17/05/2012 06:07 GMT+7

Nên mở trang "đi đến cùng sự thật"

LÊ ĐẶNG (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
LÊ ĐẶNG (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

TT - Sau khi Tuổi Trẻ ngày 15-5 đăng hiến kế cải tiến của bạn đọc với yêu cầu Tuổi Trẻ phải đi đến cùng sự thật, thì ngay trong ngày đã có nhiều bạn đọc đồng cảm và đề nghị Tuổi Trẻ nỗ lực thực hiện điều này.

Có một sự thật mà Tuổi Trẻ nên đi đến tận cùng là: “Một bộ phận không nhỏ đảng viên bị thoái hóa và biến chất” mà Hội nghị trung ương 4 đã nhận định. Đây là điều làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đảng ta đã tự phê bình trước nhân dân và đã thấy cần phải khắc phục một cách cương quyết.

Theo tôi, để góp phần thực hiện nghị quyết trung ương 4, Tuổi Trẻ nên có trang chuyên đề “Đi đến tận cùng sự thật - Bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất là ai? ở đâu? bộ phận nào?”.

Từ lâu rồi, Tuổi Trẻ đã phanh phui nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu từ việc lớn đến việc nhỏ, nhưng tôi cho là chưa đi đến tận cùng sự thật. Có tập đoàn nhà nước thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng. Ở đó có Đảng không? Chi bộ ở đâu? Đảng ủy ở đâu? Có ai phát hiện không? Ở nơi nào sai phạm cũng có đảng viên, có chi bộ, có đảng ủy, sao không ai phát hiện?

Con người là quan trọng, khâu chọn người, chọn cán bộ là khâu then chốt, được xem xét chặt chẽ trong tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền từ trung ương đến địa phương. Đây là những cơ quan chịu trách nhiệm về nhân sự trước Đảng, trước nhân dân. Nhưng khi cán bộ sai phạm nghiêm trọng phải tù đày thì phần lỗ là Đảng chịu, dân chịu. Tôi chỉ mong Tuổi Trẻ lưu ý mảng này. Đi tới cùng sự thật là Tuổi Trẻ đã dũng cảm rồi. Tôi tin Tuổi Trẻ có tai mắt khắp nơi, nếu phát hiện sự việc thì câu hỏi đầu tiên là Đảng ở đâu? Vì sao để xảy ra như vậy? Đấy mới là đi đến tận cùng sự thật.

Đặng Tường Khâm (P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Giải quyết nhiều hơn bức xúc của bạn đọc

Hằng ngày, khi cầm tờ nhật báo Tuổi Trẻ, trang báo được tôi quan tâm nhất là các trang thời sự và đặc biệt là hai trang “Bạn đọc và Tuổi Trẻ”. Sở dĩ tôi thích hai trang bạn đọc vì những vấn đề trên trang này gần gũi, thiết thực với đời sống người dân. Chắc không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ đều cảm thấy khi đọc những thông tin trên trang bạn đọc, mọi người đều thấy những thông tin đó có liên quan đến mình. Đó là câu chuyện về con đường ngập nước từ nhiều năm nay nhưng chưa được sửa chữa, là những “lô cốt” thi công chậm làm khổ người dân, chuyện thu phí giữ xe quá cao, chuyện tiền điện, tiền nước tăng bất thường...

Những câu chuyện tưởng chừng như đơn giản đó lại liên quan mật thiết đến đời sống người dân. Hầu hết những bức xúc của dân khi được phóng viên Tuổi Trẻ đến tìm hiểu, đưa lên mặt báo thì ngay lập tức những bức xúc đó được các cơ quan chức năng giải quyết. TP.HCM là một đô thị lớn với dân số gần chục triệu người, các vấn đề về đô thị, an ninh, trật tự chưa bao giờ hết “nóng” ở thành phố này. Từ khi báo Tuổi Trẻ tăng thêm trang bạn đọc và mở chuyên mục “Đường dây nóng” cũng là lúc nhiều bức xúc của người dân được giải tỏa. Do đó, bạn đọc càng trân trọng công sức của đội ngũ phóng viên và sự mạnh dạn của ban biên tập báo Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên, dù có mười trang bạn đọc đi chăng nữa cũng không đủ đăng tải hết những cái xấu, cái dở của muôn mặt đời sống xã hội mà bạn đọc trông chờ vào báo Tuổi Trẻ. Mỗi ngày, tòa soạn nhận được hàng trăm ý kiến từ khắp mọi miền đất nước phản ảnh những tồn tại, bất cập ở khu dân cư, phường, xã nơi mình cư trú. Bức xúc nào cũng đáng được giải quyết, nhưng phóng viên của báo thì có hạn và hai trang báo cũng không đủ “đất” để đăng tất cả.

Sao Tuổi Trẻ không phát huy thêm “đường dây nóng” trên Tuổi Trẻ Online? Tại đây sẽ đăng tải những thông tin mà bạn đọc gửi về cho báo, tất nhiên những thông tin này cần được chọn lọc và kiểm chứng. Sau đó, Tuổi Trẻ sẽ gửi thông tin này đến cơ quan chức năng có liên quan để họ kiểm tra, xử lý và trả lời bạn đọc. Tuổi Trẻ sẽ đăng tải những câu trả lời của cơ quan chức năng trên mạng để người dân được biết. Tôi nghĩ đây là một việc làm khả thi. Làm được việc này tức là giúp các cơ quan đó nhận ra những khuyết điểm của mình, đồng thời biết được những mặt còn tồn tại của ngành mình mà khắc phục. Quan trọng hơn cả là sẽ có nhiều bức xúc của bạn đọc được giải quyết.

Tất cả hiến kế cải tiến của bạn đọc xin gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: (08) 39971010. Fax: (08) 39973939. Email: gopy@tuoitre.com.vn. Với những hiến kế cho các sản phẩm điện tử, mời bạn gửi qua email tto@tuoitre.com.vn.

Trong thư hiến kế cải tiến, rất mong bạn đọc ghi rõ địa chỉ, điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng (nếu có) để Tuổi Trẻ chuyển nhuận bút, trong trường hợp các ý kiến được chọn đăng. Kết thúc đợt cải tiến, Tuổi Trẻ sẽ gửi quà tặng đến các tác giả có hiến kế được sử dụng trong đợt cải tiến này. Rất mong đón nhận những hiến kế cải tiến của bạn đọc.

TUỔI TRẺ

LÊ ĐẶNG (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên