16/12/2006 00:09 GMT+7

Cánh diều dành cho phim ngắn 2006: Lại so bó đũa chọn cột cờ

HOÀI NAM
HOÀI NAM

TTO - Đó là những nhận xét của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát -Trưởng Ban giám khảo cuộc thi Cánh diều dành cho phim ngắn 2006 vừa trao giải thưởng tối nay (15-12) tại Nhà văn hóa điện ảnh 186 Nguyễn Văn Trỗi, Tân Bình, TP.HCM.

XtLkVBGa.jpgPhóng to
Đạo diễn Lục Đại Lượng với Cánh diều vàng phim Đường về - Ảnh: H.Nam
TTO - Đó là những nhận xét của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát -Trưởng Ban giám khảo cuộc thi Cánh diều dành cho phim ngắn 2006 vừa trao giải thưởng tối nay (15-12) tại Nhà văn hóa điện ảnh 186 Nguyễn Văn Trỗi, Tân Bình, TP.HCM.

Nội dung gần với cuộc sống

Mặc dù với số lượng không thua năm 2005 bao nhiêu nhưng với 53 tác phẩm dự thi - gồm 42 phim truyện, 10 phim tài liệu và một phim hoạt hình thì việc chọn ra Cánh diều vàng thật sự là nhiệm vụ "trần ai" của Ban giám khảo. Bởi theo bà Ngát, khi đã "căng mắt, lắng tai" chấm hơn 3/4 các tác phẩm dự thi, nhưng cả 5 thành viên Ban giám khảo chỉ nhìn nhau thở dài vì chất lượng các tác phẩm quá yếu, không có phim nào nổi bật.

Điều này có thể nhìn thấy qua 12 bộ phim xuất sắc được chọn trình chiếu trong ngày hôm nay. Nhìn chung, có thể nói mặt bằng chất lượng năm nay của các tác phẩm giảm hẳn so với năm ngoái, BGK "bắt" được các tác phẩm Đường về, Đôi dép chuối, Trái tim bạc, Le lói, Tôi chỉ cần có thế cứ như "bắt được vàng".

Yg586xKK.jpgPhóng to 3gsY9qyT.jpg
Phim Đường về - giải Cánh diều vàng... ... và Cánh diều bạc: Đôi dép chuối

Kết quả giải Cánh diều dành cho phim ngắn 2006

- Cánh diều vàng: tác phẩm Đường về của Lục Đại Lượng

- Hai Cánh diều bạc: Đôi dép chuối của Ngọc Tâm (Trường Cao đẳng sân khấu TP.HCM) và Trái tim bạc của Nguyễn Hồng Chi (TFS)

- Hai Giải khuyến khích: Tôi chỉ cần có thế của Võ Thạch Thảo và Le lói của Huỳnh Thành Sỹ (Trường Cao đẳng sân khấu TP.HCM)

- Hai Bằng khen: Phim tài liệu Ta còn gửi lửa trong than của Nguyễn Công Tính (Trường ĐH SKĐA Hà Nội) và Chuyện ông Mờ của Lương Đình Dũng (công ty tư vấn T.A.C)

Điểm được của các tác phẩm phim truyện năm nay là có những cái nhìn thật hơn về cuộc sống đời thường.

Đường về- tác phẩm dài 11 phút 30 giây, đoạt giải Cánh diều vàng - là câu chuyện tình yêu của 3 người - người đàn ông ra tù, trở về nhà thì người yêu đã có người đàn ông khác yêu thương. Một câu chuyện giản dị nhưng mổ xẻ tâm trạng từng nhân vật một cách rõ nét. Ba người gặp nhau, cái nắm tay rụt rè, ánh mắt tóe lửa của hai người đàn ông, nét chịu đựng của người phụ nữ... được thể hiện với những góc quay cận khá ấn tượng nhưng mộc mạc, gần gũi. Đạo diễn phim Đường về - Lục Đại Lượng, phóng viên của Đài phát thanh truyền hình Bắc Kạn nói: "Làm phim ngắn đối với tôi cần đảm bảo 3 yếu tố: nội dung đơn giản, kịch tích và kết thúc bất ngờ". Điều này được anh thể hiện phần kết phim hình ảnh một người đàn ông lặng lẽ ra đi...

Đôi dép chuối qua sự thể hiện của Ngọc Tâm là những góc nhìn giản dị nhưng chứa chan tình cảm với cuộc sống. Ở hình ảnh người mẹ nghèo đến nỗi không đủ tiền mua một đôi dép cho con đi cho đỡ bỏng chân ở nơi nắng cháy da cháy thịt, ở hình ảnh người mẹ cặm cụi làm cho con gái đôi dép bằng... chuối với tất cả tình yêu thương.

Hay Trái tim bạc của Nguyễn Hồng Chi đầy tính nhân văn, dễ thương và sinh động với dàn diễn viên nhí diễn rất ngọt.

Đặc biệt, năm nay có tác phẩm mạnh dạn khai thác một vấn đề khá nhạy cảm: tình dục trong giới trẻ như Tôi chỉ cần có thế của nữ đạo diễn trẻ Thạch Thảo, tuy vẫn còn nhiều câu thoại hơi... thừa nhưng phim có một góc nhìn đầy mạnh mẽ, cá tính nhưng lại không kém phần nhẹ nhàng. Rồi Quỳnh của Linh Nga là những góc quay táo bạo về giới tính thứ ba, Le lói của Huỳnh Thanh Sỹ...

Yếu nhiều phương diện

YQDtbGND.jpgPhóng to
Hai đạo diễn đoạt giải Cánh diều bạc (thứ hai từ phải sang): Ngọc Tâm và Nguyễn Hồng Chi - Ảnh: H.Nam
Có thể do cái nhìn "thật" với cuộc sống nên phần lớn các phim năm nay hơi... buồn, không có sự hài hước, dí dỏm ngoài Ý trời của Võ Hồng Loan kể về một cô gái đi giải phẫu thẩm mỹ nhằm kiếm một anh chồng đẹp trai, ai ngờ cuối cùng người cô lấy cũng là một chàng đã... giải phẫu thẩm mỹ. Tiếc một điều là phim chưa "đẩy" được tận cùng những ý nghĩa cần thể hiện.

Còn ở mảng phim tài liệu, bà Hồng Ngát thở dài: "Các tác phẩm rất cẩu thả, như gặp gì quay nấy, không dàn dựng, ý tưởng không chọn lọc, tràng giang đại hải, không kết cấu. Chán nhất là những cảnh quay tùy tiện, thậm chí cả những bước cơ bản như góc máy, ngược sáng...".

Chỉ một phim hoạt hình duy nhất tham dự cuộc thi nên Hai nửa trái tim của Bùi Quốc Thắng dù có ưu thế về thể loại nhưng kém cạnh về sự thể hiện, bị BGK chê hình ảnh "xí" quá, âm nhạc bị lạm dụng nhiều nên hoạt hình VN vẫn... chỉ thế thôi!

Đạo diễn Vương Đức, thành viên BGK vừa chấm xong phim đã than... buồn vì: "Đợt phim năm nay yếu nhiều phương diện, cơ bản nhất ở cách tư duy, xây dựng kịch bản phim ngắn, tổ chức phim ngắn còn chưa tốt. Điều chúng tôi buồn nhất là cho đến ngày hôm nay, ở các cơ sở sản xuất phim lớn đều chưa có phim truyện nhựa, biết bao giờ có phim nhựa để các em cùng góp sức vào cho tương lai điện ảnh VN".

Tuy Hội điện ảnh VN đã nâng phim ngắn VN - sân chơi dành cho những nhà làm phim trẻ - lên một "tầm" mới khi gắn vào cuộc thi chữ Cánh diều, tuy đang đầu tư mở rộng đối tượng tham dự (Cánh diều vàng năm nay là thí sinh tự do) đến việc phối hợp với các Đài truyền hình phổ biến các tác phẩm nhưng để cánh diều dành cho phim ngắn bay cao bay xa thì vẫn còn... chờ đó.

HOÀI NAM

HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên