20/03/2017 11:30 GMT+7

​Ngành điều: Khuyến khích chế biến sâu, xuất khẩu bền vững

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Để giữ vững ngôi vị hàng đầu thế giới trong chế biến và xuất khẩu mặt hàng điều, Hiệp hội điều Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sâu, sản xuất sạch hơn, phát triển thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thời gian này đang là mùa vụ chính của điều Việt Nam. Qua khảo sát của các chuyên gia và Hiệp hội điều Việt Nam gần đây tại các vùng trồng điều chính tại nước ta cho thấy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch hại, một số khu vực của tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận sản lượng điều giảm tới 80% so với năm trước. Tuy nhiên, các vùng trồng điều chính như Bình Phước, Đồng Nai hay Bà Rịa-Vũng Tàu… năng suất điều hầu như không giảm, vì thế, về tổng thể, sản lượng điều thô năm nay không bị giảm nhiều so với năm ngoái.

Hiện nay, doanh nghiệp điều đang tích cực thu mua điều thô nội địa cho bà con nông dân với mức giá thu mua tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Bình Phước, "thủ phủ" về điều, giá điều tươi được thu mua lên tới 46.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam, mỗi năm thế giới sản xuất 3 triệu tấn điều thô và dự báo năm nay vẫn ở mức đó. Năm 2016, Việt Nam chế biến 1,5 triệu tấn điều thô, tương đương 50% sản lượng toàn cầu và xuất khẩu 348.000 tấn điều nhân các loại, thu về 2,84 tỷ USD.

Trong 2 tháng đầu năm 2017, hạt điều xuất khẩu đạt giá trị 255 triệu USD, giảm 3,3% so với cùng kỳ 2016 (giảm 19,7% về lượng).

Lý giải về sự sụt giảm này, theo Hiệp hội điều Việt Nam, giá trị xuất khẩu giảm không phải do thị trường, mà do các doanh nghiệp có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, nên hoạt động xuất khẩu cũng gián đoạn trong khoảng thời gian này. Dự báo trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng điều xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Để giữ vững ngôi vị hàng đầu thế giới trong chế biến cũng như xuất khẩu mặt hàng điều, trong năm 2017, Hiệp hội điều Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sâu, sản xuất sạch hơn, phát triển thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hiệp hội điều Việt Nam đã ký hợp tác với một số hiệp hội các nước trồng điều lớn tại châu Phi, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi có các tranh chấp phát sinh, cũng như giúp giảm tình trạng các doanh nghiệp giao hàng không đúng hẹn, hoặc chất lượng không bảo đảm cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp hội điều Việt Nam cũng khuyến cáo doanh nghiệp hội viên không ứng tiền trước cho đối tác, mà thực hiện các giao dịch thông qua mở thư tín dụng (L/C) thông qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững ngành điều, bên cạnh việc đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, thì việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước là rất cần thiết.

Ngành điều đang được Bộ NN&PTNT và các địa phương có thế mạnh về điều quan tâm, phát triển. Theo đó, diện tích điều của cả nước dự kiến trong thời gian tới sẽ vào khoảng trên 350.000 ha với năng suất dự kiến sẽ đạt hơn 2 tấn/ha. Với việc này, trong tương lai, nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng được khoảng hơn 700.000-800.000 tấn/năm.

Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu trên, thì việc tạo ra giống điều cho năng suất cao, chất lượng tốt cần được thực hiện ngay. Các doanh nghiệp và hiệp hội điều cần tăng cường phối hợp với các trung tâm giống cây trồng của Bộ NN&PTNT để thử nghiệm, tìm ra được giống điều tốt, chịu đựng tốt trước những diễn biến bất lợi từ thời tiết.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên