27/06/2007 04:27 GMT+7

Người đàn bà bán ốc và cuốn tiểu thuyết cuộc đời

V.T.
V.T.

TT - Có những con chữ chị không sao nhớ nổi, phải bỏ rổ ốc, chạy ra đường hỏi bất cứ ai gặp được. Thế nhưng chị vẫn viết miệt mài... Năm 1996, cuốn tiểu thuyết Tình yêu thầm lặng ra đời. Sau đó tiểu thuyết được dựng thành phim.

QM3OWvwI.jpgPhóng to
Người đàn bà bán ốc lại viết... Ảnh: V.Toàn
TT - Có những con chữ chị không sao nhớ nổi, phải bỏ rổ ốc, chạy ra đường hỏi bất cứ ai gặp được. Thế nhưng chị vẫn viết miệt mài... Năm 1996, cuốn tiểu thuyết Tình yêu thầm lặng ra đời. Sau đó tiểu thuyết được dựng thành phim.

11 năm sau, giờ đây, chị viết tiếp cuộc đời mình, quyển tiếp theo, Cuộc đời của mẹ. Đó là một cuộc đời nghiệt ngã mà đầy khao khát.

Chị tên là Nguyễn Thị Sáng, 57 tuổi, người phụ nữ ốm yếu, bán ốc bên hẻm phố ở TP Vinh (Nghệ An). Đầu tháng 7-2007, cuốn Cuộc đời của mẹ của chị sẽ ra mắt. Đang đón đợi ngày đứa con trình làng, những ngày này chị vẫn lặng lẽ bên rổ ốc đá rẻ tiền đã nuôi cuộc đời mình.

Từ chính cuộc đời...

Nhắc lại những kỷ niệm cũ trong cuốn Tình yêu thầm lặng, chị Sáng lại bật khóc: “Hình như khi kết thúc cuộc tình trong sáng, thơ mộng mà cũng đầy thương cảm của thời dân công hỏa tuyến, tui vẫn thấy muốn viết thêm một điều chi nữa nên mới để ba cái chấm lửng cuối cùng. Thế rồi vì lo chuyện bán ốc kiếm sống nuôi con nên tui dừng lại”.

Năm 1996, có người bán tín bán nghi khi nghe tin chị Sáng bán ốc đầu hẻm viết truyện. Làm sao tin được khi hồi nhỏ chị chỉ học tới lớp 4 rồi đi dân công hỏa tuyến. Hòa bình rồi chị sống cũng cơ cực.

Cơ cực nhất là khi phường Quang Trung nơi chị trú ngụ cho xe công nông đến kéo sụp túp lều nát của ba mẹ con đang ở. Túp lều đổ xuống, không cái nồi, cái bát nào còn nguyên. Lý do, năm 1982 khi đang làm công nhân bốc vác tại cửa hàng vật liệu xây dựng ở TP Vinh, chị Sáng không có nơi trú ngụ.

Thấy hẻm đất đầy rác bỏ hoang cuối phố Quang Trung, chị nghĩ “nếu mình chịu khó cuốc cỏ, trồng rau thì sẽ có rau ăn, không phải sắp hàng chờ giờ này qua giờ khác mới mua được một bó rau trong cửa hàng”. Chị trồng rau rồi dựng lên một túp lều làm nơi trú ngụ từ đó.

Một hôm, cô Liên - người hàng xóm - tò mò sang hỏi chuyện: “Có phải chị viết truyện thật không”. Chị Sáng gật đầu: “Tui kể lại chuyện đời mình để sau này con gái biết, lỡ có mệnh hệ gì...”.

Chị rút trên mái nhà xuống tập bản thảo viết tay lem luốc. Thấy lạ, cô Liên cầm tập bản thảo đi đánh máy hộ. Cô bé đánh máy vừa đánh máy vừa thút thít khóc vì những con chữ. Rồi cũng cô Liên bày: nên gửi truyện cho NXB Sự Thật vì truyện toàn chuyện thật thời dân công hỏa tuyến.

Tình yêu thầm lặng chất chứa những mơ ước và nỗi niềm của cô gái dân công với người yêu tên Lâm là lính lái xe Trường Sơn. Lâm là một người có thật, người yêu của chị ngày xưa. “Đó cũng là mong ước suốt tuổi thanh xuân chìm trong bom đạn cho đến cả tuổi về già bây giờ của tui. Trong ước nguyện, dù nghèo khổ mấy nhưng lúc nào tui cũng muốn anh Lâm sống bên cạnh” - chị nói.

DaWr5cYo.jpgPhóng to
Câu chuyện rơi nước mắt

Tôi đọc liền một mạch bản thảo Cuộc đời của mẹ. Giọng văn mộc, là câu chuyện một người dân quê rủ rỉ kể lại.

Nhưng đó là câu chuyện lôi cuốn bởi cuộc đời của người phụ nữ bất hạnh trong chiến tranh nay lại gặp những cảnh đời bầm dập, chua xót.

Thế nhưng vượt lên tất cả, trong khát vọng của chị vẫn toát lên những tia sáng hi vọng như chính tình yêu chân quê của nữ dân công hỏa tuyến đã cưu mang, gìn giữ kỷ niệm của người lính lái xe trên đường ra trận.

Câu chuyện làm tôi rơi nước mắt như hơn mười năm trước tôi đọc Tình yêu thầm lặng.

Chị ngồi viết trên cái bàn nhựa cũ sờn kê cạnh bàn bán ốc. Dạo ấy, có 15.000 đồng là chị mua vài nồi ốc đá (ốc xoắn loại nhỏ, rẻ tiền) đủ bán trong một ngày. Thấy quán ít hàng quá, chị mua thêm mấy gói thuốc lá “con cò” và một chai rượu rồi bày thêm ba chai nước lạnh trông giống như ba chai rượu “để khách khỏi chê quán nghèo, họ không vô”.

Rồi bán thêm vé số. Hôm nào bán được 20.000 đồng cả vốn lẫn lãi, “son” lắm rồi, chị vội vàng giao quán cho hai con gái nhỏ, lại ngồi cặm cụi viết. “Tui viết lắt nhắt như vậy trong một năm thì xong hơn 300 trang viết tay của tập sách mới” - chị tâm sự.

Căn nhà không có số nhà

Cuốn sách đầu in 800 cuốn. Chị nhớ lại: “Lúc cuốn Tình yêu thầm lặng sắp ra đời, tui đang cực lắm. Hôm nghe bác Khánh Vân - cán bộ biên tập ở NXB Thanh Niên - mời ra Hà Nội đọc bản thảo lần cuối tui mừng vô hạn, nhưng khốn nỗi trong túi không đủ tiền đi xe đò. Nghĩ mãi, tui đành liều vẫy xe.

Lên xe tui ngồi ghế cuối. Khi thấy nhà xe hỏi tiền vé, tui nấp xuống dưới gầm ghế để trốn. Ra Hà Nội lúc 2g sáng, tui tìm đến nhà bác Khánh Vân rồi cứ đứng dưới cổng gọi lên.

Vợ bác Vân giận lắm, tưởng tui là gái làm tiền đến sinh chuyện nên mắng cho một mẻ. Tui hét to: “Cháu là Sáng đây, Nguyễn Thị Sáng ở Nghệ An mới ra đây!”. Nghe vậy, bác trai xuống đón, bác gái pha sữa cho uống mới đỡ đói”.

Sách chưa in xong thì đạo diễn Trần Mạnh Cường đã dựng thành phim Thầm lặng. Bộ phim liên tục phát trên các kênh VTV1, VTV4, Truyền hình Quân đội, Truyền hình Hà Nội nhân các ngày lễ thương binh - liệt sĩ, ngày thành lập Đoàn.

Đây là thời gian chị liên tục nhận được các đề nghị từ đảo Trường Sa, cảng Bến Thủy (một địa điểm trong chiến tranh của câu chuyện), các nhà máy, trường học, hội phụ nữ trong - ngoài tỉnh yêu cầu được mua sách (chị tự đảm nhận việc bán sách).

Chị mạnh dạn đề nghị NXB Thanh Niên in tiếp 2.000 cuốn vừa bán lẻ ở Nghệ An vừa bán sỉ vô Hà Tĩnh. Sách bán không còn một cuốn.

Đến lúc có một người xin bản quyền của chị in 6.000 cuốn, vẫn bán chạy. Kể đến đây chị chợt buồn: “Người đó bán hết gần 6.000 cuốn mà không gửi cho mẹ con tui một đồng. Hôm nghe công nhân nhà in gọi điện đến chúc mừng, tui mới biết. Tui vừa gọi điện thoại vừa trách thì họ mới gửi cho gần 2 triệu và 100 cuốn”.

Tập Cuộc đời của mẹ in 1.500 cuốn, chị Sáng hi vọng tập này sẽ có nhiều người đọc. Chị vui nói:

Bán được sách sẽ có thêm đồng tiền chữa bệnh bởi tui đã qua bảy lần mổ (do vết thương ở đỉnh đầu hồi đi dân công hỏa tuyến, hai lần bị tai nạn khi bốc vác, hai lần mổ đẻ, mới đây bị u xơ tử cung lại phải mổ). Cùng với chữa bệnh là gom tiền nuôi con gái đầu đang học lớp liên thông báo chí Trường cao đẳng Truyền hình 1 trung ương và để lợp lại mái nhà đang dột”. Đấy là căn nhà do hai bàn tay chị đúc gạch taplô và tự xây. “Đúc được từng nào gạch thì xây thêm một tẹo nên bức tường nào cũng móp méo”, chị cười.

Căn nhà ấy ở đường Ngư Hải thuộc khối 1, phường Quang Trung, TP Vinh nhưng không có số nhà.

V.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên