21/03/2014 14:47 GMT+7

Ngân hàng năng lượng: tiết kiệm điện được trả tiền, sao không?

TRUNG UYÊN thực hiện
TRUNG UYÊN thực hiện

TTO - Có bao giờ bạn mơ rằng hằng tháng thay vì nộp tiền điện lại được "trả tiền" vì dùng dưới định mức? Và càng nhiều người dùng điện vượt định mức, bạn càng tiết kiệm điện thì càng "thu" được nhiều tiền hơn?

Suy nghĩ có phần "lạ" ấy chính là cảm hứng cho ý tưởng Ngân hàng năng lượng (Energy bank) của hai nữ sinh viên năm 4 ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM: Đặng Huỳnh Mai Anh - sinh viên năm 4 ngành kinh doanh quốc tế, Nguyễn Thị Thùy Dương - sinh viên năm 4 ngành kinh tế đối ngoại.

Ý tưởng này vừa chiến thắng vòng loại cấp quốc gia cuộc thi Go green in the city 2014 (tạm dịch: Giải pháp xanh cho thành phố) do Tập đoàn Schneider Electric tổ chức vào cuối tháng 3-2014 và sẽ đại diện Việt Nam dự thi vòng bán kết khu vực Đông Á vào ngày 4-4-2014.

Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện với hai tác giả dự án.

oXkQ0lNl.jpg
Ông Xavier Denoly - tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia - trao giải nhất vòng loại cấp quốc gia cho hai tác giả ý tưởng Ngân hàng năng lượng đến từ ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM: Nguyễn Thị Thùy Dương (giữa) và Đặng Huỳnh Mai Anh - Ảnh: BTC

Được "trả tiền" thay vì nộp tiền điện

* Hiểu đơn giản thì Ngân hàng năng lượng sẽ hoạt động thế nào?

- Mai Anh: Hiện tại việc quản lý việc tiêu thụ điện đang được thực hiện theo phương pháp đặt ra định mức tiêu thụ. Điều này dẫn đến thực tế người tiêu dùng không tiết kiệm điện ở mức tối đa mà chỉ dùng sao cho vừa dưới định mức, tránh vượt qua.

Chúng tôi thấy cần có cách quản lý tiêu thụ điện hiệu quả hơn để nhấn mạnh lợi ích khi tiết kiệm, khuyến khích người dùng tiết kiệm tối đa bởi càng tiết kiệm thì họ càng được lợi.

Trong kinh tế - tài chính, ngân hàng được sử dụng như công cụ để điều phối nguồn tiền, mang tiền từ người thừa đến cho người thiếu. Lãi suất ngân hàng tính theo phần trăm tiền gửi, càng gửi tiết kiệm nhiều càng được nhiều lãi suất. Ý tưởng Ngân hàng năng lượng vì thếmuốn học hỏi cách ngân hàng quản lý nguồn tiền vào việc quản lý nguồn điện tiêu thụ.

Ý tưởng này phù hợp để áp dụng trong phạm vi quản lý nội bộ tiêu thụ điện như: chung cư, khu dân cư, khu căn hộ, ký túc xá, tòa nhà văn phòng… Cụ thể, vào cuối tháng, những người tiết kiệm điện sẽ được trả thêm tiền hoặc điện từ những người dùng điện vượt định mức. Càng nhiều người dùng điện vượt định mức thì người tiết kiệm điện càng được trả nhiều tiền.

Ngân hàng năng lượng sẽ giúp quản lý nguồn điện hiệu quả hơn, đảm bảo tiêu thụ không vượt nguồn cung, khiến việc sản xuất năng lượng sạch trong nội bộ trở nên khả thi, hạn chế việc cúp điện do không đủ cung cấp.

LoLl8Wn1.jpg
Quy trình hoạt động Ngân hàng năng lượng - Đồ họa: Đặng Huỳnh Mai Anh
uiv4FG9w.jpg
Hệ thống Ngân hàng năng lượng - Đồ họa: Đặng Huỳnh Mai Anh

* Điều gì là nguồn cảm hứng cho nhóm xây dựng ý tưởng này?

- Mai Anh: Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong công tác tuyên truyền người dân tiết kiệm điện là việc tuyên truyền chưa chỉ ra thật cụ thể và thuyết phục cái lợi trước mắt.

Chúng tôi đã luôn thắc mắc: “Thật không thỏa đáng khi người dùng vượt quá định mức thì phải trả thêm tiền phạt, trong khi người tiết kiệm thì không được trả thêm gì”. Chúng tôi cũng tự hỏi: “Có điều gì trong kinh tế chúng tôi có thể dùng để giải quyết vấn đề về điện không?”. Những thắc mắc ấy là tiền đề cho ý tưởng Ngân hàng năng lượng.

* Mức độ khả thi của ý tưởng này thế nào?

- Mai Anh: Về mặt kỹ thuật, ý tưởng sẽ không gặp nhiều trở ngại vì phần lớn đều dựa trên những công nghệ đã có. Về mặt quản lý, trước mắt ý tưởng Ngân hàng năng lượng khá khả thi và hợp lý trong cách thức hoạt động, nhưng chúng tôi muốn suy nghĩ và tính toán chi tiết hơn về các hạn mức đặt ra để đảm bảo sự hoạt động của Ngân hàng năng lượng.

Ý tưởng Ngân hàng năng lượng chỉ có thể phát huy trên một cộng đồng, có nhiều người cùng áp dụng, vì nguyên tắc hoạt động dựa trên sự chênh lệch giữa những người sử dụng vượt quá định mức và những người tiết kiệm.

Ý tưởng này mang tính vĩ mô và cần sự kết hợp của nhiều bên như: nơi cung cấp giải pháp cùng công nghệ để thực hiện giải pháp, một cộng đồng đồng ý áp dụng, sự hỗ trợ của Nhà nước… Còn một quãng đường dài từ ý tưởng đến thực tế nhưng chúng tôi luôn hi vọng đây sẽ là một ý tưởng được quan tâm và khi càng nhiều người quan tâm thì ý tưởng càng tiến gần đến thực tế.

- Thùy Dương: Nhóm rất mong ý tưởng được thực hiện trong tương lai, góp phần giải quyết những khó khăn về nguồn năng lượng. Nếu điều này trở thành hiện thực, chúng tôi hi vọng cộng đồng sẽ nhận thấy sự hữu ích, tiện lợi của ý tưởng và tích cực tham gia.

Chúng tôi muốn giấc mơ lan tỏa và thành hiện thực

* Phần lớn thí sinh tham dự cuộc thi đang theo học ngành kỹ thuật, hai bạn đang theo học ngành kinh tế thì có những ưu thế và bất lợi nào?

- Mai Anh: Ưu thế của nhóm là cách tư duy luôn hướng về khách hàng, giải quyết vấn đề một cách “thực dụng” hơn khi đánh vào lợi ích tài chính để thuyết phục mọi người tiết kiệm điện. Điểm bất lợi của nhóm là hiểu biết về mặt kỹ thuật còn hạn chế trong khi cần những giải pháp kỹ thuật để hiện thực hóa ý tưởng mới về quản lý.

Song vấn đề về điện không chỉ được giải quyết bằng sáng tạo trong công nghệ mà còn được giải quyết bằng cách thức mới trong quản lý. Vì vậy chúng tôi luôn tâm niệm rằng “mình có gì thì xài đó” và áp dụng chính những hiểu biết trong kinh tế để giải quyết vấn đề năng lượng.

Ý tưởng Ngân hàng năng lượng không có gì mới về mặt công nghệ mà mới về cách thức quản lý và áp dụng công nghệ như thế nào.

- Thùy Dương: Khi nắm rõ điểm mạnh của mình là tư duy về mặt quản lý và kinh tế, nhóm đã cố gắng phát huy điểm mạnh này vì chúng tôi tin rằng vấn đề năng lượng được giải quyết không chỉ bằng công nghệ tiên tiến mà còn bằng cách quản lý hiệu quả của con người.

* Mục tiêu của đội trong vòng bán kết khu vực Đông Á là gì?

- Mai Anh: Chúng tôi muốn mang lại sự bất ngờ và thú vị cho những ai sẽ nghe bài thuyết trình về Ngân hàng năng lượng. Chúng tôi sẽ cố gắng để mọi người nhớ ý tưởng này và khi rời cuộc thi, họ sẽ tiếp tục suy nghĩ về nó. Chúng tôi là người gợi ra, nhưng sẽ cần rất nhiều những người khác cùng góp ý, cùng suy nghĩ để hướng đến giấc mơ “hiện thực hóa”.

Ngoài ra, vòng bán kết cũng là cơ hội cho chúng tôi học hỏi những ý tưởng của bạn bè các nước.

* Cảm ơn hai bạn và chúc hai bạn thành công trong những vòng thi tiếp theo!

Giải nhất toàn cầu: chuyến du lịch vòng quanh thế giới

Cuộc thi Go green in the city 2014 thu hút hơn 700 đội từ 143 nước tham gia với nhiều ý tưởng kinh doanh tập trung vào các giải pháp năng lượng đổi mới. Mỗi đội gồm hai thành viên, trong đó có ít nhất một nữ.

Tại Việt Nam, trong lần thứ ba tổ chức, cuộc thi thu hút 51 ý tưởng từ sinh viên các trường đại học, cao đẳng cả nước. Giải nhất gồm 20 triệu đồng và cơ hội thực tập tại Schneider Electric Việt Nam hoặc Campuchia.

Vòng bán kết khu vực Đông Á với 10 đội sẽ diễn ra vào ngày 4-4 tại TP.HCM, chọn ra một đội tham dự vòng chung kết toàn cầu tại thủ đô Paris, Pháp từ ngày 17-6 đến 21-6 cùng 11 đội khác.

Giải nhất toàn cầu là chuyến du lịch vòng quanh thế giới đến thăm các nhà máy, văn phòng của Tập đoàn Schneider Electric và nhận lời mời làm việc cho tập đoàn sau khi tốt nghiệp.

TRUNG UYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên