Đề xuất này đã nhận được nhiều sự quan tâm nên Tuổi Trẻ ghi nhận thêm các ý kiến làm rõ.
Đảm bảo lái xe được đào tạo, sát hạch
Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho rằng những năm gần đây, mặc dù được các cấp các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhưng tình trạng học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông vẫn ở mức cao.
Đặc biệt, theo bà Lan, tình trạng lái xe khi chưa đủ tuổi, nhất là học sinh đi xe gắn máy dưới 50 phân khối đến trường khá phổ biến. Bà dẫn chứng theo Luật An toàn giao thông đường bộ, độ tuổi của người lái xe đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xilanh dưới 50 phân khối.
Theo bà Lan, qua thực tế theo dõi trên địa bàn cả nước, tình trạng học sinh THPT là người trên 16 tuổi sử dụng loại xe này rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông khi chưa được đào tạo sát hạch, thậm chí có nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật trật tự an toàn giao thông.
Từ vấn đề trên, bà kiến nghị cần xem xét, ban hành quy định về việc đào tạo, sát hạch với các trường hợp sử dụng xe, phương tiện gắn máy có dung tích dưới 50 phân khối để đảm bảo mọi người dân khi tham gia giao thông đều được đào tạo, sát hạch, có nhận thức đầy đủ về Luật An toàn giao thông.
Phù hợp với xu hướng trên thế giới
Một đại diện Phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết đề xuất người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối phải được cấp giấy phép lái xe đã từng được đưa ra nhiều lần. Việc này phù hợp với các công ước quốc tế, cũng như thực tế tai nạn giao thông tại Việt Nam.
Một chuyên gia giao thông chỉ rõ thực tế hiện nay tại các nhà trường, việc giáo dục an toàn giao thông chỉ được lồng ghép trong các giờ học ngoại khóa, nên việc tuyên truyền, nhắc nhở, áp dụng thực hiện các kỹ năng giao thông an toàn hạn chế. Trong khi độ tuổi học sinh có thể ý thức tự giác, nắm rõ và rèn luyện tốt các kỹ năng lái xe ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Do đó, việc yêu cầu phải học và thi lấy giấy phép lái xe đối với nhóm phương tiện dưới 50 phân khối là cần thiết. Không chỉ phù hợp với xu hướng trên thế giới mà điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông một cách bài bản, có hệ thống cho các em học sinh.
Kiến thức về giao thông nên là môn học bắt buộc
TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết thời gian vừa qua có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Tạo, trong vấn đề có sát hạch với người lái xe máy dưới 50 phân khối hay không cần phụ thuộc vào điều kiện, tình hình thực tế của Việt Nam cũng như phù hợp với Công ước Vienna.
Đối với người dưới 16 tuổi như học sinh điều khiển các xe nhỏ hơn 50km/h, dung tích xi lanh dưới 50 phân khối, ông cho rằng những người này có thể chưa cần phải có bằng lái. Tuy nhiên, việc sát hạch kiến thức về giao thông với người lái xe dưới 50cm3 là cần thiết nhưng cũng có thể gây cồng kềnh và phải điều chỉnh nhiều nội dung khác.
Do vậy, trong lúc chưa chỉnh sửa, có thể thực hiện theo luật cũ nhưng làm rõ quy định thế nào là xe mô tô, thế nào là xe gắn máy.
Bên cạnh đó, theo ông Tạo, hiện nay các trường đều đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức an toàn giao thông cho học sinh và coi đây là môn học ngoại khóa. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông đối với học sinh, cần coi đây là môn học bắt buộc với học sinh tại các trường THCS, THPT.
Khi người lớn cùng xuê xoa
Không bàn đến việc ý thức của học sinh đến đâu trong việc lái xe, chỉ cần đối chiếu ngay theo Luật Giao thông đường bộ 2018 với các quy định: "đủ" 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50 phân khối; "đủ" 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh từ 50 phân khối trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự... thì cũng có thể thấy việc vi phạm luật là rất nhiều.
Cụ thể, nếu không có trường hợp đặc biệt (đi học quá tuổi) thì học sinh THCS hoàn toàn chưa "đủ" 16 tuổi, chưa được lái xe dưới 50 phân khối, chưa kể một số học sinh lớp 8, lớp 9 đã lái xe từ 50 phân khối trở lên. Cũng vậy, một phần lớn học sinh THPT cũng chưa "đủ" 18 tuổi (trừ các cháu sinh từ tháng 1 đến hết tháng 5) nếu tính đến thời điểm kết thúc năm học.
Vậy việc học sinh vô tư vi phạm pháp luật đến từ đâu?
Trước hết là từ gia đình. Gần đây đã có một số địa phương xử phạt phụ huynh khi giao xe cho người chưa đủ điều kiện (cụ thể là chưa đủ tuổi) cho thấy rõ ràng điều đó. Có xử phạt tức là đã có sai phạm.
Thứ đến, việc giáo dục nhắc nhở của các trường thế nào? Bãi xe nhà trường cũng có vô tư nhận giữ xe cho học sinh khi nhìn thấy ngay rằng các cháu đã vi phạm luật giao thông?
Thêm nữa, cộng đồng cũng dễ xuê xoa trước hành vi vi phạm pháp luật này. Thấy đấy, biết đấy, khó chịu đấy (và không ít người cũng từng là nạn nhân) nhưng rồi không phải con em mình thì cũng cho qua, không ai lên tiếng gì, ít nhất là với nhà trường.
Cuối cùng, gần như lâu lâu mới thấy tin tức cơ quan chức năng xử phạt học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi, trong khi nhìn lại các vụ xử lý hành vi chấp hành luật giao thông gần đây, nhiều người không khỏi giật mình khi các cơ quan chức năng "làm gắt" đã có nhiều vụ khởi tố người giao xe cho người không đủ điều kiện lái. Với trường hợp học sinh, không lẽ phải đến khi xảy ra tai nạn lớn thì mới bắt tay vào xử phạt trong khi hành vi vi phạm là quá dễ thấy hằng ngày?
Rõ ràng chính người lớn xuê xoa quá lâu khiến tình trạng học sinh chưa đủ điều kiện lái xe vẫn mãi còn là chuyện chướng mắt đầy thách thức. Nếu muốn chấn chỉnh thì như người ta hay nói "sẽ tìm cách".
Thăm dò ý kiến
Đại biểu Quốc hội kiến nghị đào tạo, sát hạch người chạy xe máy có dung tích dưới 50 phân khối để đảm bảo mọi người dân khi tham gia giao thông đều được đào tạo, sát hạch, có nhận thức đầy đủ về Luật An toàn giao thông. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận