11/11/2020 14:30 GMT+7

Ngành thời trang cưới ở Ấn Độ 'thay áo' thời đại dịch COVID-19

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều cô dâu ở Ấn Độ không còn chi bạo tay cho váy cưới như trước. Điều này buộc giới thiết kế thời trang phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Ngành thời trang cưới ở Ấn Độ thay áo thời đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nữ doanh nhân Sanjana Rishi với y phục đơn giản trong ngày cưới. Ảnh: insider.com

Lâu nay, các đám cưới ở Ấn Độ luôn nổi tiếng về mức độ xa hoa, đình đám. Theo hãng nghiên cứu thị trường KPMG, ngành dịch vụ đám cưới khổng lồ ở Ấn Độ ước tính thu được 40 – 50 tỉ USD mỗi năm. Hôn lễ có thể kéo dài cả tuần. Khách mời thậm chí lên đến hàng ngàn người. Trang phục và trang sức của cô dâu đặc biệt đắt đỏ.

Tuy nhiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã thay đổi tất cả. Dưới sức ép về kinh tế và yếu tố kiểm soát dịch bệnh, đám cưới truyền thống ở quốc gia Nam Á này buộc phải tinh giản lại.

Chủ tịch Hội đồng Thiết kế Thời trang Ấn Độ Sunil Sethi cho biết: 'Với hầu hết nhà thiết kế nổi tiếng, đa số doanh thu họ kiếm được từ các đám cưới. Có lẽ chiếm đến 70% hoặc hơn'.

Ngành thời trang tại Ấn Độ thực sự gặp khó khăn. Nhà thiết kế Sandeep Khosla chủ thương hiệu Abu Jani Sandeep Khosla nói: 'Không quốc gia nào khác trên thế giới bị phong tỏa suốt hai quý. Không sản xuất, không bán lẻ, không tổ chức sự kiện, đám cưới cũng không được tổ chức. Tất nhiên, vì thế, ngành may mặc Ấn Độ phải chịu tác động nặng nề'.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin, hồi đầu tháng 10, cổng thông tin trực tuyến về cưới hỏi đầu tiên của Ấn Độ là weddingsutra.com phối hợp cùng hãng cố vấn thị trường Magnanimous làm khảo sát cho thấy 75% cô dâu có điều kiện khá giả dự định kết hôn vào thời điểm phong tỏa đã lùi đám cưới sau tháng 11. Trước dịch, tiệc cưới kéo dài 5 ngày và mời 500 người là chuyện bình thường, nhưng giờ đây, nhiều bang chỉ cho phép từ 50 – 100 người dự.

Điển hình, tháng 9 vừa qua, nữ doanh nhân Sanjana Rishi đã gây xôn xao mạng xã hội trong và ngoài nước về phong cách trang phục cưới mới lạ. Cô chọn mặc bộ vest màu xanh da trời, áo trong mượn của bạn còn khăn voan là sản phẩm thiết kế riêng. Hôn lễ diễn ra tại nhà bố mẹ cô, chỉ 11 khách tham dự.

Parthip Thyagarajan - người sáng lập trang weddingsutra.com - cho biết nhờ làn sóng tiêu dùng có ý thức, cộng đồng thiết kế đang chuyển hướng tạo ra những bộ trang phục có giá hợp lý hơn, đặc biệt là có thể mặc vào nhiều dịp, không chỉ riêng lễ cưới. Các cô dâu cũng trở thành người tiêu dùng thông thái khi đi sâu hơn vào chi tiết. Họ muốn mình đẹp song cũng phải tạo được dấu ấn riêng trong ngày lễ quan trọng nhất của đời người.

Theo trang Quart, cô Anukriti Singh, 31 tuổi, làm cố vấn tài chính ở Mumbai vừa phải lùi đám cưới từ tháng 4 sang cuối tháng 11, đồng thời rút gọn danh sách khách mời. Cô tâm sự: 'Tôi luôn muốn đám cưới nhỏ, nhưng hôn phu và bố mẹ tôi không đồng ý. Ý tưởng mời 100 khách không bao giờ được tán thành. Chỉ sau khi họ hiểu rằng do tình hình dịch bệnh và tuân thủ lệnh cấm, họ mới chấp nhận'. Trước tình hình kinh tế bất ổn, Singh cho biết việc tiết kiệm được 20.000 USD chi phí hôn lễ là điều sáng suốt.

Không chỉ riêng Singh cảm thấy hài lòng, các gia đình trung lưu ở Ấn Độ cũng đồng suy nghĩ. Để giữ thể diện, nhiều người thậm chí phải vay mượn để làm đám cưới hoành tráng cho con cái. Danh sách khách mời ít hơn chính là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp cưới hỏi cần tự điều chỉnh lại cho những đám cưới quy mô nhỏ hơn.

Dù vậy, cộng đồng thời trang Ấn Độ vẫn chưa tắt hy vọng về thời kỳ 'đám cưới xa hoa' như trước đây. Nhà thiết kế Khosla cho rằng tục lệ tổ chức cưới hỏi linh đình đã trở thành truyền thống xã hội của người dân Ấn Độ. Do vậy, ông tin điều này không thay đổi mà sẽ trở lại mạnh mẽ hơn.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên