13/12/2012 08:01 GMT+7

Nên cấm "vận động" trước khi lấy phiếu tín nhiệm

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ
LÊ KIÊN - VIỄN SỰ

TT - Chiều 12-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nghị quyết hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Dự thảo nghị quyết hướng dẫn quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức (nếu có) sẽ được tiến hành vào kỳ họp tiếp theo kỳ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm thời gian chuẩn bị các thủ tục liên quan đến nhân sự. Nhất trí với quy định này với lý do cần có thời gian để tiến hành các thủ tục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Khi đưa người ta ra để bỏ phiếu tức là đã biết người đó là ông A, B, C. Đã phải đưa ra bỏ phiếu thì đến 80% sẽ bị miễn nhiệm, như vậy phải phối hợp ngay với Ban Tổ chức trung ương, với Bộ Chính trị cho ý kiến về người thay thế để bầu luôn chứ không chờ lâu. Quyền lực phải liên tục, chứ với chức danh quan trọng như vậy không thể để trống. Nghị quyết hướng dẫn cũng cần quy định rõ quy trình đối với người từ chức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị hướng dẫn rõ trách nhiệm của đại biểu, đặc biệt là với quy định cấm vận động trước khi lấy phiếu. “Tôi thấy ông Dương Trung Quốc nói rất hay, Quốc hội làm mà kết quả không đúng ý dân thì chết. Đại biểu Quốc hội thực hiện ý kiến của dân chứ không phải thực hiện ý của cá nhân mình. Cần hướng dẫn kỹ xem thế nào là không được vận động, trước khi bỏ phiếu đại biểu người ta đi nói với người này, người kia về quan điểm của mình thì có phải là vận động không?” - ông Hùng đặt vấn đề.

Nghĩ khác Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị: “Bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó đối với những trường hợp đủ điều kiện phải bỏ phiếu, Quốc hội có nghị quyết miễn nhiệm, sau đó tạm cử một người phụ trách công việc đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các thủ tục chuẩn bị nhân sự thay thế ngay vào kỳ họp sau đó”.

Về thời gian tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo nghị quyết quy định: Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ vào kỳ họp thứ nhất trong năm, bắt đầu từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ. HĐND các cấp thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên trong năm của HĐND, bắt đầu từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ. Đối với năm 2013, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ năm (khoảng tháng 5-2013), HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thường lệ đầu tiên trong năm (khoảng tháng 6, tháng 7-2013).

Dự kiến nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vào phiên họp tới.

* Dù thời hạn trả lời các kiến nghị trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII của cử tri TP.HCM đã kết thúc từ ngày 27-11, nhưng đến ngày 11-12 Văn phòng UBND TP cho biết vẫn còn một số sở ngành, UBND quận huyện chưa trả lời hoặc trả lời không đầy đủ các kiến nghị này. Ngoài việc trễ hẹn, nhiều đơn vị dù đã trả lời nhưng chỉ trả lời với UBND TP mà không trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội, hoặc chưa phối hợp với các cơ quan, đơn vị khi giải quyết sự việc.

Văn phòng UBND TP yêu cầu các đơn vị còn chậm trễ khẩn trương rà soát, hệ thống quá trình xử lý, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và UBND TP trước ngày 14-12.

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên