Dưới đây là bài viết của tác giả Nguyễn Thành Công - cựu học sinh Trường Giá Rai A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, gởi đến góc tâm sự Tuổi Trẻ Online.
"Mới đó mà đã hơn 20 năm, lũ chúng tôi chia tay nhau để hòa vào dòng đời xuôi ngược, sau khi đã mài đũng quần trên ghế trường phổ thông.
Trường của chúng tôi có đủ tất cả những gì về một ngôi trường mà người ta hay nghĩ đến: phượng vĩ gọi hè, mái ngói rêu phong cổ kính, những ông giáo già…
Nằm chiếm một góc nhỏ của thị trấn, trường được xây dựng từ thời thuộc Pháp, cái gì cũng xưa cũ. Chi đoàn chúng tôi đã tạo được đôi chút mới mẻ với những luống cao lương kế hoạch nhỏ và thật nhiều bạch đàn.
Cô hiệu trưởng và gần chục thầy cô giáo tăng cường ở trong những phòng tập thể tranh tre đơn sơ. Cô hiệu trưởng trồng mấy dây bầu, chúng bám vào tường nhà kho thiết bị đầy trái, cô ăn quanh năm.
Thầy chủ nhiệm năm cuối cấp của tôi là một nhà giáo tài hoa. Thầy mất mấy ngón tay, lẽ ra việc vẽ đường tròn sẽ khó khăn song thầy vẽ tốt. Tiết toán của thầy đầy chất nghệ thuật, cuốn hút chúng tôi.
Bài ca cách mạng mà thầy hát suốt trong những dịp văn nghệ của trường của lớp là bài ngợi ca cây lúa, “Tôi hát bài ca ngợi về cây lúa, và người trồng lúa cho hôm nay…”. Chất giọng ấm áp, trữ tình của một giáo chức cũ thể hiện thật hay bài ca mới của cách mạng.
Cô giáo dạy văn lại luôn có vẻ buồn buồn, tâm tư nặng trĩu song hết lòng vì học sinh. Thầy dạy vật lý lại rất hài hước, chuyển tải kiến thức khoa học vật lý có vẻ khô khan một cách dí dỏm, dễ hiểu.
Tiết họp dưới cờ đầu tuần luôn luôn trang trọng. Tôi có lần vinh dự được điều khiển các khối lớp chào cờ, cảm giác đặc biệt còn đến bây giờ, “hướng về cờ, chào!”… Hàng trăm con người trẻ tuổi đứng nghiêm, hướng về quốc kỳ phất phới, chào. Thật thiêng liêng.
Tôi làm cờ đỏ và duyên nợ với em từ “công tác” này. Tôi thường sang lớp em chấm thi đua, đủ cả: vệ sinh, thể dục đầu và giữa giờ, trật tự lớp… Khi ấy em còn là một nữ sinh xa lạ. Dần dần tôi biết em bởi cái duyên ngầm, dáng dong dỏng cao, và tất nhiên - như tình yêu của cả thiên hạ - tôi thương ánh mắt em như nai giữa rừng, long lanh có gì chút xíu ngơ ngác…
Tôi cứ để ý em, thương thầm thương trộm không biết bao lâu, cho đến một ngày đẹp trời tôi quyết định… viết thư tỏ tình. Anh chàng cờ đỏ mặt sắt thức gần cả đêm để viết thư, loay hoay mãi không xong mấy dòng tỏ tình đầu đời. Cặm cụi viết. Viết mấy dòng rồi lại xóa… Viết mãi không vượt qua được mấy dòng “mở bài”…
Rồi cũng xong cánh thư. Tôi hồi hộp thực hiện kế hoạch đã được tính toán trước. Tôi sẽ lén ép cánh thư vào vở em, lúc cả lớp em tập thể dục giữa giờ và thực hiện động tác quay theo hướng không nhìn thấy lớp học. Tim đập thình thịch, mồ hôi thấm áo… Tôi đã bỏ được cánh thư vào vở của em.
Sau đấy là lo lắng: không hiểu cập rập như thế có bỏ nhầm thư vào… vở cô bạn ngồi cạnh em hay không? Cứ nghĩ đến đấy tim tôi thắt lại vì lo lắng.
Em đã không trả lời thư của tôi, và ngày hè của năm học cuối cùng cũng đã đến. Trong buổi họp mặt chi đoàn trường em đã hát thật buồn: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…”.
Đấy, kỷ niệm của một học trò nghèo không nhiều. Giờ bạn bè có mặt ở khắp nơi: đứa sống tận bên Pháp, đứa lận đận dạy tiểu học ở vùng sâu vùng xa, có đứa lâu lắm rồi không có tin tức gì….
May mắn gặp lại thầy cô, gặp lại bạn bè thời áo trắng, nói chuyện thăm hỏi nhau cứ ồ à suốt vì không ngờ bước đi của thời gian lại nhanh như thế.
Riêng em, người con gái đầu tiên mà tôi thức thâu đêm để viết thư không hiểu giờ đang ở đâu…
Ngày 20-11 nhớ về những ngày thơ...".
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Trong mỗi chúng ta ai cũng đã từng có một thời thơ ngây vụng dại như thế. Nhân ngày 20-11, bạn muốn nhắn gởi, tâm sự điều gì đến thầy cô và bạn bè cũ của mình? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận