27/01/2011 12:12 GMT+7

Nếu ngôn ngữ là đá sỏi

Bài dự thi Nét bút tri ân
Bài dự thi Nét bút tri ân

TTO - Hầu như tất cả sinh viên Ngữ văn đều nằm lòng câu châm ngôn “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Và cũng vì thế, sau năm đầu đau khổ với ngữ âm, tụi sinh viên nghe tới môn nào của ngôn ngữ cũng sợ khủng khiếp.

9ZNEgZTr.jpgPhóng to
Ảnh minh họa Internet

Giảng viên dạy năm II, bộ môn Ngôn ngữ đã được Ngữ Văn K27 đón tiếp với một tâm thế như thế. Sáng hôm đó, cô bước vào giảng đường đã đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Cô đã mặc chiếc áo dài được may đúng kiểu truyền thống, một mái tóc ngắn vào nếp giản dị. Cô không giới thiệu về bản thân mà bắt đầu ngay bài giảng. Cô chọn lựa cách diễn đạt rất đơn giản về từ loại tiếng Việt; khác hẳn suy nghĩ của chúng tôi: dạy ngôn ngữ phải tỏ ra uyên bác, phải cao siêu và càng nghe càng không hiểu (?). Chúng tôi học nhẹ nhàng, giải bài tập cũng nhẹ nhàng. Ngôn ngữ không còn là “con quái vật khủng khiếp” như cách chúng tôi gọi.

Rồi đến cuối năm IV, cô hướng dẫn chúng tôi chuyên đề “Ngữ pháp chức năng”, một phân môn khá mới mẻ, xa lạ, nhiều trường phái và vô cùng rắc rối. Thế mà bằng sự hướng dẫn nhiệt tình, cách dạy dễ hiểu, cô đã giúp chúng tôi tiếp cận Ngữ pháp chức năng một cách suôn sẻ và dễ chịu. Cô dạy chúng tôi phải luôn “học cách nói và viết giản dị. Sự phức tạp hay đơn giản là ở chính chúng ta chứ không phải ở bản thân ngôn ngữ”…

Chúng tôi ra trường, đi dạy, những suy nghĩ về cô cũng mơ hồ dần và tan vào những bon chen, chật vật của cuộc sống. Mỗi khi đứng trước một vấn đề phức tạp của ngôn ngữ, tôi lại hình dung về cô và cố làm “bản sao” của cô (dù rằng cô cũng không thể nhớ tôi là ai trong số 135 sinh viên của khóa K 27)!

Thời gian vẫn tiếp tục trôi theo dòng chảy của nó. Tôi có cơ hội trở lại trường để học tiếp. Lần này tôi “dũng cảm” chọn chuyên ngành Ngôn ngữ học vì sự hiếu thắng hay một điều gì khác cũng không rõ. Thật may mắn, cô được phân công phụ trách lớp Cao học Ngôn ngữ. Chúng tôi đi học với sự bộn bề công việc: việc dạy, việc học, việc xã hội, việc gia đình,… Cô lại càng bận rộn hơn: dạy lớp Đại học, lớp Cao học, lớp Chính quy, lớp Tại chức, lớp Địa phương, lớp Nước ngoài,…

Vậy mà, trong suốt ba năm học, hễ có việc gì chúng tôi đều bám lấy cô: từ thời gian học học, quy chế, thi cử, đề cương, bảo vệ luận văn,… Việc gì chúng tôi cần thì cô đều tận tình chỉ bảo. Có lần bị bế tắc ở một vấn đề của luận văn, tôi gửi email cho cô lúc 22 giờ, đến 23 giờ tôi nhận được email trả lời. Giật mình và thấy thương cô quá!

Đến khi tôi chuẩn bị bảo vệ luận văn, trong lòng cứ bồn chồn không yên: hoang mang, hồi hộp, lo sợ. Cũng chính cô đã chia sẻ, động viên và trả lời tất cả những câu hỏi rất ư ngớ ngẩn của tôi. Ngày tôi bảo vệ xong, cô cười thật rạng rỡ và tặng hoa cho tôi. Nhưng nụ hoa thật đẹp, cứ lung linh, lung linh…

R. Tagor từng nói: “Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm”. Cô vẫn luôn lặng thầm dìu dắt từng thế hệ sinh viên Ngữ văn Sư phạm khai thác tiềm năng của vùng đá sỏi ngôn ngữ. Tôi viết những dòng này xin gửi lời tri ân đến người thầy đã nhen nhúm để rồi cháy mãi trong tôi tình yêu và lòng say mê đối với ngành khoa học cơ bản, chính xác, rất tinh tế hào hoa: Ngôn ngữ học. Quả thật là khi: Thổi hồn vào đá với lòng kiên nhẫn/ Sẽ thấy đá trổ hoa bao mật ngọt dâng đời.

Bài dự thi Nét bút tri ân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên