25/06/2011 10:07 GMT+7

Nên đa dạng công nghệ xử lý

(Nhân đọc loạt bài “Rác - rắc rối đang cận kề?” trên TTCT số ra ngày 12-6-2011)
(Nhân đọc loạt bài “Rác - rắc rối đang cận kề?” trên TTCT số ra ngày 12-6-2011)

TTCT - Xu thế chung trong quản lý rác thải ở tất cả các nước trên thế giới hiện nay có thể tóm gọn trong cụm từ “3R” viết theo tiếng Anh, đó là: giảm phát thải (Reduce), tái sử dụng (Reuse), tái chế (Recycle) để cuối cùng lượng thải bỏ là ít nhất.

DOzbM39e.jpgPhóng to
Tận dụng nhiều công nghệ khác nhau để giảm tối đa rủi ro môi trường do chôn lấp rác gây ra - Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phát sinh chất thải tỉ lệ thuận với sự tăng trưởng thu nhập. Ở một số nước có GDP/GNP cao, lượng chất thải phát sinh tính theo đầu người đã giảm xuống. Sở dĩ có điều đó là do họ có nhiều biện pháp tuyên truyền và quản lý nhằm mục đích giảm phát thải, trong đó biện pháp kinh tế là một trong những biện pháp quan trọng.

Việc tái sử dụng rác cũng là một biện pháp quan trọng trong quản lý rác. Việc tái sử dụng rác khá phong phú về hình thức như: sử dụng lại các đồ vật còn giá trị; sử dụng rác thực phẩm làm thức ăn cho gia súc, gia cầm... Vấn đề tái sử dụng rác ở nước ta không mới. Tuy nhiên khi nền kinh tế ngày một phát triển, mức sống người dân ngày một cao, cần thiết phải có chiến lược phù hợp với việc tái sử dụng rác.

Tái chế là khâu quan trọng cuối cùng, liên quan đến lượng rác sẽ thải bỏ. Nếu tái chế tốt, lượng vật chất (nguyên liệu, năng lượng…) được thu hồi càng nhiều thì lượng rác đổ bỏ cuối cùng càng ít, từ đó dẫn tới việc tiết kiệm chi phí chôn lấp cũng như tiết kiệm được nguồn tài nguyên.

Công việc tái chế liên quan nhiều đến hai khâu: phân loại và xử lý rác. Phân loại rác nhằm chọn ra những loại rác còn có khả năng tái chế, giúp việc xử lý rác ở các khâu tiếp theo được thuận lợi, dễ dàng hơn và vì thế chi phí sẽ thấp hơn. Tiết kiệm nhất vẫn là phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, việc này cần phải được tiến hành đồng bộ với việc đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với rác đã được phân loại như phương tiện thu gom, vận chuyển, cơ sở tái chế... Việc được gọi là tái chế hay không phụ thuộc chủ yếu vào lượng vật chất được thu hồi.

Trong các công nghệ xử lý rác, theo nhiều nghiên cứu trên thế giới thì chôn lấp có giá thành rẻ nhất và công nghệ thiêu đốt không thu hồi nhiệt có giá thành cao nhất. Tuy nhiên chọn lựa công nghệ nào lại tùy thuộc rất nhiều yếu tố như: lượng chất thải cần xử lý, điều kiện đất đai, điều kiện tài chính, thị trường tiêu thụ sản phẩm (ví dụ điện, phân hữu cơ...), trình độ kỹ thuật công nghệ… Chính vì thế ngay cả đối với các nước giàu, có trình độ công nghệ tiên tiến, sự lựa chọn cũng rất khác nhau.

Tại Việt Nam, hay cụ thể hơn ở TP.HCM, chúng ta chọn công nghệ xử lý/tái chế nào cho phù hợp? Như hầu hết các nước đang phát triển, chôn lấp là giải pháp đầu tiên được tính đến và thực tế đang được thực hiện ở TP. Ngoài Đông Thạnh, Gò Cát đã đóng cửa với những hệ lụy môi trường còn đó, thì với Đa Phước (300ha), Phước Hiệp (800ha) và sắp tới là Tân Thành - Long An (1.750ha) với hàng loạt vấn đề về môi trường như ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí, sự cố môi trường... có phải là giải pháp phù hợp hay không?

Việc xây dựng các nhà máy đốt rác cũng từng được nhiều công ty nước ngoài từ Nhật, Singapore, Mỹ đàm phán thảo luận với các cơ quan chức năng của TP, nhưng đến nay hình như chưa có một dự án nào được duyệt, vướng mắc phải chăng do giá thành quá cao và giá bán điện được sản xuất từ các nhà máy đốt rác cho EVN lại quá thấp?

Mặt khác, công nghệ thiêu đốt tuy tránh được một số tác động xấu về môi trường ở mặt này lại phát sinh những tác động xấu về môi trường ở mặt khác như ô nhiễm không khí. Một số dự án khác về rác với công nghệ chuyển hóa sinh học (làm compost) cũng đã được cấp phép, có dự án đang xây dựng. Tuy nhiên do chưa tổ chức phân loại rác tại nguồn nên các dự án này cũng gặp những trở ngại khi hoạt động.

Như vậy, việc xử lý rác tại TP.HCM đòi hỏi phải có một nghiên cứu toàn diện về các vấn đề liên quan đến chính sách, tài chính, kinh tế, công nghệ, đất đai, thị trường. Theo tôi, chúng ta nên đa dạng hóa công nghệ xử lý, một mặt để tận dụng những ưu điểm của các loại công nghệ khác nhau, mặt khác để chia sẻ các rủi ro kinh tế, môi trường nếu có, hạn chế đến mức thấp nhất nếu so với việc dùng thuần túy một loại công cụ nào đó.

(Nhân đọc loạt bài “Rác - rắc rối đang cận kề?” trên TTCT số ra ngày 12-6-2011)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên