24/03/2013 08:01 GMT+7

Nga - Trung: Một cuộc gặp, nhiều mục đích

NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

TT - Khi các quốc gia có ban lãnh đạo mới, đó là thời điểm thích hợp để thúc đẩy hoặc tìm lối thoát cho các vướng mắc và xung đột trong quan hệ song phương.

Đối với Nga và Trung Quốc, đây là dịp phát huy hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, đổi mới các nội dung của hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác Trung - Nga ký cách đây gần 12 năm (ngày 16-7-2001).

mIntYwWr.jpgPhóng to
Hai lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều hài lòng về cuộc gặp tại điện Kremlin ngày 22-3 - Ảnh: Reuters

Ban lãnh đạo Bắc Kinh cần gia cố quan hệ đối tác chiến lược với Nga, vào thời điểm quan hệ giữa các nước lớn đang chuyển động và dao động chiến lược.

Quan hệ với Nga và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là chỗ dựa chống lưng an ninh cho Trung Quốc để triển khai quan hệ trên các hướng khác: đối phó với liên minh Mỹ - Nhật và tranh chấp chủ quyền biển đảo trên các hướng đông - nam; hòa hoãn (vừa cạnh tranh, kiềm chế) với Ấn Độ ở phía tây.

Chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình đã có kết quả rất cụ thể về mặt kinh tế với việc ký kết các thỏa thuận quan trọng, đặc biệt về dầu mỏ và khí đốt. Phát biểu tại điện Kremlin, ông Tập Cận Bình đánh giá việc ký các thỏa thuận trên là “bước đột phá” trong quan hệ hai nước, trên lĩnh vực năng lượng là “triệt để, quy mô đầy đủ và toàn diện” và không ngại lời khen ông Putin là “bạn cũ, bạn tốt”.

Còn Tổng thống Putin đánh giá chuyến thăm của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa lịch sử với những kết quả tích cực. Theo ông, kim ngạch trao đổi thương mại Nga - Trung Quốc có thể đạt 100 tỉ USD từ năm 2015. Nhưng cái mà ông thắng lợi trước mắt trên bình diện thế giới chính là việc tân chủ tịch Trung Quốc chọn Nga làm điểm công du đầu tiên.

Chính quyền Putin nhiều lần tuyên bố theo đuổi đường lối “đối ngoại độc lập”, qua đó đưa nước Nga khôi phục vị thế cường quốc theo một kịch bản hiện đại. Trong tiến trình này, chính quyền Nga nhận thức cần “mượn gió Trung Quốc để đẩy cánh buồm kinh tế Nga” như tuyên bố của Tổng thống Putin, quan hệ với Trung Quốc là căn cứ quan trọng để Nga phá vỡ cục diện khó khăn với Mỹ.

Hợp tác kinh tế với Trung Quốc có lợi, song không phải là yếu tố sống còn vì trao đổi thương mại của Nga với Liên minh châu Âu (EU) hiện đang cao gấp năm lần so với Trung Quốc, trong khi hợp tác kinh tế Nga - Trung vẫn xoay quanh vấn đề năng lượng và nguyên nhiên liệu.

Một bộ phận giới tinh hoa của nước Nga vẫn lo ngại Trung Quốc sẽ di dân ồ ạt sang Viễn Đông Nga, người Trung Quốc đổ xô sang Nga mở các cơ sở sản xuất, thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất ôtô (các hãng Lifan, Haima), biến Nga thành “thuộc địa nguyên liệu” và thị trường tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. Cho nên ở Nga vẫn còn áp dụng một số biện pháp hạn chế hoạt động của doanh nghiệp và vốn của Trung Quốc, mà Trung Quốc hi vọng cuộc gặp gỡ cấp cao sẽ góp phần tháo gỡ các trở ngại.

Tuy vậy, Nga muốn đa dạng hóa các thị trường năng lượng của mình, chứ không chỉ nhắm vào thị trường châu Âu và cũng cần hoàn tất thỏa thuận khí đốt lớn với Trung Quốc, vốn đang sa lầy vì những tranh cãi về giá cả. Lần này thỏa thuận về khí đốt chỉ là sơ bộ, có lẽ do phía Trung Quốc chưa chấp thuận giá cả được xem là cao so với giá thị trường thế giới.

Nếu giao dịch hoàn tất, hiệp định khổng lồ này bảo đảm cho việc nước Nga cung cấp 68 tỉ m3 khí gas tự nhiên/năm cho Trung Quốc trong vòng 30 năm. Có thể nó vẫn được giữ lại như con bài giữa lúc mỗi bên đều bắt cá nhiều tay để tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình trong một thế giới vận động và biến đổi ráo riết.

NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên