Nên ứng xử như thế nào với tiền lì xì?
"Khéo khôn với tiền: Xuân sang mở mang kiến thức về tài chính" là buổi trao đổi được Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức tại phố sách Hà Nội vào ngày 1-2, tức mùng 4 Tết Ất Tỵ.
Nói với người yêu sách, nhất là các em nhỏ, bà Lê Thị Thúy Sen - vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết giáo dục tài chính cá nhân, đặc biệt là kiến thức về tiền cho các em học sinh là vô cùng quan trọng. Bởi các em cần có kiến thức để ứng xử với tiền một cách phù hợp.
Theo bà Sen, những ngày đầu năm mới, phong tục mừng tuổi hay còn gọi là lì xì ngày Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu nay. Những phong bao lì xì đỏ thắm tượng trưng cho lời cầu chúc may mắn, an lành cho cả năm.
Đồng tiền may mắn lì xì đầu năm mới sau đó được sử dụng như thế nào là vấn đề nhiều bậc phụ huynh có con ở độ tuổi 8-15 rất quan tâm.
Bà Sen cho rằng các con có thể tự mình cất những đồng tiền mừng tuổi bằng cách "nuôi" lợn đất. Đây là việc mà nhiều bạn nhỏ thường làm.
Ngoài ra, nhiều em có thể gửi cha mẹ giữ hộ, hoặc có em giữ lại cho mình tiền lì xì để mua đồ dùng học tập và chi tiêu vào những việc cần thiết...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Hoàng Quỳnh Hoa (Hoàn Kiếm - Hà Nội) kể ba năm trở lại đây, con đều nhờ chị gửi tiết kiệm số tiền mừng tuổi. Dù năm nay mới học lớp 8 nhưng con đã có kế hoạch dùng tiền lì xì để mua máy tính khi vào đại học.
"Như Tết năm 2023, con gom tiền mừng tuổi của mấy năm trước được 10 triệu đồng và nhờ tôi gửi tiết kiệm. Kỳ hạn gửi dài nhất là 36 tháng có lãi suất là 9,6%/năm. Như vậy đến nay sau 2 năm gửi tiết kiệm, tiền lãi đã được gần 2 triệu đồng.
Còn anh Hà Văn Tú (quận Thanh Xuân - Hà Nội) cho hay con trai anh năm nay đã sang tuổi 15. Nên tiền mừng tuổi năm nay con đã chủ động giữ lại để mua vé xe buýt, mua quà sinh nhật cho em gái, cho bạn thân...
"Khi con đang dần lớn, cha mẹ nên khuyến khích con sử dụng đồng tiền sao cho chính đáng và phù hợp" - anh Tú nói.
Trang bị kiến thức tài chính cá nhân
Cũng tại buổi trao đổi, bà Sen chia sẻ rằng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em cần được trang bị những kiến thức về tiền để hiểu và sử dụng tiền một cách có trách nhiệm.
Để được ăn no, mặc ấm, mỗi ngày các em được đến trường là nhờ sự quan tâm, yêu thương, công sức của cha mẹ. Do vậy mỗi em cần hiểu và biết trân trọng sức lao động của cha mẹ, bằng việc sống có trách nhiệm, nỗ lực học tập và rèn luyện để sau này tự lo cho bản thân mình.
Bà Lê Thị Thúy Sen cũng là tác giả của cuốn sách "Khéo khôn với tiền". Bà chia sẻ giáo dục tài chính là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Ở nước ta, giáo dục tài chính được tập trung vào thế hệ trẻ.
"Nhân dịp đầu xuân, tôi mong muốn các em chăm chỉ đọc sách nói chung và sách về tài chính nói riêng. Khi có những kiến thức về tài chính, các em sẽ thay đổi nhận thức và hành vi, giảm rủi ro tài chính trong tương lai, góp phần tạo nên một cộng đồng tài chính tốt đẹp tại Việt Nam" - bà Sen nói.
Có chung nhận định giáo dục tài chính cá nhân là vấn đề vô cùng quan trọng, bà Phạm Thị Hoàng Anh - phó giám đốc Học viện Ngân hàng - nói rằng kiến thức về tài chính đã được đưa vào trường học theo từng cấp. Đơn cử như ở bậc tiểu học hay trung học cơ sở, trong các bài toán hay một số môn học có nội dung liên quan đến mua sắm, tiền, lãi suất...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận