“Trong các vụ án hình sự, tôi chưa thấy trường hợp nào người làm chứng được thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật |
Luật sư Trương Xuân Tám |
Anh T. là bác sĩ của một bệnh viện lớn tại TP.HCM, có “máu” nghĩa hiệp nhưng hơi... khác người. Gặp ai nhét ví, điện thoại lòi ra ngoài là anh bám theo rút ra khỏi túi của họ rồi nghiêm mặt “bộ muốn bị cướp hả, lần sau cẩn thận nghe”, làm người được giúp một phen hết hồn.
Tình ngay lý gian
Kiểu giúp người không giống ai của anh T. đã gây ra họa. Giữa tháng 6-2016, trên đường đi làm, anh thấy một cô gái dừng đèn đỏ nghe điện thoại. Anh lách xe lên rồi thò tay giật chiếc iPhone 6.
Không ngờ cô gái vừa tri hô cướp, vừa chụp cổ áo anh giữ lại. Anh bị người đi đường xông vào đánh, dẫn lên công an phường.
Sau khi lập hồ sơ, công an phường chuyển anh cùng tang vật lên công an quận. Tại trụ sở công an, anh T. thanh minh việc làm của mình xuất phát từ mong muốn cảnh giác mọi người. Nhưng tình ngay lý gian.
Sau hai ngày bị tạm giữ để xác minh nơi làm việc, bạn bè, người thân, người làm chứng... anh mới được “minh oan” và cam kết không tái phạm kiểu giúp người đó nữa.
Không riêng gì anh T., nhiều người làm việc tốt nhưng không ngờ bị liên lụy. Không hiếm trường hợp ở sân bay, bến xe, khi người lạ nhờ xách giùm hành lý do quá số cân quy định, người được nhờ vô tư nhận lời mà không biết rằng bên trong chứa hàng cấm, ma túy...
Anh T.M.P. (ngụ Q.Bình Thạnh) từng khổ sở vì giúp người trong lúc hoạn nạn. Một lần đi làm về khuya, anh P. thấy một cô gái bị té xe nên đã gọi taxi đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Lát sau người thân cô gái có mặt, thấy anh P. đứng xớ rớ, áo dính đầy máu nên lầm tưởng anh là người gây ra tai nạn nên lao vào đánh. Anh phải giải thích một lúc lâu và có sự làm chứng của tài xế taxi, anh mới được “tha”.
Mới đây, anh T.V.H. (ngụ Q.Tân Bình) đang đi trên đường thì chứng kiến một vụ cướp giật. Anh cùng hai người khác đuổi theo bắt được đối tượng giao cho công an. Anh trở thành người làm chứng trong vụ án và liên tục “được” mời lên cơ quan điều tra làm việc khiến anh rất bức xúc.
Làm việc tốt cũng phải... đúng luật
Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn - Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, anh T. trong trường hợp trên đã tạo ra tình huống giống thật nhằm nhắc nhở người khác cảnh giác.
“Trường hợp này chỉ khác ở tội trộm cắp và cướp giật ở chỗ người thực hiện không có ý thức chiếm đoạt tài sản.
Khó trách cơ quan điều tra khi tạm giữ anh T. để điều tra nhân thân. Hành động của anh chỉ nên xem là trò đùa với những người thân, còn đối với người lạ nên dừng lại ở việc nhắc nhở” - thạc sĩ Sơn nói.
Luật sư Trương Xuân Tám lại cho rằng hành vi của anh T. dù động cơ tốt nhưng dễ lẫn lộn với hành vi cướp giật. Với trường hợp xách giùm hành lý, khi xảy ra hậu quả rất khó chứng minh sự trong sáng, vô tội của mình.
Còn thạc sĩ Sơn cho rằng với những tình huống mang hộ hành lý cho người khác, chỉ nên thực hiện với người già, trẻ em, người khuyết tật và trong trường hợp thật sự cần thiết.
“Khi cầm giùm vật phạm pháp cũng có thể không phải là hành vi phạm tội vì về mặt chủ quan, người mang hộ không biết hành lý đó chứa vật phạm pháp.
Tuy nhiên, họ phải chứng minh được điều này. Cơ quan chức năng cần có thời gian điều tra, xác minh, người mang hộ mới có cơ hội thoát tội” - thạc sĩ Sơn nói.
Theo các luật sư, việc cứu người như trường hợp anh P. vừa là đạo lý vừa là nghĩa vụ theo quy định pháp luật.
Điều 102 Bộ luật hình sự quy định người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nếu có điều kiện mà không cứu giúp khiến người đó chết sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo thạc sĩ Sơn, khi giúp người, chúng ta cũng phải đề phòng tình huống bị người thân của nạn nhân ngờ oan: “Trước khi giúp nên rủ thêm một vài người, sau đó báo cho cơ quan chức năng gần nhất để tránh hiểu lầm”.
Phải bảo vệ người làm chứng
Theo luật sư Tám, điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự quy định người nào biết được tình tiết liên quan vụ án đều có thể được cơ quan điều tra triệu tập làm chứng. Người làm chứng phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền, nếu không có thể bị dẫn giải.
Người làm chứng phải khai trung thực những tình tiết mà mình biết về vụ án. Nếu từ chối, trốn tránh mà không có lý do chính đáng, họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 308 Bộ luật hình sự, trừ các trường hợp họ là người thân của người phạm tội.
Thạc sĩ Sơn lại cho rằng điều đáng ngại nhất của người làm chứng là mất thời gian làm việc nhiều lần với cơ quan điều tra.
Bên cạnh nguyên nhân có thể người làm chứng ngại ngần chưa khai đúng và đầy đủ các tình tiết vụ án, các cơ quan tố tụng cần khắc phục nguyên nhân do điều tra viên chưa có kế hoạch nghiên cứu vụ án kỹ lưỡng trước khi lấy lời khai nên làm mất thời gian của người làm chứng.
Do vậy, tâm lý chung của người làm chứng là miễn cưỡng, chỉ thấy nghĩa vụ chứ không cảm nhận được quyền của mình. Theo luật sư Tám, các cơ quan xây dựng, hướng dẫn thi hành luật tố tụng hình sự cần thể hiện sự thân thiện, đối xử tốt hơn với người làm chứng.
Trên thực tế, những vụ cứu giúp người bị nạn trên đường vắng, dễ bị nghi ngờ người cứu giúp là thủ phạm thì cơ quan điều tra cần thận trọng xem xét, tránh làm tổn thương lòng tốt của người cứu giúp lại bị nghi oan.
Nên ban hành Luật bảo vệ người làm chứng Theo thạc sĩ Sơn, hiện nay các nghĩa vụ và quyền của người làm chứng chỉ là điều luật ngắn gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự, pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và Luật công an nhân dân, ngoài ra chưa có hướng dẫn nào khác. Trong thực tiễn, ở nước ta đã có một số trường hợp người làm chứng bị đe dọa. Thạc sĩ Sơn đề xuất Nhà nước cần ban hành Luật bảo vệ người làm chứng, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ, quy trình bảo vệ người làm chứng, phân loại cấp độ nguy hiểm đe dọa đến người làm chứng để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ người làm chứng, xác định nguồn ngân sách cho người làm chứng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận