25/02/2022 07:53 GMT+7

Ngân hàng có đua tăng phí SMS banking?

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Dù thừa nhận đang phải bù lỗ với dịch vụ SMS banking nhưng nhiều ngân hàng cổ phần cho biết chưa có kế hoạch tăng phí dịch vụ này, vì lo nhiều khách hàng có thể sẽ đóng tài khoản để chuyển sang các ngân hàng khác có mức phí mềm hơn.

Ngân hàng có đua tăng phí SMS banking? - Ảnh 1.

Mức phí 77.000 đồng/tháng và 55.000 đồng/tháng dù ngân hàng nói chỉ thu hộ nhà mạng nhưng đã gây choáng váng cho khách hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo một số chuyên gia, các ngân hàng cần ngồi lại với nhà mạng để đàm phán mức phí phù hợp hoặc khuyến khích khách hàng chuyển sang nhận thông báo qua app, thay vì tăng phí dịch vụ SMS banking.

Sẽ chuyển sang ngân hàng có mức phí mềm hơn

Mở tài khoản tại một ngân hàng, mỗi tháng nhận được 40-50 tin nhắn, chị L.T.N. (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho biết chưa nghe NH thông báo sẽ tăng phí SMS banking. Tuy nhiên, nếu áp dụng cước phí 800 đồng/tin nhắn như một số nhà mạng, số tiền mà chị phải trả tăng gấp 3 lần so với mức 10.000 đồng hiện nay.

"Tôi hy vọng ngân hàng sẽ vẫn giữ nguyên mức thu phí này. NH không thể chỉ tính lợi ích của mình mà đẩy hết thiệt hại cho khách. Bởi với số dư mà các khách hàng duy trì trong tài khoản, ngân hàng hưởng lợi rất lớn. Ngân hàng có thể sử dụng số tiền này để kinh doanh nhưng chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn mức 0,02 - 0,04%/năm" - chị N. nói.

Trong khi đó, anh P.H.H. (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết vẫn sử dụng tin nhắn SMS banking dù phải trả phí, thay vì nhận thông báo qua app. Bởi nếu chuyển sang app, mỗi khi số dư có biến động mà đang đi ngoài đường, điện thoại không kết nối mạng sẽ không nhận tin nhắn báo như tin nhắn SMS. Do vậy, nếu lỡ có rủi ro xảy ra như bị "hack" thẻ sẽ không nắm bắt kịp thời.

Cũng theo anh H., trường hợp ngân hàng áp mức phí dịch vụ SMS banking quá cao, anh sẽ tìm NH nào có mức phí phù hợp vì có rất nhiều ngân hàng không tăng mức phí này. "Việc mở tài khoản qua điện tử rất thuận tiện nên cứ ngân hàng nào dịch vụ tốt và miễn phí hoặc thu phí phù hợp, khách hàng sẽ sử dụng", anh H. nói.

Chưa tăng phí vì lo mất khách hàng

Trao đổi với chúng tôi, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho rằng một số NH đã tăng phí tin nhắn SMS banking lên bằng đúng số phí mà các nhà mạng thu thực tế (700 - 800 đồng/tin nhắn) nhằm "ép" người dùng chuyển sang nhận tin nhắn thông báo số dư qua app để NH khỏi bù lỗ như thời gian qua. Tuy nhiên, cách tăng 5-7 lần khiến khách hàng... sốc nặng.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn phía Bắc cho biết chưa có kế hoạch tăng thu phí SMS banking. Bởi khi tăng mức thu phí với dịch vụ này, ngân hàng sẽ giảm được một phần chi phí nhưng rất có thể khách hàng sẽ đóng tài khoản để chuyển sang ngân hàng vẫn duy trì mức phí phổ biến 10.000 - 12.000 đồng/tháng.

Về mặt lâu dài, việc tăng mức thu phí khiến khách hàng không hài lòng, ngân hàng sẽ mất khách hàng và giảm thị phần.

Thực tế, các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt, nỗ lực để cung cấp các dịch vụ đảm bảo chất lượng tốt nhất, giá ưu đãi nhất cho người sử dụng. Số khách hàng có số dư biến động hầu hết là những khách hàng tiềm năng như kinh doanh online, hay người quản lý tài chính của gia đình.

"Những khách hàng này sử dụng nhiều dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng như gửi tiết kiệm online, thanh toán tiền điện thoại, điện, nước, học phí, mua sắm trực tuyến... Do vậy, chúng tôi chỉ khuyến khích nhận biến động số dư qua app hoặc qua tin nhắn SMS banking. Nếu nhận qua app thì miễn phí, còn qua tin nhắn SMS được áp mức giá như cũ là 10.000 đồng", vị này nói.

Khuyến khích nhận thông báo qua app

Một số ngân hàng cho rằng việc nhà mạng lấy lý do dịch vụ tin nhắn SMS của các ngân hàng thuộc loại hình tin nhắn định danh (brandname), đòi hỏi phải đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật và hệ thống mạng cao hơn nên phí dịch vụ cũng phải cao hơn so với tin nhắn thông thường... là chưa thỏa đáng.

Theo vị này, hạ tầng cung cấp dịch vụ tin nhắn định danh đã được các nhà mạng đầu tư nhiều năm trước, trong khi số lượng tin nhắn SMS banking liên tục tăng.

So với 10 năm trước, số lượng tin nhắn SMS banking đã tăng vài chục lần vì "nhất cử nhất động" đều có tin nhắn báo, từ mở tài khoản đến thay đổi mật khẩu, thông báo mã OTP, biến động số dư...

Chưa kể, số lượng người mở tài khoản, sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tăng lên rất nhiều. "Với số lượng tin nhắn khủng như trên, nhà mạng đã thu hồi vốn đầu tư từ lâu. Số tiền bỏ ra nâng cấp mỗi năm cũng không thấm vào đâu so với con số thu lại được từ dịch vụ SMS banking", lãnh đạo một ngân hàng nói.

Do đó, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho biết việc hướng khách hàng nhận tin nhắn thông báo số dư qua app là điều ngân hàng cần làm vì nhiều khách hàng đã quen với viêc sử dụng app, có thể nhận tin thông báo ngay khi có biến động số dư.

"Tuy nhiên, chúng tôi chỉ khuyến khích khách hàng nhận thông báo số dư qua app chứ chưa tăng phí nhắn tin SMS gấp 5-7 lần như một số NH lớn đã làm vì lo mất khách, dù ngân hàng đang phải bù lỗ kha khá cho tin nhắn SMS banking", vị này cho biết.

Ngân hàng nên ngồi lại với nhà mạng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, cho rằng lợi ích của việc sử dụng tin nhắn dịch vụ ngân hàng là không thể phủ nhận nhưng cần phải có phí tương xứng. Do đó, ngân hàng và nhà mạng nên cùng ngồi lại với nhau để đưa ra mức phí hợp lý, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của các bên.

Ngoài ra, theo ông Hùng, nhà mạng phải có trách nhiệm phối hợp với ngân hàng xử lý vấn đề tin nhắn giả mạo một cách triệt để. Đặc biệt, cần nâng cao mức độ bảo mật của dịch vụ, không thể để tình trạng các ngân hàng không phát tin nhắn gửi mà khách hàng vẫn nhận được tin nhắn với brandname của ngân hàng.

Lạ lùng cước tin nhắn SMS Lạ lùng cước tin nhắn SMS

TTO - Bức xúc giữa nhà mạng di động và các ngân hàng về cước phí tin nhắn SMS (Tuổi Trẻ ngày 22-2) gợi lên cho hàng chục triệu người thuê bao di động rằng sau nhiều năm chưa thấy làn gió cạnh tranh giảm giá cước tin nhắn SMS.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên