Ngày ấy Cổng Trời là tác phẩm mà NSND Trịnh Kim Chi làm đạo diễn đem đến tranh tài tại Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần 1 năm 2024.
Có những cô gái đã hy sinh tuổi xuân vì đất nước
Ngày ấy Cổng Trời nói về những cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ, tham gia mở đường trên những cung đường Trường Sơn ác liệt để đem lại hòa bình cho dân tộc.
Vở diễn không quá gai góc nhưng len lỏi vào tâm cảm người xem bởi những chi tiết rất giàu cảm xúc.
Đó là những cô gái trẻ với lý tưởng cao đẹp, rất dũng cảm khi đối diện với sống chết, nhưng cũng rất hồn nhiên, đáng yêu trong cuộc sống kham khổ, thiếu thốn đủ thứ thời chiến.
Ở đó có cô Phúc là người phá bom nổ chậm nổi tiếng nhưng mang nhiều nỗi niềm. Cha Phúc bỏ nhà đi biền biệt gần 20 năm trời khiến xóm làng dị nghị rằng ông phản bội, trốn vào Nam làm tay sai ác ôn.
Những lời đồn vô căn cứ khiến gia đình Phúc bị nghi kỵ, chịu nhiều khổ sở, Phúc phải trốn đi thanh niên xung phong để cống hiến tuổi xuân và mong lấy lại danh dự cho gia đình...
Không quá hoành tráng, vở diễn cứ thế làm người xem rưng rưng với những câu chuyện nho nhỏ.
Như có sợi dây tâm linh dẫn đường
Trịnh Kim Chi tâm sự chị được tác giả Nguyễn Kháng Chiến tặng tập sách gồm nhiều kịch bản của ông. Do bận rộn nên chị chưa có điều kiện đọc.
Đến gần thời gian diễn ra liên hoan, vì muốn tìm kịch bản dàn dựng, Trịnh Kim Chi mở tập sách của Nguyễn Kháng Chiến.
Một cách rất ngẫu nhiên chị lật đúng trang có kịch bản Ngày ấy Cổng Trời đọc một mạch và quyết định xin phép tác giả dàn dựng luôn tác phẩm.
Sở dĩ Trịnh Kim Chi quyết định rất nhanh vì Kháng Chiến vốn là người lính, câu chuyện ông viết trong kịch bản là câu chuyện có thật mà ông được biết. "Tôi xúc động vì những gì anh Chiến viết trong Ngày ấy Cổng Trời rất dung dị nhưng chạm đến trái tim người xem" - Trịnh Kim Chi chia sẻ.
Với Trịnh Kim Chi, việc dựng kịch bản này như có sợi dây tâm linh nào đó dẫn dắt khiến chị nhanh chóng tìm đến, đồng cảm và thể hiện trên sân khấu.
Và cảm xúc mãnh liệt đó đã được chị trao truyền hiệu quả đến người xem.
Trong vở, nghệ sĩ Đào Vân Anh có cơ hội thể hiện khả năng với nhân vật Phúc, chỉ tiếc là chị hơi cứng tuổi so với nhân vật.
Vai mẹ của Phúc là vai có chiều sâu, có đất để diễn viên khai thác, tuy nhiên diễn viên Yaly Trần chưa tận dụng được để tỏa sáng bởi diễn xuất còn thiếu kinh nghiệm.
Vở còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Phương Bình, Trọng Hiếu, Chánh Thuận, Lê Chi Na, Thanh Sơn, Nhựt Huy...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận