Giá lương thực tiếp tục tăng kỷ lục
AFP dẫn số liệu mới nhất của chỉ số Giám sát giá lương thực của WB cho thấy giá thực phẩm đã tăng thêm 15% từ tháng 10-2010 đến tháng 1-2011. Giá ngày càng tăng cao và chỉ còn kém 3% nữa là chạm mốc của năm 2008 - giai đoạn bạo loạn bùng phát trên thế giới vì giá lương thực tăng cao. WB nhận đình giá lương thực tăng cao đã đẩy 44 triệu người vào đói nghèo ở những quốc gia đang phát triển kể từ tháng 6 năm nay.
Phóng to |
Người dân tại Sri Lanka biểu tình chống tăng giá thực phẩm và lạm phát - Ảnh: Reuters |
Lúa mì là một trong những nông sản có giá tăng cao nhất, gấp đôi trong giai đoạn từ tháng 6 năm ngoái đến tháng 1 năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do Nga hạn chế xuất khẩu, vụ mùa ở Australia bị tàn phá do lũ lụt và phần lớn vụ mùa đông xuân sắp tới tại Trung Quốc có nguy cơ tương tự do hạn hán kéo dài.
Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra một tín hiệu vui: các đợt thu hoạch lúa rất tốt, và giá của loại ngũ cốc này tăng chậm hơn so với các loại khác. Ở châu Phi, người dân đã biết thay thế những sản phẩm nhập khẩu bằng các sản phẩm địa phương như lúa miến và sắn.
Giá lương thực tăng dẫn đến bất ổn chính trị?
Một vấn đề khác từ giá lương thực tăng cao mà báo Christian Science Monitor đặt ra: liệu có một cuộc nổi dậy tương tự Ai Cập sẽ xảy ra ở châu Phi do giá lương thực tăng? Theo báo này, mặc dù không phải nguyên nhân hàng đầu, nhưng giá lúa mì tăng quá cao trong khi nguồn cung trong nước lại không đủ cũng là yếu tố khiến bất ổn tại khu vực Bắc Phi trở nên trầm trọng.
Trong vòng 12 tháng tới, 30 quốc gia châu Phi sẽ tổ chức bầu cử, trong đó có những quốc gia khan hiếm lương thực như Chad và Madagascar cùng với những quốc gia đang bất ổn như Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo. "Không khó nhận thấy yếu tố nguồn cung lương thực ảnh hưởng trực tiếp đến các cuộc nổi dậy như thế nào", Lester Brown - nhà sáng lập Viện Chính sách Trái đất, cố vấn cao cấp tại Washington, nói trên báo Guardian.
"Vấn đề không còn chỉ là sự chống đối của các đảng đối lập, cũng như không còn thuộc về riêng chính trị. Đó là về nạn đói, về nghèo khổ, về sản xuất thực phẩm, về sự thay đổi của kinh tế thế giới... chính là những phần rất lớn dẫn đến sự bất ổn", nhà kinh tế học Jefferey Sachs nói với Reuters.
WB lo ngại tình hình chính trị bất ổn tại khu vực Trung Đông cũng có thể khiến những quốc gia như Ai Cập tăng sản lượng ngũ cốc dự trữ và đẩy giá lúa mì cùng giá nhiều ngũ cốc khác lên cao. Còn tại những quốc gia chủ yếu dựa vào nhập khẩu thực phẩm như Albania hay Tajikistan thì việc này có thể đe dọa ngân sách khi họ không thể chi trả cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận