15/04/2019 11:05 GMT+7

Ngành điều gặp khó vì con mọt

A LỘC - H.MI - T.MẠNH - C.TUỆ
A LỘC - H.MI - T.MẠNH - C.TUỆ

TTO - Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật cho rằng việc kiểm tra tất cả các lô hàng điều thô nhập từ châu Phi tại cảng gây khó cho doanh nghiệp.

Ngành điều gặp khó vì con mọt - Ảnh 1.

Chế biến hạt điều tại một doanh nghiệp ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai - Ảnh: BÌNH AN

Đây là công văn thứ ba về nội dung này của Vinacas kể từ đầu năm khi Cục Cục Bảo vệ thực vật siết quản lý vì cho hay có những lô hàng bị nhiễm loại mọt đốt cứng (Trogoderma SP) nguy hại.

Vinacas đề nghị cục công khai những lô bị nhiễm nhưng cục trưởng từ chối.

Cục Cục Bảo vệ thực vật không có nghĩa vụ phải cung cấp cho Vinacas danh sách các lô hàng và chứng thư kiểm dịch của các doanh nghiệp nhập khẩu đã phát hiện mọt đốt cứng. Tôi là cục trưởng, tôi thông báo và thông tin còn có trách nhiệm với các nước.

Ông HOÀNG TRUNG (cục trưởng Cục Cục Bảo vệ thực vật)

Doanh nghiệp phát sinh chi phí

Ông Trịnh Xuân Toàn - giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang - cho biết trước đây việc kiểm dịch các lô điều thô nhập khẩu từ châu Phi rất linh động.

Hàng từ cảng về kho của doanh nghiệp, bên kiểm dịch (Chi cục kiểm dịch thực vật Vùng 2) về kho kiểm hóa. Nếu không, bên Vinacontrol (đơn vị giám định) sẽ lấy mẫu gửi cho bên kiểm dịch, kiểm dịch khỏi cần về.

Nhưng từ đầu năm đến nay, Cục Cục Bảo vệ thực vật thay đổi cách kiểm tra toàn bộ các lô hàng ngay tại cảng, nếu đạt tiêu chuẩn mới được vận chuyển về kho.

"Chi phí lưu kho lưu bãi rất lớn" - ông Toàn cho hay.

Cụ thể, trước đây chỉ cần 2-3 ngày có thể kéo hàng từ cảng về được kho doanh nghiệp thì nay phải tốn từ 7-10 ngày.

"Có lô hàng của mình bị phạt hơn 890 triệu đồng, đó là chưa tính VAT" - ông Toàn cho biết.

Vinacas cho rằng lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi tại cảng là gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp và cả ngành điều nói chung. Vinacas cũng đề nghị Cục Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục cho doanh nghiệp được kiểm tra, lấy mẫu tại kho của doanh nghiệp theo hình thức kiểm tra nhanh.

"Hiện đang có hàng trăm container điều thô nhập khẩu từ châu Phi bị ùn ứ tại cảng gây nhiều khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp vì quy định này" - ông Đặng Hoàng Giang, phó chủ tịch, tổng thư ký Vinacas, cho biết.

Cũng theo Vinacas, hiện đang vào cao điểm mua và nhập khẩu điều thô chế biến cho năm 2019, nếu quy định trên không sớm được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của toàn ngành điều.

Phải kiểm soát chặt vì đối tượng nguy hại

Theo Cục Cục Bảo vệ thực vật, từ năm 2013 đến nay, cơ quan kiểm dịch thực vật nhiều lần phát hiện các lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật Việt Nam là mọt đốt cứng (Trogoderma SP).

Đây là loại mọt nguy hiểm số 1, nhiều nước đưa loại mọt này vào danh sách kiểm dịch và kiểm soát rất chặt chẽ.

Vì vậy, thay vì cho phép doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều đến khai tại cảng, kiểm tra sơ bộ rồi đưa hàng về kho rồi mới kiểm tra như trước, cơ quan kiểm dịch thực vật chuyển sang kiểm tra ngay tại cảng theo đúng quy định.

Tuy nhiên, trong công văn gửi Cục Cục Bảo vệ thực vật ngày 9-4, Vinacas đề nghị Cục Cục Bảo vệ thực vật cung cấp danh sách các lô hàng và chứng thư kiểm dịch của các doanh nghiệp nhập khẩu đã phát hiện mọt đốt cứng theo thông tin "từ năm 2013 đến nay, cơ quan kiểm dịch thực vật nhiều lần phát hiện các lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật Việt Nam là mọt đốt cứng".

Lý do, theo chứng thư kiểm định của các công ty kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu (Vinacontrol, Cafecontrol, SGS...), hiện nay hầu hết các lô hàng điều thô nhập khẩu về Việt Nam đều được hun trùng rất kỹ bởi người bán nước ngoài và có đầy đủ chứng thư kiểm dịch thực vật, chứng thư kiểm tra chất lượng và hun trùng của cơ quan giám định chất lượng độc lập.

Thực tế là trong thời gian vừa qua, hạt điều thô thuộc nhóm ít nguy cơ nhất về an toàn kiểm dịch thực vật.

Không có trách nhiệm cung cấp danh sách

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết đơn vị chưa nhận được công văn kiến nghị lần thứ 3 của Vinacas. Trước những kiến nghị của Vinacas, ông Trung khẳng định: "Về quy trình kiểm dịch thực vật tại cảng theo quy định không có gì mới, nếu Cục Cục Bảo vệ thực vật đưa kiểm dịch thực vật tại kho mới là quy định mới".

Ông Hoàng Trung tiếp tục khẳng định từ năm 2013 đến nay, cơ quan kiểm dịch thực vật nhiều lần phát hiện các lô hàng điều thô nhập khẩu từ châu Phi bị nhiễm đối tượng kiểm dịch tại Việt Nam là mọt đốt cứng.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng Cục Cục Bảo vệ thực vật không có nghĩa vụ phải cung cấp cho Vinacas danh sách các lô hàng và chứng thư kiểm dịch của các doanh nghiệp nhập khẩu đã phát hiện mọt đốt cứng.

Ông Trung khẳng định cơ quan kiểm dịch vùng vẫn tiếp tục phát hiện mọt nguy hiểm này nên không thể cho doanh nghiệp đưa hàng về kho. Chi phí để xử lý, thanh toán loại mọt này rất lớn.

Về hướng giải quyết kiến nghị của Vinacas, ông Trung cho biết Cục Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo Chi cục kiểm dịch thực vật Vùng 2, trong tháng 4 sau khi kiểm tra đầy đủ các lô hàng, nếu không có lô nào nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật nữa thì xem xét cho các lô hàng điều về kho, còn nếu phát hiện thì phải dừng lại tiếp tục áp dụng kiểm dịch theo đúng quy định, thậm chí hướng tới dừng nhập khẩu luôn tại quốc gia có đối tượng kiểm dịch thực vật.

Mọt đốt cứng rất nguy hại

Mọt đốt cứng là loài mọt cực kỳ nguy hiểm thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và chưa có trên lãnh thổ nước ta.

Chúng gây hại trên nhiều loại nông sản như ngũ cốc (gạo, lúa mì, yến mạch, lúa mạch...), sản phẩm ngũ cốc (bột ngô, bột mì, khô đậu tượng...), hạt có dầu, thảo dược, gia vị, vải, len dạ, giấy, rau, cao su...

Cả mọt trưởng thành và sâu non đều tấn công gây hại nông sản.

Khi xâm nhiễm và phá hoại, chúng có thể làm suy giảm nghiêm trọng về trọng lượng hàng hóa, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng nảy mầm của hạt.

Khi bị gây hại, trọng lượng mất mát có thể từ 30-50%, trường hợp gây hại nặng có thể lên tới 70%.

Năm 2016, Bộ NN&PTNT đã tạm ngưng nhập bông từ Ghana do nhiễm loài mọt này.

Nâng cao sức cạnh tranh của hạt điều Nâng cao sức cạnh tranh của hạt điều

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm 2008 sản lượng xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 167.000 tấn với kim ngạch đạt 950 triệu USD, vươn lên số 1 thế giới về xuất khẩu nhân hạt điều.

A LỘC - H.MI - T.MẠNH - C.TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên