12/04/2012 05:54 GMT+7

Nên theo Busan và Bangkok

TruongUy
TruongUy

TT - Tính đến chiều 11-4, mục lấy ý kiến "Nên hay không nên tổ chức Asiad 2019?" trên Tuổi Trẻ Online đã thu hút 9.699 lượt góp ý. Trong đó 1.612 lượt ý kiến cho rằng nên tổ chức Asiad 2019.

Tuy nhiên, số lượt ý kiến không đồng ý đăng cai Asiad 2019 chiếm áp đảo với con số 7.977 (trong đó có 3.184 ý kiến cho rằng khi nào dư dả hãy làm và 4.793 ý kiến cho rằng không nên). Còn lại 110 lượt ý kiến khác.

Trong bốn kỳ Asiad gần nhất nổi rõ hai xu hướng, và Việt Nam nên học theo cách làm của Bangkok 1998 và Busan 2002.

Không phù hợp trong bối cảnh hiện nayNhiều ý kiến không đồng tình“Không nên đăng cai Asiad bằng mọi giá”

d4sbCzhU.jpgPhóng to

Nhà thi đấu tổ chức môn đấu kiếm và cầu lông ở Asiad Busan 2002 là của một trường đại học - Ảnh: H.T.

Không nên đăng cai Asiad 2019

Xung quanh câu chuyện này, chúng tôi còn muốn lắng nghe ý kiến của phía đệ trình đề án lên Chính phủ vào ngày 15-5 là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cùng Tổng cục TDTT. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm đều thoái thác và cho rằng đang trong giai đoạn lắng nghe phản hồi, góp ý của dư luận nên từ chối phát biểu.

Trong bốn số báo vừa qua, trang thể thao Tuổi Trẻ lần lượt giới thiệu ý kiến của những cựu lãnh đạo ngành thể thao, ý kiến bạn đọc, ý kiến các nhà báo thể thao cộng với cuộc thăm dò ý kiến trên Tuổi Trẻ Online đã cho thấy đại đa số ý kiến đều không tán thành với đề án đăng cai Asiad 2019.

Bên cạnh phần lớn ý kiến cho rằng kinh tế đang khủng hoảng mà nghĩ đến chuyện tổ chức một đại hội thể thao quá nhiều tốn kém và trình độ thể thao VN còn yếu kém, nhiều người còn cảnh báo rằng con số 3.150 tỉ đồng để tổ chức Asiad mà đề án dự báo là con số không thực tế.

SEA Games 2003 diễn ra cách đây chín năm đã ngốn đến 5.000 tỉ đồng và nếu tính trượt giá thì hiện nay có khả năng tròm trèm 10.000 tỉ đồng nên không thể nào có chuyện Asiad với quy mô lớn hơn thế chỉ sử dụng hết 3.150 tỉ đồng. Như nguyên bộ trưởng Hà Quang Dự thông tin, con số thực chi cho SEA Games 2003 cao gấp 4,5 lần dự báo và như thế 3.150 tỉ đồng là khó thể có. Nếu đề án được thông qua, Ủy ban Olympic châu Á chấp nhận VN là chủ nhà Asiad 2019, khi ấy dù có tốn hàng chục ngàn tỉ đồng cũng phải cắn răng mà làm. Ðã có người cảnh báo chuyện này là những người làm thể thao sẽ đẩy cả nước vào thế "cưỡi lưng cọp"!

Thay đổi từ gốc

Nhưng rồi cũng sẽ đến lúc nào đó phải nghĩ đến chuyện VN làm chủ nhà Asiad. Ngày vui ấy muốn đến sớm thì phải có những thay đổi từ gốc của cách làm thể thao.

Theo dõi bốn kỳ Asiad gần đây, tôi nhận thấy có hai xu hướng tổ chức:

1. Chủ nhà "vung tay quá trán" để thiên hạ lác mắt bằng việc sử dụng ngân sách để xây những công trình thể thao tráng lệ, tổ chức lễ khai mạc, bế mạc hoành tráng, đó là Qatar 2006 và Quảng Châu 2010.

2. Tận dụng những cơ sở thể thao của các trường đại học để tổ chức Asiad. Những công trình ấy có thể do các trường đại học tư nhân tự đầu tư hoặc nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhưng sau Asiad, nó được sử dụng hiệu quả cho thể thao sinh viên học sinh. Ðó là Asiad Bangkok 1998 và Busan 2002.

Cụ thể, chuẩn bị cho Asiad Bangkok 1998, Chính phủ Thái Lan đã giao một khu vực đầm lầy rộng lớn ở ngoại ô Bangkok cho trường đại học nổi tiếng Thammasat. Chính trường này đã đầu tư để xây dựng nên khu liên hợp thể thao Ðại học Thammasat phục vụ chính việc tổ chức các môn thi đấu ở Asiad 1998. Ngoài ra, một số cơ sở thể thao của đại học nổi tiếng Chulalongkorn được sử dụng cho Asiad 1998. Hiện khu liên hợp thể thao Thammasat vẫn thường xuyên tổ chức những hoạt động thể thao đỉnh cao cho Thái Lan đồng thời với các hoạt động thể thao sinh viên.

Còn trong lần dự Asiad Busan 2002, với sự giúp đỡ của giáo sư Bae Sang Yoo - trưởng khoa tiếng Việt Ðại học Ngoại ngữ Busan, tôi đã tiếp xúc với một số trường học có cơ sở tham gia tổ chức Asiad. Do đặc thù địa lý ở Busan có rất nhiều đồi, nên chính quyền thành phố thường giao cho mỗi đại học tư một ngọn đồi, và đó chính là đầu tư của nhà nước dành cho giáo dục đại học. Các tập đoàn đầu tư trường đại học đã xây dựng nên những công trình khá đẹp trên những ngọn đồi đó với đầy đủ công trình thể thao. Ða số nhà thi đấu phục vụ Asiad 2002 là của các trường đại học.

Hiện nay thể thao VN đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thể thao học đường. Tuy nhiên, thể thao học đường không thể phát triển được nếu trường học không có sân bãi. Vì vậy nếu muốn phát triển thể thao một cách đúng đắn, lành mạnh và tiến tới việc chuẩn bị tổ chức Asiad một cách nhẹ nhàng, không gây bức xúc vì sự lãng phí, chúng ta nên theo cách của người Thái và người Hàn.

HUY THỌ

TruongUy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên