Ngày 1-8: giá điện lại tăng lên 1.508đ/kWhHôm trước báo tăng giá, hôm sau tất bật chốt chỉ số điện
Phóng to |
Giá điện tăng 5% không chỉ làm gia tăng chi phí điện phục vụ sản xuất của Công ty CP Sáng tạo công nghiệp (Q.12, TP.HCM) lên trên 6%, mà chi phí nguyên vật liệu cũng đột ngột tăng giá, trong khi giá đầu ra khó lòng tăng thêm nên các hợp đồng đã ký của công ty này có thể phải bù lỗ - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Phóng to |
Giá điện tăng khiến nhiều doanh nghiệp thêm khó khăn. Trong ảnh: công nhân Công ty cổ phần Sáng tạo công nghiệp, Q.12, TP.HCM đang làm việc - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo các doanh nghiệp, giá điện sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận vốn đã ít nay sẽ teo tóp hơn. Đồng vốn để tích lũy cho đầu tư phát triển ngày càng eo hẹp.
Khó chồng khó
Tại nhà xưởng Công ty cổ phần Sáng tạo công nghiệp (lô 10A, Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM), trong khi công nhân đang miệt mài làm việc thì ban lãnh đạo cũng phải ngồi tính toán lại giá trị của hợp đồng sau khi giá điện đột ngột tăng 5%.
Ông Phùng Bùi Tuấn Nghĩa, giám đốc sản xuất công ty, cho biết vừa ký một hợp đồng với đối tác trong nước trị giá hơn 70 tỉ đồng cách nay ba tuần, chưa kịp vui thì giá xăng và giá điện tăng đột ngột, công ty đang sốt vó tìm phương án... bù lỗ cho hợp đồng này. Bởi với mức tăng giá điện lần này, chi phí tiền điện hằng tháng của công ty tăng lên hơn 6%.
“Vừa rồi là giá xăng và nay giá điện tăng, giá thành sản phẩm của công ty bị đội lên thêm ít nhất là 3% nữa. Ngay trong hôm qua chúng tôi đã phải họp bàn và buộc phải tăng quỹ dự trữ biến đổi lên 10%. Nhưng điều lo ngại nhất với chúng tôi là giá đầu ra khó mà tăng thêm, bởi đơn hàng vẫn chưa có gì khả quan” - ông Nghĩa lo lắng.
Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất, với việc giá xăng và điện đồng loạt tăng đã đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn hơn, giá đầu vào bị đội lên cao trong khi đầu ra của hầu hết sản phẩm đều đang bị thu hẹp.
Đại diện Công ty may túi xách Hương Mi (TP.HCM) cho biết chưa kịp tính toán giá điện tăng sẽ khiến chi phí tăng cụ thể bao nhiêu, nhưng khẳng định hoạt động sản xuất của công ty sẽ bị tác động mạnh cả trực tiếp và gián tiếp.
Trực tiếp là hầu hết khâu sản xuất của công ty đều sử dụng điện, chi phí về điện đội lên không ít. Còn gián tiếp là các nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng chịu tác động bởi giá điện tăng, nên có thể họ sẽ tăng giá bán để bù đắp chi phí mà họ phải chịu.
Vị này thừa nhận thời gian qua tiêu thụ đang rất khó khăn, nếu bây giờ tăng giá sản phẩm sẽ bị người tiêu dùng bỏ rơi, nhưng nếu không tăng giá bán doanh nghiệp càng gặp khó khăn hơn.
“Đầu vào thì tăng giá, trong khi đầu ra không tăng được, lợi nhuận của các doanh nghiệp vốn đã ít ỏi nay càng teo tóp hơn. Cứ nói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng các chi phí đầu vào lại lũ lượt tăng, doanh nghiệp chẳng được hỗ trợ bao nhiêu. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, doanh nghiệp không thể nào ngóc đầu lên được nói gì đến tích lũy để phát triển sản xuất, thị trường cho tương lai” - phó giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tại TP.HCM nói.
TS Nguyễn Đức Thắng (vụ trưởng Vụ Giá, Tổng cục Thống kê): Sẽ tác động đến CPI khoảng 0,12% Với việc tăng giá điện 5% từ ngày 1-8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2013 dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 0,12%. Đây là mức tác động vòng một, trực tiếp lên giá cả. Còn tác động vòng hai vào sản xuất, rồi từ sản xuất khiến giá thành các sản phẩm tăng thế nào thì chưa tính được. Việc tăng giá điện sẽ có tác động đến CPI cả năm 2013, nhưng khả năng năm 2013 này hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao là lạm phát dưới 7% vẫn có thể thực hiện được. Ông Vũ Vinh Phú (chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội): Tạo mặt bằng giá mới Chính phủ vừa chỉ đạo công khai, minh bạch nhưng tôi thấy lần tăng giá điện này chưa thật minh bạch, chưa đủ công khai. Độc quyền, không công khai nên người dân dễ bức xúc. Tăng giá nhưng EVN không nói họ đã xử lý đầu tư ngoài ngành thế nào, thoái vốn ra sao, tổn thất điện năng, lỗ lãi năm 2013 thế nào... Cứ nói tăng giá điện tác động không đáng kể, nhưng chi phí sản xuất sẽ tăng, giá thành sản phẩm bị đội lên... cộng nhiều khâu vào thì giá tăng không phải ít. Nó có thể tạo ra một mặt bằng giá mới và người nghèo sẽ bị thiệt nhất. Ông Vũ Đình Ánh (chuyên gia tài chính): Bị buộc phải chấp nhận giá ngành điện đưa ra Việc tính giá điện theo giá thị trường là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn có giá thị trường thì phải có thị trường cạnh tranh. Trong một thị trường cạnh tranh, nếu giá sản phẩm A tăng thì người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm B có giá mềm hơn, nên doanh nghiệp buộc phải cân nhắc mỗi lần điều chỉnh giá. Còn điện thì lại khác, người tiêu dùng đang bị buộc phải chấp nhận giá mà ngành điện đưa ra. C.V.KÌNH - L.THANH ghi |
Sa thải nhân công, cắt giảm đơn hàng
“Giá điện cùng các chi phí đầu vào khác tăng mạnh cũng giống “hố tử thần” khiến các doanh nghiệp té nhào khi đang gắng gượng đứng lên sau đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua. Doanh nghiệp chưa hết “cảm cúm” nay tiếp tục “trúng gió” sẽ rất khó có thể phục hồi” - ông Trần Quốc Mạnh, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), bức xúc.
Theo tính toán của ông Mạnh, chi phí điện chiếm gần 5% trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp này. Thời gian qua, chỉ riêng chi phí tiền điện sản xuất mà doanh nghiệp phải trả bình quân khoảng 240 triệu đồng/tháng. Với mức tăng của giá điện áp dụng từ đầu tháng 8-2013, doanh nghiệp phải trả thêm gần 15 triệu đồng/tháng. “Có thể nhiều người cho rằng con số này không nhiều, nhưng đâu chỉ có chi phí tiền điện mà còn hàng loạt chi phí khác như xăng dầu, gas..., chưa kể giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng 10-15%, chi phí đầu vào vì thế đội lên mạnh. Trong khi giá đầu vào tăng mạnh, giá xuất hàng lại đang ở mức thấp nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận để duy trì sản xuất. Thậm chí nếu không nhanh tay, các doanh nghiệp đối thủ từ Trung Quốc, Malaysia... lập tức nhảy vào” - ông Mạnh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Chương, giám đốc Công ty TNHH SXTMDV Văn Chương (TP.HCM), lại cho rằng hệ lụy lớn nhất của việc tăng giá điện không phải là những chi phí cộng thêm doanh nghiệp phải trả mà là niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách, thị trường giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, công ty phải liên tiếp thực hiện các chương trình tiếp thị, bán hàng giảm giá để đẩy nhanh đầu ra, quay vòng vốn nhưng vẫn không mấy khả quan. “Trong ba năm gần đây chúng tôi hoàn toàn mắc kẹt vì thị trường địa ốc, xây dựng bị nghẽn. Trong khi người tiêu dùng có tâm lý thắt lưng buộc bụng, chỉ bỏ tiền mua những sản phẩm thiết yếu khiến thị trường bán lẻ mặt hàng nội thất càng bị bế tắc” - ông Chương nói. Thời gian qua, công ty đã cắt giảm hơn 50% số nhân công do khó khăn về thị trường, với chi phí đầu vào tăng, chưa biết sắp tới có thể duy trì số nhân công hiện nay hay tiếp tục cắt giảm.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết những tháng cuối năm là mùa làm ăn của doanh nghiệp gỗ nhưng nhiều đơn vị không dám tiếp cận đơn hàng lớn do những biến động khó đoán của giá đầu vào. Những rủi ro về giá đầu vào khiến doanh nghiệp không thể tận dụng được cú hích của những đơn hàng dịp cuối năm. “Hệ lụy của việc không dám tiếp nhận đơn hàng những tháng cuối năm này sẽ được nhìn thấy rõ ràng nhất trong các tháng đầu năm 2014 và những năm tiếp theo. Khi đó doanh nghiệp không còn đủ sức gắng gượng và “chết” vào thời điểm làm ăn khó khăn” - ông Khanh lo lắng.
Ông Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế): Cần minh bạch chi phí giá điện Việc giá điện tăng chắc chắn sẽ bồi thêm một đòn đau vào các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ. Trong đó, lĩnh vực thép và ximăng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với hàng loạt chi phí từ giá xăng dầu, giá nước, giá gas... tăng mới đây, doanh nghiệp vốn đang khó khăn nay càng khó hơn, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế sẽ không còn ý nghĩa bởi họ có lợi nhuận nữa đâu mà đóng thuế. Có thể vì thị trường còn quá nhiều khó khăn nên doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng sớm hay muộn họ cũng phải tăng giá và người tiêu dùng lãnh đủ. Điều gây bức xúc nhất cho người dân là cơ cấu các chi phí trong giá điện cụ thể như thế nào chưa được công khai, minh bạch. Ngành điện cần có lộ trình công bố dài hạn về giá điện, đồng thời minh bạch chi phí giá, công bố việc tiết kiệm chi phí của họ, giảm hao tổn điện năng ra sao, từ đầu năm đến nay họ đã thực hiện như thế nào... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận