02/11/2004 00:34 GMT+7

Trước thềm LHP toàn quốc lần 14: Nghĩ thêm về phim video...

NGUYỄN CHƯƠNG
NGUYỄN CHƯƠNG

TT - Phim truyện video tại liên hoan ra sao? Câu hỏi này được đặt ra trước thềm LHP toàn quốc lần 14 (4 đến 7-11-2004 tại Đắc Lắc) trong bối cảnh sẽ có hẳn một cuộc hội thảo bàn về giải pháp thu hút khán giả.

Ar6SRrvY.jpgPhóng to
Hai diễn viên Y Nhung và Việt Hùng trong bộ phim "Em về quên dĩ vãng"
TT - Phim truyện video tại liên hoan ra sao? Câu hỏi này được đặt ra trước thềm LHP toàn quốc lần 14 (4 đến 7-11-2004 tại Đắc Lắc) trong bối cảnh sẽ có hẳn một cuộc hội thảo bàn về giải pháp thu hút khán giả.

Không nói ra thì ai cũng biết hội thảo sẽ phải dành ưu tiên trước cho phim truyện nhựa VN chiếu rạp (báo Tuổi Trẻ đã có bài đăng riêng về phim truyện nhựa), vì phần lớn phim VN khi ra rạp đều lúng túng như gà mắc tóc, chiếu vài ba bữa là dẹp tiệm. Tại sao, tại sao và tại sao?

Điệp khúc vang lên nhiều lần, để... lần này nữa mong tìm ra chìa khóa. Mà chìa khóa thì rất có thể... tham khảo ở mảng phim truyện video truyền hình! Đó là vì từng có không ít bộ phim trên sóng gây rộn rịp nhiều luồng dư luận, nghĩa là tạo được sự quan tâm, cho nên ắt cũng có cả núi kinh nghiệm về xây dựng chuyện phim...

Nhưng lạ thật! Gọi điện thoại khắp nơi để nắm thông tin, để rồi... chưng hửng. Giám đốc Đài Bình Dương (BTV) bảo là không kịp có phim, không tham gia liên hoan. Gọi xuống miền Tây, phó giám đốc Đài Cần Thơ (logo mới CVTV, trước đây là CTV) cũng nói không. Điện ra Khánh Hòa, giám đốc đài cũng bảo sẽ không có mặt tại Đắc Lắc.

Ngay đến một “đại gia” như Trung tâm Sản xuất chương trình truyền hình VN (gọi tắt là VFC) lần này chỉ dự vỏn vẹn một phim lẻ mang tựa “ấn tượng” là... Không còn gì để nói - đạo diễn bộ phim Khải Hưng, đồng thời là giám đốc VFC, cũng không bình luận gì về cái sự ít ỏi phim.

Nhưng bảo là hiếm muộn thì không chắc. Được biết, VFC sẽ dồn phim cho cuộc liên hoan của ngành truyền hình toàn quốc đầu năm 2005 tại Quảng Ninh, Đài BTV cũng cho hay sẽ đem hai bộ phim nhiều tập đi Quảng Ninh.

Nguồn tin từ ban tổ chức liên hoan cho biết có... năm phim do chính nhà đài sản xuất (một của VFC, bốn của TFS) trong tổng số 15 phim truyện video (10 phim còn lại từ các hãng phim bên ngoài nhà đài) dự thi.

Hãng Phim truyền hình TFS đem bốn phim lẻ - Hải âu (đạo diễn Lê Bảo Trung), Vai diễn đầu đời (Đinh Đức Liêm), Sống chậm (Vũ Thái Hòa), Mùa sen (Võ Tấn Bình); trong đó chỉ có phim Hải âu ngoài việc phát sóng còn đưa ra rạp chiếu, với kết quả thu được khoảng 100 triệu đồng tiền lời, để mà có thể có một kinh nghiệm gì đó đem cung cấp cho đồng nghiệp tại hội thảo.

Mảng phim truyện video hụt về phía đài, đắp đổi lại có phim từ các hãng. Chỉ riêng TP.HCM, đã có năm phim. Phim mới nhất là Em về quên dĩ vãng của Hãng phim Sài Gòn (đạo diễn Hồ Nhân): khán giả bắt gặp hình ảnh một Đắc Nông vừa trở thành sự nhắc nhớ về một thời thanh niên xung phong gian khổ mà lãng mạn, vừa chạm mặt với hiện tại khi vùng đất này lại là nơi giành lại niềm tin cho một số người trẻ vướng vào nghiện ngập.

Hãng Giải Phóng đem Chim phí bay về cội nguồn (đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo), từng phát sóng trong chương trình “Điện ảnh chiều thứ bảy” trên sóng VTV3. Hãng phim Người Bảo Vệ đưa đi hai tác phẩm Bông hồng đêm (Lưu Trọng Ninh), Không thể siết cò (Hồ Ngọc Xum) với đặc điểm trộn lẫn chất hành động với tâm lý. Hãng Phương Đông (thuộc Công ty Điện ảnh TP.HCM) gửi thi Rặng trâm bầu (Bùi Đình Thứ) kể chuyện một nữ chiến sĩ cách mạng.

Như đã nói, trong vấn đề tiếp cận khán giả thì chuyện phim là một nhân tố quyết định nhưng chưa phải là tất cả. Ông Cao Hùng, giám đốc Công ty Điện ảnh TP.HCM, đưa ra ý kiến: “Theo tôi, một bộ phim muốn thu hút công chúng thì phải nói được những điều họ nghĩ, kể về những gì họ quan tâm. Tiếc là nhiều phim của chúng ta tiết tấu còn chậm, lời thoại phim chưa đắt, chuyển cảnh đột ngột, hụt hẫng... Nhưng trước hết phải chú ý đến khâu quảng cáo. Là sản phẩm tinh thần, bộ phim càng cần phải quảng cáo sao cho ấn tượng, lại phải đảm bảo tính nghệ thuật. Phim được Nhà nước tài trợ hầu như chẳng có hãng nào chú ý đến, trong khi hãng phim tư nhân rất quan tâm”.

Biết vậy, nhưng rồi... liệu sẽ có được mấy bài học đắt giá đem ra “mổ xẻ” tại liên hoan? Lại phải chờ.

Chủ nhà đã sẵn sàng!

DU9lLsqA.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Lạng - chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, phó ban tổ chức liên hoan phim toàn quốc lần thứ 14

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho Liên hoan phim VN lần 14 tại TP Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Văn Lạng - chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, phó ban tổ chức liên hoan - cho biết:

Đắc Lắc đã đầu tư hơn 3 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp hai rạp chiếu bóng Kim Đồng, Hưng Đạo và hội trường Tỉnh ủy Đắc Lắc với gần 2.000 ghế để phục vụ khán giả xem phim trong suốt bốn ngày đêm diễn ra liên hoan. Nhà văn hóa - thông tin Đắc Lắc cũng được hiện đại hóa với 800 chỗ ngồi để tổ chức khai mạc, bế mạc và giao lưu giữa các diễn viên điện ảnh, nhà làm phim với công chúng.

Tất cả những công trình này đã hoàn tất chiều 28-10. Máy chiếu phim hiện đại nhất tại VN hiện nay do Cục Điện ảnh đầu tư hơn 1 tỉ đồng cũng được lắp đặt xong tại hai rạp Kim Đồng, Hưng Đạo và hội trường Tỉnh ủy.

Dự kiến trong bốn ngày diễn ra liên hoan sẽ thường xuyên có 1.200 - 1.500 khách lưu trú (có 600 khách mời chính thức) nên tỉnh đã bố trí đón khách tại tám khách sạn sang trọng nhất TP Buôn Ma Thuột và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên.

Ngoài ra, tỉnh còn chuẩn bị 23 xe khách đời mới loại 24 chỗ ngồi để đưa đón khách đến các điểm giao lưu như: đồn biên phòng Buôn Đôn, Công ty cà phê Thắng Lợi, Trường ĐH Tây nguyên...

Đặc biệt, tỉnh đã chuẩn bị sáu con voi nhà (không tham gia hội voi Đắc Lắc diễn ra ngày 6 và 7-11) để phục vụ đêm bế mạc liên hoan phim tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Tóm lại, Đắc Lắc đã sẵn sàng!

NGUYỄN CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên