11/10/2019 21:47 GMT+7

'Nếu không có phương án cụ thể, tuyến tránh Cai Lậy sẽ chết'

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Khi hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1 sẽ được giải quyết, tạo động lực cho miền Tây phát triển kinh tế nhưng dự án đầu tư tuyến tránh BOT Cai Lậy (Tiền Giang) sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu không có phương án cụ thể, tuyến tránh Cai Lậy sẽ chết - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đã tạm ngưng thu phí gần 2 năm nay do bị tài xế phản đối - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tại buổi làm việc giữa Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với Công ty cổ phần đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận về "tình hình thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và sự cần thiết thu phí trở lại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương", nhiều ý kiến cho rằng nếu không có phương án giải quyết tổng thể, dự án BOT Cai Lậy sẽ "chết".

Báo cáo với đoàn công tác, ông Lưu Xuân Thủy - phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận - cho biết hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành khoảng 27% khối lượng và có nhiều tín hiệu khả quan để dự án đáp ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021.

Vẫn theo ông Thủy, việc hoàn thành cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc quốc lộ 1, giảm tai nạn giao thông, tạo động lực cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Tây khi rút ngắn thời gian di chuyển với TP.HCM, giảm chi phí logistics, có thêm sự lựa chọn cho người dân.

Song song đó, lưu lượng xe trên quốc lộ 1 cũng sẽ giảm mạnh dẫn đến nguy cơ không thể hoàn vốn được cho các dự án BOT trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, cụ thể là dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy.

Nếu không có phương án cụ thể, tuyến tránh Cai Lậy sẽ chết - Ảnh 2.

Tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy, Tiền Giang - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ông Thủy thông tin thêm hiện dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp do các dự án giao thông khác đang dần hoàn thành. Nhà đầu tư đang lâm vào tình trạng khó khăn, gây rủi ro cho việc thu hồi vốn tín dụng của ngân hàng vì dự án đã tạm ngưng thu phí gần 2 năm nay và hiện vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết.

Trong khi đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang bị xuống cấp, không có kinh phí duy tu bảo dưỡng.

Từ tháng 1-2019 đến nay, do không thu phí trên tuyến cao tốc dẫn đến việc không kiểm soát được lưu lượng và tải trọng phương tiện làm tai nạn giao thông tăng, nguy cơ hư hỏng và việc duy tu bảo dưỡng không thực hiện đúng theo quy định", ông Thủy nói.

Ông Thủy kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT và nhà đầu tư báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương giải pháp tổng thể xóa trạm thu phí trên quốc lộ 1 đoạn Cai Lậy -Tiền Giang.

Đồng thời tổ chức thu phí trở lại trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, giao ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Turng Lương - Mỹ Thuận và dự án tuyến tránh Cai Lậy quản lý, sử dụng nguồn thu tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương để đảm bảo việc vay và xóa bỏ trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Theo đề xuất này, việc thu phí tại tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương được giao cho Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 (nhà đầu tư dự án BOT Cai Lậy).

Ông Nguyễn Đức Kiên kết luận tại buổi làm việc - Video: MẬU TRƯỜNG

Sau khi nghe nhà đầu tư trình bày, ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đánh giá cao và ủng hộ đề xuất của nhà đầu tư dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông Việt Nam (VARSI) về việc thu phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Đặc biệt, phương án tổng thể gắn sự đồng bộ cao tốc với quốc lộ 1 để giải quyết, tháo gỡ tồn tại trên quốc lộ 1 mà gần 2 năm nay Bộ GTVT chưa giải quyết được tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.

"Chúng tôi rất ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp dự án. Nếu không có phương án cụ thể giữa quốc lộ 1 và cao tốc (cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận) thì tuyến tránh Cai Lậy sẽ “chết” ngay", ông Kiên nói.

Ông Kiên đề nghị Bộ GTVT sớm tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp dự án, đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết định.

Nếu không có phương án cụ thể, tuyến tránh Cai Lậy sẽ chết - Ảnh 4.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương tạm ngưng thu phí từ đầu năm 2019 đến nay, khiến nhiều vấn đề phát sinh như đường hư hỏng, tai nạn giao thông tăng cao - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết trong các phương án giải quyết vấn đề tồn tại tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh đã chọn phương án xây thêm một trạm thu phí tại tuyến tránh để thu phí song song cùng trạm trên quốc lộ 1.

Thời gian thu phí trở lại là sau Tết Nguyên đán 2020.

Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy dài 38,5km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỉ đồng, bao gồm tăng cường mặt quốc lộ 1 dài 26,4km và xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12km.

Trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 để thu phí cho hai tuyến đường.

Từ khi trạm đi vào hoạt động ngày 1-8-2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm và chính thức tạm ngưng thu phí từ ngày 14-12-2017 đến nay.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương có 6 làn xe được thiết kế tốc độ tối đa 120km/h. Tuy nhiên, do lượng xe cộ tăng trong thời gian qua nên hiện tốc độ tối đa đã giảm còn 100km/h.

Cuối năm 2018, cao tốc hết hợp đồng bán quyền thu phí. Đến nay, do việc thu phí chưa được triển khai lại nên lượng xe đổ từ quốc lộ 1 vào khá nhiều khiến giao thông hỗn loạn.

Chưa thu phí trở lại trạm BOT Cai Lậy vào ngày 25-3 tới Chưa thu phí trở lại trạm BOT Cai Lậy vào ngày 25-3 tới

TTO - Bộ GTVT cho biết do việc công tác rà soát, thống kê các phương tiện miễn giảm chưa hoàn thành nên trạm BOT Cai Lậy chưa thu phí trở lại vào ngày 25-3 như dự kiến trước đó.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên