Phóng to |
Luật sư Sergei Magnitsky, người đã chết trong tù vì tố cáo vụ lừa đảo - Ảnh: AFP |
Vụ việc bắt đầu từ năm 2007, khi cảnh sát Nga ập vào khám xét hai chi nhánh của Công ty Hermitage Capital, thu giữ giấy tờ sổ sách của công ty vì tội trốn thuế. Giám đốc Hermitage Capital là ông Bill Browder đã gọi điện yêu cầu Công ty luật Firestone Duncan ở Matxcơva kiểm tra vụ việc, và luật sư hàng đầu của công ty luật này là Sergei Magnitsky nhanh chóng bắt tay vào cuộc điều tra. Một năm sau, luật sư Sergei Magnitsky phát hiện các quan chức Bộ Nội vụ Nga đã chiếm quyền kiểm soát các chi nhánh này và đề nghị hoàn thuế 230 triệu USD.
Đề nghị này đã được ký duyệt chỉ trong một ngày và toàn bộ số tiền này được gửi vào một ngân hàng Nga nay đã ngừng hoạt động. Luật sư Magnitsky và Công ty Hermitage Capital tố cáo các quan chức Bộ Nội vụ Nga đã chuyển số tiền 230 triệu USD vào một tài khoản của Ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sĩ. Luật sư Magnitsky đã kiện lên Chính phủ Nga dù trước đó ông nhận được nhiều lời đe dọa đến tính mạng. Tháng 11-2008, cảnh sát Nga đã bắt giữ ông Magnitsky và cáo buộc chính ông cùng Hermitage Capital tổ chức vụ lừa đảo tiền thuế này.
Luật sư Magnitsky ngồi tù suốt một năm mà không hề được đưa ra xét xử. Suốt thời gian đó, ông thường xuyên bị biệt giam và không được gặp người thân. Ông mắc bệnh viêm tụy rất đau đớn nhưng không được chữa trị. Ngày 16-11-2009 ông qua đời trong tù ở tuổi 37, để lại vợ và hai con nhỏ.
Cũng trong năm 2009, một tòa án Matxcơva ra phán quyết khẳng định vụ hoàn thuế là một vụ lừa đảo, và các quan chức thuế Matxcơva bị lừa duyệt đơn xin hoàn thuế. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chẳng thu hồi được đồng bạc nào. Sau khi ông Magnitsky qua đời, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đích thân ra lệnh điều tra nguyên nhân khiến ông Magnitsky thiệt mạng, nhưng cuộc điều tra sau đó cũng chìm xuồng.
Thế nhưng, Hermitage Capital không đầu hàng. Điều tra của công ty này cho thấy các quan chức Bộ Nội vụ Nga đã chiếm đoạt số tiền 230 triệu USD này. Một trong những quan chức cầm đầu vụ việc là Olga Stepanova - cựu lãnh đạo Cơ quan thanh tra thuế quận 28 ở Matxcơva. Ba tuần sau khi cơ quan này thông qua một phần trong khoản hoàn thuế 230 triệu USD, bà Stepanova đã bỏ ra gần 630.000 USD để mua một căn hộ hạng sang ở Dubai. Giấy tờ mua bán từ Ngân hàng Credit Suisse cho thấy căn hộ đứng tên chồng bà Stepanova là ông Vladlen Stepanov, một công nhân xây dựng.
Ngoài ra, vợ chồng bà Stepanova còn mua một biệt thự lớn ở Dubai và một biệt thự khác ở Montenegro, xây một căn nhà 1.100m2 ở ngoại ô Matxcơva. Tổng cộng bà Stepanova đã kiếm được gần 39 triệu USD sau khi cơ quan của bà thông qua khoản hoàn thuế. Thời điểm đó, mức lương của cả hai vợ chồng bà chỉ khoảng 40.000 USD/năm. Tương tự, hai đồng nghiệp của bà Stepanova cũng mua các căn hộ sang trọng ở Dubai bằng tiền từ tài khoản của Ngân hàng Credit Suisse. Các cảnh sát thực hiện vụ khám xét chi nhánh Công ty Hermitage Capital (hiện đều đã được thăng chức) cũng vung tiền ra mua nhà và xe hơi sang trọng.
Đầu năm nay, bà Stepanova bị điều tra trong vụ một công ty ở St. Petersburg lừa đảo 70 triệu USD tiền thuế. Vụ việc này không có liên quan gì đến vụ của Công ty Hermitage Capital. Bà Stepanova đã từ chức lãnh đạo Cơ quan điều tra thuế quận 28. Một số nguồn tin từ Nga cho biết bà Stepanova đã đến làm việc cho một công ty kinh doanh vũ khí nhà nước. Hồi tháng 11-2010, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định cấm 60 quan chức Bộ Nội vụ Nga có liên quan đến vụ việc đi du lịch tới các nước này.
Ngày 19-4, Tòa phúc thẩm số 10 tại Matxcơva bắt đầu mở phiên điều trần để xác định liệu có phải các quan chức Bộ Nội vụ Nga đã chiếm đoạt quyền kiểm soát ba công ty chi nhánh của Hermitage Capital năm 2007 hay không. Trước đó, chính tòa án này đã ra phán quyết khẳng định Hermitage Capital chủ mưu thực hiện vụ lừa đảo hoàn thuế, nhưng rồi một ủy ban liên bang Nga đã bác bỏ phán quyết này. Tuần trước, Bộ Nội vụ Nga cho biết toàn bộ giấy tờ liên quan đến vụ hoàn thuế nằm trong một chiếc xe tải đã gặp tai nạn và bị nổ vào năm 2008.
Mới đây, Hermitage Capital và Công ty luật Firestone Duncan đã tung lên trang web có tên Russian Untouchables (Những kẻ không thể đụng đến ở Nga) một đoạn phim tài liệu, trong đó mô tả quá trình điều tra vụ án. Giám đốc Công ty luật Firestone Duncan là ông Jamison Firestone khẳng định sẽ gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban điều tra Nga. “Bộ Nội vụ và Văn phòng công tố Nga đã bảo vệ Stepanova và những tên tội phạm tham gia vụ án trong nhiều năm qua” - ông Firestone bức xúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận