thần, khổ sở về áo cơm đã tràn vào từng gia đình. Và nói như GS Trần Nhâm, đó là thời điểm đất nước đứng trước một tình thế hiểm nghèo của sự phát triển: hoặc vững bước tiến lên, hoặc tụt lại phía sau để rồi không bao giờ vươn lên được nữa.
Thế mới biết vì sao có rất nhiều người khóc khi đến thăm Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội). Ở đó vẫn đang trưng bày những hình ảnh ngột ngạt, những ký ức nhói lòng của cái thời “đêm trước đổi mới”. Thế mới hiểu vì sao bọn sinh viên sư phạm chúng tôi 20 năm trước chen chúc trước nhà một giảng viên để “coi ké” tin tức Đại hội 6. Và họ đã gào lên, vỗ tay dữ dội khi đại hội công bố nhân sự mới và đưa ra thông điệp dứt khoát về đường lối đổi mới.
Có nghĩ đến thảm cảnh “không bao giờ vươn lên được nữa”, mới thấy hết ý nghĩa của hình ảnh “cả dân tộc bước ra biển lớn” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra trong bài phát biểu nhân dịp VN gia nhập WTO vừa rồi.
Nhớ 20 năm trước để mà nghĩ và khát khao về 20 năm tới. Bởi, chúng ta đang sống trong những “đêm trước của ngày mai” - cái ngày chúng ta hi vọng xóa được nỗi nhục về một đất nước nghèo nàn lạc hậu. Nhưng ngày mai ấy sẽ không bao giờ tự đến nếu không có sự khởi đầu từ hôm nay. Và một bài học của Đại hội 6 vẫn rất cần, rất đúng và rất thời sự cho ngày hôm nay: nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận