23/09/2018 10:09 GMT+7

Ngắm cá và san hô... “chui” ở Tiên Sa

VIỆT HÙNG - ĐĂNG NAM
VIỆT HÙNG - ĐĂNG NAM

TTO - Dù mới có giấy phép hoạt động môtô nước, nhưng khu du lịch vẫn tổ chức cho các du khách Trung Quốc lặn biển ngắm san hô ở Tiên Sa, Đà Nẵng, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia người nước này.

Ngắm cá và san hô... “chui” ở Tiên Sa - Ảnh 1.

Một góc vui chơi trên biển của khu du lịch biển Tiên Sa - Ảnh: Đ.NAM

Bên khai thác cho rằng họ biết "có thể bị xử phạt", còn đơn vị quản lý hứa sẽ kiểm tra lại trong khi cơ quan chức năng khẳng định chưa hề cấp giấy phép.

Khu an, nghỉ dưỡng thành khu vui chơi

Nằm sát cảng Tiên Sa, rất yên tĩnh, lại sở hữu một bãi cát vàng tuyệt đẹp, khu nghỉ mát Tien Sa Resort Danang những ngày này ồ ạt đón khách đoàn đến từ Trung Quốc.

Vốn thuộc quyền quản lý của Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, hiện tại khu du lịch này do Công ty cổ phần quản lý đầu tư Tiên Sa (Công ty Tiên Sa) khai thác. Công ty Tiên Sa đã đầu tư và nâng cấp nhiều hạng mục (phòng lưu trú, nhà hàng, bể bơi...), cùng các thiết bị vui chơi giải trí trên biển như hệ thống phao bè, môtô nước, canô... 

Đặc biệt, Công ty Tiên Sa đã nhập về hàng trăm bộ áo quần lặn biển cùng bình oxy, kính lặn... để khai thác một dịch vụ có tên là "lặn biển ngắm cá, san hô" cách bờ chừng 200m. Điều đáng nói, dịch vụ này chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Vào một ngày thượng tuần tháng 9, một đoàn khách du lịch Trung Quốc đặt chân đến khu du lịch này, và như thường lệ, các hướng dẫn viên giới thiệu các dịch vụ bằng tiếng Trung, trong đó kỹ nhất là "lặn biển ngắm cá, san hô" với mức giá 1,3 triệu đồng/khách. 

Một số du khách tách đoàn đi về khu vực dành cho lặn biển. 

Tại đây, các chuyên gia người Trung Quốc hướng dẫn mặc áo lặn, mang giày cũng như cách thức sử dụng bình dưỡng khí, sau đó cả nhóm lên canô ra khu vực lặn biển được quây phao. Sau chừng 30 phút hụp lặn ngắm cá dưới đáy biển, du khách được đón trở lại bờ.

Sau nhiều ngày quan sát, chúng tôi nhận thấy gần như toàn bộ khách đoàn vào khu du lịch biển Tiên Sa đều là người Trung Quốc với lịch trình đến lúc 9h30 để ăn uống, tắm biển, vui chơi, và rời đi lúc 15h30. Tất cả các hoạt động này đều do bên khai thác là Công ty Tiên Sa đảm nhận.

Ngắm cá và san hô... “chui” ở Tiên Sa - Ảnh 2.

Hai trong số nhiều du khách vừa tham gia lặn biển ngắm san hô tại Tiên Sa - Ảnh: Đ.NAM

Cấp trên bảo dừng mới dừng!

Điều đáng nói là dù mới được cơ quan chức năng cấp phép cho đưa vào khai thác dịch vụ môtô nước, nhưng trên thực tế, khu du lịch này lại tổ chức đưa du khách xuống lặn biển ngắm san hô, vốn là dịch vụ chưa được phép. 

Ông Dương Trần Thanh Tâm, giám đốc Công ty CP quản lý đầu tư Tiên Sa, ban đầu cho rằng các hoạt động trên "chưa chính thức khai thác" mà hiện mới chỉ "giới thiệu khách để họ trải nghiệm", nhưng rồi thừa nhận: "Giấy phép hiện đang làm, có thể trễ, và chúng tôi có thể bị xử phạt. Tôi vẫn biết điều đó. Khi nào cấp trên bảo dừng thì dừng".

Vậy còn nhóm người Trung Quốc hướng dẫn lặn biển tại khu du lịch? Ban đầu ông Tâm khẳng định tất cả "đều là người Việt, không có người nào là Trung Quốc", nhưng sau đó lại thừa nhận do khách vào khu du lịch nghỉ dưỡng này là người Trung Quốc, vì thế cần chuyên gia Trung Quốc huấn luyện do "môn lặn rất nguy hiểm", cần người giao tiếp cùng ngôn ngữ.

Ông Tâm cho biết có việc huấn luyện và dịch vụ lặn biển này dù chưa có giấy phép, mỗi ngày công ty "nhập khoảng 50 bao thức ăn để nhử cá về cho du khách lặn ngắm".

Theo ông Nguyễn Trọng Thao - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng, cơ quan này chưa cấp phép dịch vụ lặn biển ngắm san hô cho khu du lịch Tiên Sa. 

Còn ông Nguyễn Đỗ Tám, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, cũng cho biết chưa hề cấp phép cho một khu vực nào xây dựng san hô nhân tạo để tổ chức tour lặn dưới biển cả.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Lê Tiến Hưng - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, đơn vị quản lý - cho biết do khu này bị xuống cấp nên Bộ tư lệnh Biên phòng đồng ý cho liên kết với đơn vị bên ngoài để "khai thác phần năng lực dư dôi" và "hưởng phần trăm" theo doanh thu. 

"Mọi hoạt động bên trong khu an, nghỉ dưỡng này đều do chúng tôi chịu trách nhiệm. Hiện chúng tôi cũng đã làm thủ tục xin phép các dịch vụ du lịch biển như lặn ngắm san hô, dù bay, môtô nước..." - ông Hưng nói.

Ông Hưng cho biết đang cho "kiểm tra lại giấy phép", cũng như "kiểm tra thông tin" về chuyện khách du lịch Trung Quốc đến lặn biển khi chưa có phép, vì nếu có thì "dứt khoát không thể được". 

Riêng chuyện các chuyên gia người Trung Quốc thì "phải được các cơ quan chức năng của VN giám định năng lực cũng như cấp phép cho hoạt động nghề lặn", và "xin tiếp thu" các phản ảnh vì ngay cả cơ quan quản lý là biên phòng vẫn "chưa cho phép chuyện này". 

Thậm chí, mới đây Chi cục Thuế Sơn Trà đã xử phạt khu an, nghỉ dưỡng này vì lý do không xuất hóa đơn. "Mình nhờ họ đứng ra khai thác nên không quán xuyến được hết. Nhưng nếu phát hiện thì sẽ chấm dứt hợp đồng ngay" - ông Hưng nói.

Địa phương không quản được

Ông Võ Đình Công, chủ tịch UBND phường Thọ Quang (Q.Sơn Trà), cho rằng khu vực này nhiều năm thuộc Bộ đội biên phòng Đà Nẵng quản lý để làm nhà nghỉ nên phường không có trách nhiệm quản lý, và cũng chưa nắm được hoạt động đón du khách, nhất là người Trung Quốc, vì khu vực đó thuộc quân đội quản lý, "kể cả giấy phép kinh doanh thì thẩm quyền phường cũng không quản lý được".

"Phường không phải là cấp quản lý hoạt động của khu nghỉ dưỡng của quân đội này. Nhà nghỉ quân đội thì họ phải chịu trách nhiệm với khách lưu trú họ mời ở tại đó, còn nếu du khách bình thường thì công an quản lý" - ông Công nói.

Lập biên bản hoạt động lặn ngắm san hô

Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động kinh doanh thể thao trên biển tại khu vực bãi biển Tiên Sa.

Kết quả cho thấy Công ty Tiên Sa đang tổ chức các hoạt động thể thao biển, gồm: môtô nước, canô kéo dù, thuyền chuối, thuyền kayak, nhà phao trên biển, lặn ngắm san hô...

Tuy nhiên, đơn vị chỉ mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao dịch vụ môtô nước.

Ban quản lý bán đảo Sơn Trà đã lập biên bản, yêu cầu chỉ được phép tổ chức hoạt động loại hình đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không được tổ chức hoạt động đối với những loại hình chưa được cấp phép.

Công ty Tiên Sa đã ký cam kết dừng hoạt động đến khi có giấy phép theo quy định.

Việt Nam đối mặt bão, lũ chưa từng có nếu mất rạn san hô Việt Nam đối mặt bão, lũ chưa từng có nếu mất rạn san hô

TTO - Việt Nam nằm trong danh sách các nước phải đối mặt với bão lũ nguy hiểm chưa từng có một khi các rạn san hô biến mất, theo nghiên cứu mới đây.

VIỆT HÙNG - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên