Khi tôi vào tuổi đi học thì làng quê tôi trở thành một vùng chiến sự. Trường học đóng cửa, lũ trẻ như tôi không được đến trường. Vào khoảng giữa năm 1968, mẹ tôi đưa gia đình đến ở một làng quê xa vùng chiến sự. Nhiều người quen của mẹ đến thăm. Tôi là đứa trẻ lên 8 được nhiều người quan tâm, hỏi han nhiều nhất. Rồi một hôm, có người đàn ông trạc tuổi trung niên ghé chơi. Mẹ tôi không có nhà. Ông hỏi tôi về chuyện học hành. Khi biết tôi chưa đi học, ông nói:
- Sáng mai, con nói mẹ đưa con đến nhà thầy Lữ để vào học mẫu giáo. Không cần mang vở tập chi hết.
Mẹ về, tôi kể lại chuyện. Mẹ dặn dò tôi đủ thứ. Sáng hôm sau, mẹ dẫn tôi đến nhà thầy từ rất sớm. Thầy Lữ đón tôi ở cửa nhà và dặn mẹ tôi đừng lo lắng, trưa thầy sẽ đưa tôi về nhà. Thầy dẫn tôi vào nhà, chỉ chỗ cho tôi ngồi rồi thầy lấy từ hộc bàn ra một quyển sách học vần đưa cho tôi:
- Con đọc được những trang sách này không?
- Dạ thưa thầy, con đọc được ạ!
Vừa đáp lời thầy, tôi cao hứng đọc cả một đoạn dài…
Thầy nhìn tôi rồi hỏi tiếp:
- Con có biết viết không?
Tôi nhìn cây viết rồi im lặng vì không biết trả lời thầy ra sao. Thật ra tôi cũng biết viết nhưng chỉ là những chữ viết mà tôi lấy que vạch xuống đất chứ cầm bút chì viết vào tờ giấy thì tôi chưa viết bao giờ nên tôi đáp lí nhí:
- Thưa thầy, con chưa biết viết bằng bút chì đâu ạ!
Như chợt hiểu ra, thầy Lữ gật gù:
- Thế là con đã đọc thông nhưng chưa viết thạo. Còn một tháng hè này, thầy sẽ dạy con tập viết để vào đầu tháng 8 con lên học ở trường tiểu học. Từ hôm nay, con chính thức trở thành học trò của thầy. Bây giờ, con vào lớp học nhé.
Gọi là lớp học cho oai chứ thật ra chỉ có mấy dãy bàn kê tạm với vài ba băng ghế làm bằng những thanh tre ghép lại nằm bên chái ngôi nhà thờ họ của thầy. Lớp chỉ chừng hai mươi đứa nhỏ, tôi nhìn và biết chắc chúng nhỏ hơn tôi vài tuổi. Thầy dắt tôi đến dãy bàn cuối và nói với cả lớp:
- Trò Luynh mới theo gia đình đến trọ làng mình. Trò Luynh sẽ cùng học với các con.
Ngay từ hôm đầu tiên, thầy đã ra cho tôi viết tập cả chục chữ cái. Thầy viết xong hàng chữ mẫu trên bảng thì đi xuống cuối lớp chỉ tôi cách ngồi ngay ngắn, cách cầm viết. Bàn tay nhỏ xíu của tôi nằm gọn trong bàn tay ấm áp của thầy. Thầy bắt đầu tập cho tôi viết những chữ cái đầu tiên. Đến trưa, thầy đưa tôi về nhà và dặn tôi phải viết hết các chữ thầy đã viết mẫu trong vở.
Học được với thầy Lữ nửa tháng thì tôi đã viết thạo, hàng chữ cũng đều tăm tắp như chữ của thầy. Mỗi khi thầy bận công chuyện, tôi được thầy giao cho việc giữ gìn trật tự và chỉ các bạn nhỏ học đánh vần.
Hết hè, thầy Lữ xin cho tôi và những đứa nhỏ ở lớp của thầy vào học lớp 1 ở Trường tiểu học Cộng đồng An Lợi. Ngay buổi học đầu tiên tôi đã thấy mình không thể ngồi học ở lớp 1 được vì tôi đã biết đọc, biết viết, biết làm toán rồi. Lúc ra chơi, tôi còn gặp những đứa bạn cùng tuổi, cùng quê tôi đang học lớp 3.
Tan học về nhà tôi nói với mẹ:
- Mẹ hãy xin các thầy cho con lên học lớp 3 đi ạ!
Mẹ tôi nghe vậy thì tròn mắt:
- Nhưng con còn chưa học xong lớp 1 mà?
Thật may là mẹ tôi có quen với bà giáo vợ của thầy hiệu trưởng nên ngay trong chiều đó mẹ tôi dẫn đến nhà thầy. Thầy hiệu trưởng Phan Cử niềm nở đón mẹ con tôi từ ngoài cổng khiến tôi an tâm phần nào. Sau khi nghe mẹ tôi trình bày nguyện vọng của tôi, thầy Phan Cử nói:
- Thôi được, thầy cho con lên học lớp 3. Nếu con không học được thì xuống học lại lớp 1 nhé.
Thầy dạy tôi ở lớp 3 không ngờ lại chính là thầy hiệu trưởng. Thầy xếp tôi ngồi ở bàn đầu. Buổi học đầu tiên của tôi ở cái lớp 3 này là giờ đức dục và tôi đã xuất sắc khi xung phong kể lại câu chuyện thầy vừa kể cho cả lớp nghe. Thầy nói với cả lớp:
- Trò Luynh tuy là học sinh mới nhưng đã mạnh dạn và kể được cả câu chuyện, thầy cho trò Luynh 10 điểm.
Những buổi học sau đó tôi đều làm được bài. Nhưng đến đầu giờ ngày thứ sáu thì một thầy giáo mới đến dạy lớp tôi. Thầy Phán bước vào lớp sau khi giới thiệu thầy sẽ dạy lớp 3 từ nay cho đến hết năm. Thầy nói với cả lớp:
- Hôm nay, trong giờ chính tả, nếu ai viết sai một lỗi sẽ bị phạt một roi!
Tôi chưa viết chính tả bao giờ nên không biết viết ra sao nhưng cũng không dám hỏi ai nên cứ thấy thầy giáo đọc, các bạn viết thì viết theo. Và thế là tai họa ập xuống đầu tôi với mười hai lỗi chính tả. Thầy Phán gọi tôi lên chịu phạt. Tôi nằm sấp trên băng ghế dài và bị các bạn đạt điểm cao quất vào mông những lằn roi mây đau điếng. Lúc đầu tôi cố cắn răng chịu đựng vì cứ nghĩ việc đòi lên học lớp 3 là tự tôi chứ không ai bắt ép, nhưng sau đó bị đánh đau quá tôi khóc thét lên. Cuối buổi học, thầy Phán gọi tôi lại và nói:
- Nếu trò không cố gắng tập viết chính tả, thầy cho xuống lớp dưới học lại.
Tôi ra về, mông vẫn còn rất đau rát nhưng không dám khóc. Tôi vô cùng sợ hãi nếu phải xuống học lớp dưới thì thật xấu hổ. Đến nhà, tôi giấu biến đi chuyện bị mười hai lỗi chính tả và bị đánh mười hai roi ở lớp. Ăn cơm trưa xong thì thầy Lữ đến, thầy gọi tôi ra và nói:
- Thầy biết chuyện của con ở lớp sáng nay rồi. Con đừng lo, từ hôm nay mỗi chiều con đến nhà thầy, thầy sẽ dạy con viết chính tả.
Liên tục trong một tuần như thế, thầy đọc cho tôi viết và thầy sửa lỗi chính tả cho tôi. Chiều tối thứ năm thầy dặn:
- Sáng mai có giờ chính tả, con bình tĩnh mà viết, không có gì khó đâu. Con viết chính tả tốt lắm rồi.
Bài viết chính tả thứ hai của tôi ở lớp là một bất ngờ lớn với thầy Phán. Thầy cho tôi điểm 10 và biểu dương trước lớp.
Năm 1982 Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức cuộc thi thơ viết về Ngày nhà giáo Việt Nam. Tôi là sinh viên khoa ngữ văn nên được các thầy động viên làm thơ dự thi và tôi đã viết bài “Nét chữ thầy” với cảm xúc rất thật về thầy Lữ - người thầy cầm tay tôi viết những nét chữ đầu tiên. Bài thơ đoạt giải và được thầy Bùi Mạnh Nhị lúc đó là giảng viên khoa văn đưa vào trong một bài viết nhân ngày 20-11 trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Tôi sung sướng vô cùng và đã cắt nguyên cả bài viết trân trọng xếp lại để vào phong bì gửi cho thầy Lữ.
Nửa tháng sau, tôi nhận được thư con trai của thầy báo thầy đã ra đi trước đó nửa tháng. Con trai của thầy Lữ cho tôi biết anh đã đọc bài thơ trong một buổi cúng cơm cho thầy và anh cũng đã hóa vàng cả bài báo để nơi suối vàng thầy có được một niềm vui nho nhỏ về những đứa học trò ngày xưa nay đã trưởng thành nhờ sự dìu dắt quý giá của thầy.
Xuân Tân Mão 2011
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận