Ông Long cho rằng giá điện hiện chưa đủ minh bạch và có thể cần mời các tổ chức nước ngoài thẩm định giá của Tập đoàn Điện lực VN.
Ông Ngô Trí Long - Ảnh: C.V.K. |
Căng thẳng vì giá điện tăng mạnh
Ông Ngô Trí Long nói:
- Mỗi lần tăng giá điện, nói thật ở góc độ người tiêu dùng không ai muốn tăng cả, nên ý kiến phản đối cũng là dễ hiểu. Nhưng để phát triển lâu dài, đảm bảo đầu tư vào ngành điện và thực tế chỉ có một mình Tập đoàn Điện lực (EVN) bán điện, nên người dân phải chấp nhận. Sự chấp nhận có phần chưa thoải mái đó và tâm lý phản đối tăng giá không phải tự nhiên mà có. Vì EVN chưa công khai minh bạch, trong khi người dân đã được nghe nói nhiều đến vấn đề lương thưởng của EVN, rồi đầu tư ngoài ngành thua lỗ, những kết quả kiểm toán không hay, nhất là tăng giá khi chất lượng điện nhiều nơi không được cải thiện.
Chưa đủ công khai
* Các tập đoàn không ai công nhận mình mù mờ, kém công khai minh bạch cả. Giá điện cũng đã được khẳng định sẽ theo cơ chế thị trường rồi...
- Nói giá điện cần theo thị trường, nhưng những cái đi liền với giá là chất lượng phục vụ, là sự cạnh tranh lại chưa có! Trong các thông báo hằng tháng gần đây, EVN đều nói... cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện. Cơ bản là như thế nào? Anh đáp ứng được bao nhiêu, chất lượng điện thế nào, bao nhiêu khách hàng bị cắt điện trong tháng, thời gian cắt bao nhiêu, đền bù thiệt hại thế nào... Lần nào cắt điện cũng bảo sự cố. Nhưng điện lực có bao giờ công bố số lần sự cố thuộc địa bàn mình để dân biết, giám sát không? Cơ bản những cái đảm bảo quyền của dân thì anh không nêu. Thế đã đủ công khai chưa? Cái quan trọng nhất cho người dân thì anh giấu, cái nào là thành tích thì nêu. Tiếc là không có cơ quan nhà nước nào đứng ra công bố cái đó, để buộc EVN phải cố gắng nâng cao chất lượng, với kết quả so sánh, định lượng được.
Hay mới nhất, Chính phủ hôm trước yêu cầu công khai minh bạch, tham khảo ý kiến... khi tăng giá thì ngay hôm sau rất nhiều doanh nghiệp, người dân “giật mình ngã ngửa” khi EVN tuyên bố tăng giá điện với một thông báo chưa đến một trang A4...
* Theo quy định, giá thành sản xuất điện của EVN sẽ được kiểm toán và công khai. Là chuyên gia về giá, ông thấy mức độ công khai đã đủ để hiểu rõ về giá thành của EVN chưa?
- Chưa đủ. Tôi đồng tình với ý kiến các chuyên gia khi cho rằng công khai không phải đưa một cục mà phải đưa chi tiết. EVN là tập đoàn, có mục tiêu lợi nhuận. Nó theo mô hình liên kết dọc, hạch toán toàn ngành nên vốn đã rất khó phát hiện những vấn đề tài chính, chi phí. EVN có tổng chi phí rất khổng lồ, như năm 2012 tổng doanh thu của họ là 143.000 tỉ đồng (khoảng 7 tỉ USD), họ chỉ lãi khoảng 5.000 tỉ, như vậy chi phí của EVN là trên 100.000 tỉ. Trong đó các khoản chi được sử dụng thế nào, chi phí điều hành hợp lý không... là những câu hỏi lớn.
Bên cạnh đó là huy động thủy điện, điện than, điện chạy khí thế nào... Nếu công bố một cục về chi phí thì chi phí tốt, chi phí không tốt, bất hợp lý, hoặc hợp pháp nhưng không hợp lý thế nào là... không thể biết được. Nếu không đưa chi tiết thì tất cả những khoản như thế không ai biết, thi thoảng có vụ nào bị phát hiện thì dân mới giật mình. Trong khi tất cả chi phí đó đều được đưa vào giá điện và EVN thì luôn kêu giá điện thấp, chi phí của họ đã tăng cao.
* Nghĩa là giá điện có thể tăng, nhưng các cơ quan nhà nước cần quyết liệt đòi EVN công khai hơn nữa?
- Nhà nước đã công khai các khoản chi, chẳng lẽ ở EVN có những khoản chi phải bí mật hơn? Tại VN, không ít đối tượng sẵn sàng trả tiền điện cao, nhưng đi kèm phải là chất lượng tăng tương ứng và phải minh bạch. Vì mất điện đột ngột, người tiêu dùng có thể bị hư hỏng thực phẩm, hộ kinh doanh có thể hỏng cả lô hàng đang bảo quản lạnh, doanh nghiệp thậm chí mất cả tỉ đồng để đốt lại lò... Rất nhiều người bị cắt điện không báo trước, nhưng hiện có mấy người được đền bù? Họ cứ nói sự cố đột xuất là xong. Người tiêu dùng điện hiện nay vẫn ở thế yếu nên mỗi khi EVN tăng giá điện là lại có bất bình. Vì thế để tăng đồng thuận, chia sẻ của người dân, EVN cần công khai hơn nữa, chấp nhận cho người dân giám sát cả những thứ mà trước nay chỉ nội bộ biết với nhau.
Thẩm định phải am hiểu kỹ thuật
* Hiện nay mỗi lần tăng giá điện đều có thẩm định của Bộ Công thương, Bộ Tài chính. Việc thẩm định này nên có sự tham gia của các tổ chức xã hội độc lập để tăng khách quan, tránh khả năng có nhóm lợi ích?
- Tôi từng làm ở Bộ Tài chính nên tôi biết rõ Bộ Tài chính chưa đủ trình độ để thẩm định giá điện của EVN. Cục Quản lý giá mỗi lần thẩm định cũng chỉ có một vài cán bộ đứng ra làm. Đó là chưa kể có trường hợp sang thẩm định giá, nhưng xong thì cán bộ được yêu cầu... trả lại tài liệu. Lý do là đó chưa phải phương án cuối cùng, là vấn đề nhạy cảm, chưa thể công khai. Nói chung Bộ Tài chính có cán bộ am hiểu kinh tế chứ không am hiểu kỹ thuật, mà không hiểu kỹ thuật thì khó đủ lý lẽ để bác bỏ những biện giải của đối tượng thẩm định. Đơn giản như có vật tư anh điện bảo đã dùng xong, nhưng nó có thể sử dụng vào việc khác thế nào thì chỉ anh điện mới hiểu được. Tại các nước, việc định giá, thẩm định giá phải để các tổ chức am hiểu vấn đề tài chính kỹ thuật đưa ra, chứ không hẳn phải là cơ quan nhà nước quản lý chung.
* Nghĩa là theo ông, cần thuê tổ chức nước ngoài thẩm định giá?
- Theo tôi biết, kiểm toán khi tiến hành nhiệm vụ ở EVN đã phải phối hợp với cán bộ điện ở Đại học Bách khoa để đi kiểm toán. Họ cũng nhận ra những vấn đề kỹ thuật cần phải có chuyên môn mới đánh giá hết được. Nhưng các nhà lý thuyết không thể hiểu hết tất cả vấn đề thực tiễn phát sinh. Vì vậy theo tôi, cần tính toán thuê các tổ chức thẩm định giá nước ngoài vào thẩm định lại giá của EVN. Nước ngoài họ có những tổ chức thẩm định chuyên ngành sâu, am hiểu lĩnh vực điện. VN cần có những tổ chức định giá độc lập và mạnh. Ta chưa làm được thì nên mời nước ngoài tham gia.
Có thể tác động đến sự hồi phục của doanh nghiệp “Giá điện tăng có thể ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp. Tôi nghĩ giá điện tăng lần này không chỉ ảnh hưởng đến tăng giá sản phẩm, mà trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa mới hồi phục, xu hướng chưa rõ ràng, giá điện tăng có thể tác động đến sự hồi phục của họ. Bởi nhiều doanh nghiệp không tăng được giá do sức mua yếu. Doanh nghiệp có thể lại bị khó khăn do lợi nhuận giảm, tồn kho... Cứ nói tăng giá điện tác động không đáng kể, nhưng giá điện tăng, chi phí sản xuất tăng một ít, giá sản phẩm tăng một ít, ra đến siêu thị thì siêu thị cũng có thể phải tăng chiết khấu một ít nữa... Cộng nhiều khâu vào thì giá tăng không phải ít” - PGS.TS Ngô Trí Long. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận