Nhiều bạn đọc còn đưa ra hình ảnh TP.HCM luôn ngập nước vào mùa mưa như một sự tương phản với việc giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM lãnh lương 2,6 tỉ đồng/năm.
Bạn đọc Vương Phước Thịnh viết: “Lương bậc công chức đã có barem, quỹ lương của một đơn vị hoạt động công ích được cơ quan chủ quản phê duyệt một năm là bao nhiêu mà lương giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM (năm 2012) là 2,6 tỉ đồng/năm, chủ tịch hội đồng thành viên 1,6 tỉ đồng/năm, kế toán trưởng 1,67 tỉ đồng/năm? Các vị này hưởng lương khủng trong khi TP.HCM luôn ngập nước (còn tệ hơn vùng đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi) là không thể chấp nhận được”.
4.736 Là tổng số email bạn đọc phản hồi các tin bài trên Tuổi Trẻ trong tuần qua. Trong đó, đa số bạn đọc quan tâm, bình luận về các vấn đề như: Câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét một số ca sĩ và việc nhìn lại chất lượng nhạc Việt từ câu chuyện này (1.222 ý kiến), lãnh đạo nhiều công ty dịch vụ công ích ở TP.HCM nhận lương “khủng” (461 ý kiến), chống tham nhũng không hiệu quả (136 ý kiến)... |
Bạn đọc Lê Khanh cho rằng doanh nghiệp công ích của Nhà nước còn được ngân sách nhà nước cấp bù cho đủ chi, mà lương của các vị lãnh đạo ở đây nằm ở trên trời thì họ đang tham ô tiền đóng thuế của dân chứ còn gì nữa. “Cần phải làm cho rõ họ đưa ra mức lương như thế dựa trên cơ sở nào? Ngoài việc thu hồi tiền phải truy cứu trách nhiệm thì mới an lòng dân được” - bạn đọc Lê Khanh đề nghị.
Nhiều bạn đọc cho rằng đọc và xem hình ảnh trên báo Tuổi Trẻ (ngày 28-8 và 30-8) về các công nhân của công ty thoát nước đang bì bõm dưới dòng nước đen ngòm, sự vất vả và khó nhọc còn hằn trên khuôn mặt mà thấy xót xa khi họ chỉ nhận lương 8 triệu đồng/tháng, trong khi những người quản lý họ nhận lương khủng đến 200 triệu đồng/tháng. Bạn đọc có địa chỉ email lekhoadl@... bức xúc: “Việc giám đốc bớt xén tiền lương công nhân để làm giàu cho bản thân không còn ở giới hạn là sự suy thoái về đạo đức, là chủ nghĩa cá nhân nữa mà là sự bóc lột sức lao động của người lao động trực tiếp một cách trắng trợn. Điều này không thể chấp nhận được, cần phải xử lý để lập lại kỷ cương phép nước”.
Luật sư Nguyễn Tiến Tài đặt vấn đề: “Theo ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, sai phạm chủ yếu của các doanh nghiệp công ích chi lương “khủng” là ký hợp đồng thời vụ dưới ba tháng cho rất nhiều công nhân, dù họ đủ điều kiện ký hợp đồng có thời hạn hoặc không xác định thời hạn để không đóng bảo hiểm xã hội”. Nhưng cái mà độc giả cần biết là lương khủng từ đâu ra (phải chăng lấy từ quỹ khen thưởng của người lao động)? Việc chi lương như vậy có đúng với pháp luật? Có vi phạm pháp luật không? Pháp luật cụ thể ở đây là gì? Và nếu vi phạm thì xử lý như thế nào (theo quy định của pháp luật)? Báo cần làm rõ việc này, vì nếu vi phạm tức là hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước để tham ô hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Một số bạn đọc còn đặt vấn đề phải đấu thầu các dịch vụ công ích, không nên để các công ty dịch vụ công ích độc quyền. Bạn đọc Võ Thanh Tú nhận định: “Trong các số báo vừa qua quý báo chỉ đưa tin và phân tích về cái ngọn, còn cái gốc của vấn đề trong đó có việc độc quyền thực hiện các dịch vụ công ích thì quý báo chưa đề cập. Tôi đề nghị quý báo có phóng sự điều tra về vấn đề này. Tôi nghĩ dịch vụ công ích cần được xã hội hóa, phải đấu thầu để đảm bảo tiết kiệm chi phí cho ngân sách và cung cấp dịch vụ chất lượng tốt nhất cho xã hội”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Lương khủng nhờ “bầu sữa” ngân sáchChủ tịch TP.HCM nói về vụ giám đốc nhận lương khủngKhông thể tùy tiện trả lương hơn 200 triệu đồng/thángLương giám đốc công ty thoát nước 2,6 tỉ đồng/nămNước ngập, điện rò rỉ: lãnh đạo vẫn có thể nhận lương cao?Yêu cầu xem xét kỷ luật vụ lương “khủng” ở TP.HCM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận