19/06/2019 08:56 GMT+7

'Nếu ĐBSCL bị ảnh hưởng, GDP TP.HCM không thể chiếm 23% cả nước như hiện nay'

XUÂN LONG - MAI HƯƠNG - QUANG KHẢI
XUÂN LONG - MAI HƯƠNG - QUANG KHẢI

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "ĐBSCL diện tích hơn 4 triệu hecta và 20 triệu dân, đóng góp 20% GDP. Nếu tính cả TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, quy mô GDP vùng này sẽ chiếm hơn 60% GDP cả nước...".

Nếu ĐBSCL bị ảnh hưởng, GDP TP.HCM không thể chiếm 23% cả nước như hiện nay - Ảnh 1.

Biến đổi khí hậu khiến tình trạng sạt lở bờ biển gia tăng. Trong ảnh: rừng ven biển Bạc Liêu mất nhiều và tỉnh này đang trồng lại để gây bồi tạo bãi, hạn chế tình trạng sạt lở - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nếu ĐBSCL bị ảnh hưởng, GDP của TP.HCM cũng không thể chiếm 23% GDP cả nước như hiện nay. Vì thế, đầu tư và hỗ trợ cho ĐBSCL cũng có nghĩa là đầu tư cho cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Cần sớm có chính sách riêng nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông ở ĐBSCL, bởi hạ tầng giao thông kém đang là điểm nghẽn cho sự phát triển của khu vực này.

Nhiều đại biểu là lãnh đạo các địa phương và bộ, ngành đã kiến nghị như vậy tại buổi sơ kết 2 năm thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), do Thủ tướng chủ trì ngày 18-6.

Gỡ "điểm nghẽn" hạ tầng giao thông

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ĐBSCL, với diện tích hơn 4 triệu hecta và 20 triệu dân, đóng góp 20% GDP, có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cả nước. Nếu tính cả TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, quy mô GDP vùng này sẽ chiếm tới hơn 60% GDP cả nước nên vai trò của ĐBSCL và TP.HCM với cả nước là rất quan trọng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một trong những "điểm nghẽn" hiện nay chính là vấn đề hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL, khả năng kết nối liên vùng. Do đó, nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới là đầu tư cho cơ sở hạ tầng của các vùng nhiều hơn nữa. 

"Dứt khoát phải đẩy nhanh việc hoàn thiện sớm các dự án đã được quy hoạch. Cái gì chưa làm được phải làm cho được, làm cho xong tuyến đường TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2020-2021. Năm nay sẽ ưu tiên, dồn sức làm dứt điểm cho xong" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định Chính phủ sẽ bố trí lại nguồn lực, bổ sung nguồn lực ưu tiên cho ĐBSCL, Thủ tướng cũng cho rằng thị trường vốn ở ĐBSCL còn rất kém phát triển, nên cần thúc đẩy quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn, khuyến khích cho vay các lĩnh vực giúp chuyển đổi cơ cấu nhanh chóng, tăng cường năng lực. 

Do đó, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế huy động vốn, thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư, các dự án thích ứng với BĐKH.

"Ngoài ra, cần nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực trung ương, địa phương, ODA, FDI với cam kết một nguồn vốn khoảng 2 tỉ USD tăng thêm so với giai đoạn 2016-2020 để dành riêng cho ĐBSCL đầu tư các dự án mang tính liên vùng đang là điểm nghẽn phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải vùng ĐBSCL" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại nghị quyết 120 đặt vấn đề thúc đẩy triết lý phát triển thuận thiên, tức là dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, Thủ tướng khẳng định điều đó không có nghĩa là cam chịu, cũng không phải là xuôi tay trước những thành phố, khu dân cư, bờ sông, bờ biển sạt lở không còn gì. 

"Trong thách thức cũng có cơ hội, vấn đề là cách tư duy, cách nhìn, ví như với tình trạng xâm nhập mặn, với cây lúa sẽ là thách thức, nhưng với con tôm thì đó là cơ hội, tận dụng thì đó là cơ hội phát triển bền vững" - Thủ tướng lưu ý.

Sẽ bổ sung 45.000 tỉ cho ĐBSCL

Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan mang đến "vài câu chuyện khiến chúng ta phải nhìn lại". Dẫn trường hợp một doanh nghiệp Úc đầu tư ở Đồng Tháp khẳng định không nhiều người biết về Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu..., nhưng "nói về Mekong Delta thì ai cũng biết", ông Hoan đề nghị "phải chung tay tạo dựng thương hiệu Mekong Delta".

Ông Nguyễn Văn Giàu - chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - bày tỏ lo ngại trước thực tế ĐBSCL đang trở thành "vùng trũng" của cả nước trong phát triển và đây là "một thực tế đau lòng". 

Vào năm 2011, theo ông Giàu, thu nhập bình quân đầu người ở ĐBSCL hơn hẳn cả nước nhưng đến năm 2018, trong khi thu nhập bình quân đầu người cả nước đạt trên 58 triệu đồng, khu vực ĐBSCL không đạt được mức ấy.

Không chỉ là "vùng trũng" về phát triển kinh tế, ĐBSCL còn đang là "vùng trũng" về cơ sở hạ tầng khi thiếu hệ thống cảng nước sâu, đường sắt, trong khi đường thủy và đường bộ lại manh mún, chưa kết nối. 

"Chúng ta phải hành động, nếu không vùng này sẽ mãi tụt hậu. Sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương là có nhưng chưa đủ sức. Các chính sách nên tập trung cho ĐBSCL trong vòng 10 năm thì nơi này sẽ đi lên" - ông Giàu kiến nghị.

Cũng theo ông Giàu, cần xác định mũi nhọn đầu tư vào kết cấu hạ tầng, mở đường cao tốc, phát triển đường sắt về khu vực ĐBSCL. Dự án nào đang thi công thì đẩy nhanh. Cái nào trong quy hoạch đến năm 2030 thì rút ngắn còn đến năm 2025. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định ngân sách trung ương đã đầu tư nhiều hơn cho ĐBSCL trong thời gian qua, nhưng chưa đủ so với nhu cầu phát triển.

Do đó, theo ông Dũng, Bộ KH-ĐT đang nghiên cứu đề nghị bổ sung thêm 45.000 tỉ đồng cho ĐBSCL trong 5 năm tới, một nửa trong số này chi từ ngân sách và nửa còn lại từ nguồn huy động khác. 

"Chúng ta sẽ có cơ chế riêng cho nguồn vốn này để xử lý các dự án cấp bách, như các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án thích nghi với BĐKH" - ông Dũng nói, đồng thời cho biết thêm số vốn đầu tư nêu trên nằm trong ngưỡng tính toán hết sức an toàn, trong khả năng và khả thi.

Nếu ĐBSCL bị ảnh hưởng, GDP TP.HCM không thể chiếm 23% cả nước như hiện nay - Ảnh 4.

Tuyến đường N2 (qua vùng Đồng Tháp - tứ giác Long Xuyên) là một trong 3 trục đường lớn phải đầu tư - Đồ họa: NHƯ KHANH

Ưu tiên hạ tầng kết nối vùng

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng việc triển khai chậm về hạ tầng giao thông là trở lực lớn nhất cho sự phát triển kinh tế không chỉ ở ĐBSCL mà cả ở TP.HCM. Thời gian qua, ĐBSCL và TP.HCM đóng góp khoảng 42% GDP nhưng việc đầu tư hạ tầng giao thông chỉ khoảng 20-25%.

Để có nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, ông Nhân kiến nghị cho thành phố được giữ lại 20% trong mức 80% ngân sách đóng góp về trung ương, cần thiết có thể phát hành trái phiếu chính phủ trong nước. Theo ông Nhân, cần tập trung thực hiện 9 dự án trọng điểm gồm: 2 tuyến đường vành đai (vành đai 3 - 4), 3 đường trục dọc và 4 tuyến đường trục ngang mà Bộ GTVT đề xuất.

"Cần có sự thay đổi về nhận thức trong việc quyết định tỉ trọng đầu tư hạ tầng giao thông tương ứng với mức đóng góp kinh tế. Trong 15 năm qua, đầu tư giao thông cho TP.HCM và Tây Nam Bộ thấp so với cả nước thì trong 10 năm tới cần đầu tư nhiều hơn bù lại" - ông Nhân kiến nghị.

Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Thể - bộ trưởng Bộ GTVT, ngành giao thông sẽ tập trung tăng sự kết nối giữa TP.HCM và ĐBSCL và giữa ĐBSCL với Campuchia. Trong đó sẽ ưu tiên đầu tư đẩy nhanh tiến độ cao tốc TP.HCM - Cần Thơ; mở rộng quốc lộ 60 cùng với xây dựng mới cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi để hình thành trục phía đông; đầu tư nâng cấp tuyến đường N2 qua vùng Đồng Tháp - tứ giác Long Xuyên.

Khu vực ĐBSCL cũng cần phát triển ba tuyến trục ngang kết nối với các trục dọc và Campuchia. Điển hình như tuyến cao tốc từ Trà Vinh - Tiền Giang - Đồng Tháp nối qua Campuchia (giúp kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận - Cần Thơ); cao tốc nối từ Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang - Campuchia và cao tốc Bạc Liêu - Kiên Giang - Campuchia.

Ngoài ra, theo ông Thể, việc đầu tư vành đai 3 và vành đai 4 trên địa bàn TP.HCM cũng sẽ được tập trung, bởi đây là những tuyến đường không chỉ kết nối ĐBSCL với TP.HCM mà còn vùng Đông Nam Bộ, tránh các phương tiện đi xuyên tâm TP.HCM gây áp lực giao thông thành phố. 

"Bộ GTVT đang nghiên cứu đề xuất Thủ tướng phê duyệt quy hoạch về cảng nước sâu tại khu vực ĐBSCL để mời gọi nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia" - ông Thể cho biết.

Ông Nguyễn Chí Dũng (bộ trưởng Bộ KH-ĐT): Cần Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL

Cần xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ hiệu quả cho vùng ĐBSCL. Cụ thể là lập Hội đồng điều phối vùng với chủ tịch là Thủ tướng hoặc phó thủ tướng và thành viên gồm lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Hội đồng điều phối vùng phải có đủ thẩm quyền để quyết định các vấn đề của vùng, từ quy hoạch, liên kết đến bố trí vốn. Ngoài ra, hội đồng còn có vai trò giải quyết các xung đột trong quá trình phát triển. Đây không phải là một cấp hành chính, không làm phát sinh biên chế, không tạo ra gánh nặng cho ngân sách.

Ông Nguyễn Xuân Cường (bộ trưởng Bộ NN&PTNT): Phải giảm lúa, tăng thủy sản, trái cây

Để ĐBSCL "thịnh vượng, an toàn, bền vững", phải triển khai nhiều nhóm giải pháp, quan trọng là xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả.

Phát huy ưu thế của các sản phẩm đặc thù địa phương có giá trị để phát triển ĐBSCL thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù. Ngoài ra, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp "đầu tàu", ưu tiên tạo đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp.

Là đối tác phát triển của VN, chúng tôi cam kết hỗ trợ ĐBSCL thực hiện nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã huy động khoảng 1,6 tỉ USD cho các hoạt động tại ĐBSCL, phần lớn đều gắn với nghị quyết 120. Trong thời gian tới, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ huy động ít nhất 880 triệu USD để triển khai tiếp nghị quyết 120.

Ông Ousmane Dione (giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN)

Ông Trần Hồng Hà (bộ trưởng Bộ TN-MT): Kết nối vùng đang được thúc đẩy

Nghị quyết 120 đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách.

Tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL năm 2018 đạt mức ấn tượng, lên tới 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây, cao hơn bình quân chung cả nước 7,08%. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỉ USD.

Đặc biệt, kết nối liên vùng đang được thúc đẩy thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TP.HCM. Từ khi nghị quyết được ban hành đến nay, hơn 10.607 tỉ đồng đã được bố trí để triển khai hàng loạt dự án như cầu Mỹ Thuận 2, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ...

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là vấn đề thể chế điều phối vùng chưa được nghiên cứu, chưa có cơ chế để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng, để đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông.

Không chỉ kết nối hạ tầng, 13 địa phương ĐBSCL phải Không chỉ kết nối hạ tầng, 13 địa phương ĐBSCL phải 'bước cùng nhau'

TTO - Đại diện các địa phương đồng bằng sông Cứu Long (ĐBSCL), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng ngoài kết nối về hạ tầng, lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL phải 'bước' cùng nhau để tạo ra được những thương hiệu chung của vùng.

XUÂN LONG - MAI HƯƠNG - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên