
Một tiết học thể dục của thầy trò Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - nhấn mạnh: "Việc xây dựng phòng học và đầu tư cơ sở vật chất là trách nhiệm liên tục, thường xuyên của ngành giáo dục TP.HCM. Không có ngành học nào tách rời mục tiêu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".
Rèn luyện kỹ năng, thể lực, năng khiếu
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng nói thêm không chỉ tập trung vào chuyên môn với việc dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, ngành giáo dục TP.HCM sẽ đẩy mạnh các hoạt động giúp học sinh rèn kỹ năng, thể lực, phát huy năng khiếu... tạo môi trường học đường thân thiện, an toàn.
Trong đó, khuyến khích mỗi học sinh phải biết chơi ít nhất một môn thể thao, một loại nhạc cụ. Việc phổ cập bơi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện trên toàn thành phố. "Tôi cũng đã giao nhiệm vụ cho Phòng học sinh - sinh viên tiếp tục thực hiện mô hình Trường học hạnh phúc. Riêng với những trường THCS, nếu có điều kiện thì tổ chức dạy nấu ăn cho học sinh để rèn kỹ năng tự phục vụ cho các em", ông Hiếu cho hay.
Người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM chia sẻ: "Ngay trong ngày 3-7, tôi đã yêu cầu mỗi chuyên viên của sở cần xây dựng kế hoạch cá nhân theo lĩnh vực phụ trách để lãnh đạo phòng, ban duyệt trước. Đến cuối tháng 7, ban giám đốc sở sẽ duyệt kế hoạch hoạt động của từng phòng, ban.
Để nâng cao chất lượng giáo dục thì không chỉ là đầu tư vào cơ sở vật chất mà còn phải bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên. Nhất là những giáo viên dạy các môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý... Việc dạy học phải dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình để không gây áp lực cho học sinh".
Trường học hạnh phúc
Trước đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố kết quả khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn TP.HCM năm 2025 (thời kỳ trước sáp nhập). Theo đó, việc khảo sát trực tuyến với 485.531 học sinh, phụ huynh (từ mầm non đến THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề) cho ra kết quả như sau: điểm trung bình hài lòng chung là 4,59/5 và tỉ lệ hài lòng đạt 98,09%.
Đặc biệt, tỉ lệ hài lòng chung của học sinh và phụ huynh với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn TP.HCM từ năm 2022 - 2025 có xu hướng tăng dần. Năm 2022, tỉ lệ hài lòng là 87%. Đến năm 2023, tỉ lệ này tăng lên 90%. Năm 2024 là 96,19%. Đến năm 2025, tỉ lệ đạt đỉnh điểm là 98%.
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá tỉ lệ phụ huynh, học sinh hài lòng cao ở năm 2025 khẳng định sự đúng đắn trong việc triển khai các tiêu chí của mô hình "Trường học hạnh phúc"; việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra - đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh - đúng với chủ trương của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; học sinh có nhiều cơ hội phát huy năng khiếu, phát triển toàn diện...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin: "Sau sáp nhập, TP.HCM vẫn kiên trì với định hướng như trên. Ngoài ra, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì việc thực hiện mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân; rà soát và thực hiện đề án xây dựng 4.500 phòng học mới".
TP.HCM có 2,6 triệu học sinh
Được biết, ngành giáo dục TP.HCM sau sáp nhập có 2,6 triệu học sinh và gần 5.000 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT công lập và ngoài công lập.
Ngày 3-7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã trao quyết định bổ nhiệm các trưởng, phó phòng, ban của sở.
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, trưởng phòng giáo dục phổ thông Sở GD-ĐT TP.HCM (cũ), sẽ làm trưởng phòng giáo dục phổ thông; bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM (cũ), sẽ làm trưởng phòng giáo dục mầm non; ông Võ Đông Duy, trưởng phòng giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp của Sở GD-ĐT Bình Dương cũ, làm trưởng phòng giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp và đại học...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận