Nhiều ếch nhái nhảy trên ruộng mía - Ảnh cắt từ clip trên mạng |
Trong hai ngày qua, nhiều trang báo mạng và mạng xã hội đã dẫn thông tin, lan truyền bài viết về tình trạng "ễnh ương xuất hiện bất thường" ở khu vực nông trường mía Biên Hòa - Thành Long (xã Thành Long huyện Châu Thành Tây Ninh).
Có trang còn phỏng vấn chuyên gia đầu ngành về hiện tượng "có khả năng dẫn đến nguy cơ động đất" ở khu vực này. Thông tin đã khiến không ít người hoang mang, chia sẻ trên mạng xã hội.
Nhiều trang báo dẫn bài về tình trạng ễnh ương xuất hiện nhiều bất thường tại Tây Ninh, khả năng sắp động đất |
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-7, ông Nguyễn Trọng Hòa, giám đốc chi nhánh Nông trường mía Biên Hòa - Thành Long, cho biết rất bất ngờ về tin đồn thất thiệt và mang tính suy diễn thiếu căn cứ trên.
Theo ông Hòa, ễnh ương xuất hiện nhiều tại nông trường là loại ễnh ương nhỏ mà nông trường nuôi với mục đích tạo thiên địch (các loài sinh vật được sử dụng để diệt trừ các sâu bệnh hại, bảo vệ mùa màng) bảo vệ nông trường mía khỏi dịch sâu đục thân.
Trong vụ mía năm 2014-2015, nạn sâu đục thân xuất hiện gây thiệt hại rất nhiều cho nông trường mía gần 1.200ha.
Hầu hết mía của nông trường bị sâu đục thân. Nhiều khu vực trong nông trường, cây mía bị thiệt hại 100% do sâu đục thân, có chỗ thấp thì cũng bị sâu đục thân làm thiệt hại 10-30% cây mía.
Chính vì vậy, nông trường hạn chế người dân vào để bắt ếch nhái, rắn, chim để dùng biện pháp thiên địch diệt bướm và sâu.
Tuy nhiên, người dân vẫn vào để bắt nhái bất chấp sự ngăn cấm của nông trường. Chính vì điều này, sáu tháng trước nông trường đã mua lại 60 kg nhái và ễnh ương loại nhỏ của người dân để thả vào nông trường.
Mục đích của việc này là để khẳng định với người dân đây là nhái, ễnh ương nuôi phục vụ cho tiêu diệt sâu bọ của nông trường.
Thậm chí, nông trường đã kêu gọi các phương tiện thông tin địa phương để quảng bá việc này để người dân không vào bắt. Sau sáu tháng nuôi ếch nhái, kiểm tra vụ mía 2015-2016 sâu đục thân đã giảm rõ rệt trung bình chỉ có 5% thân cây mía bị sâu đục.
Ông Hòa khẳng định ễnh ương xuất hiện nhiều tại nông trường là một trong những giải pháp sinh học để bảo vệ vụ mùa của nông trường. Nông trường còn dùng đèn nhử bướm (đẻ sâu), bảo vệ rắn, bảo vệ chim khúm núm để tạo hệ sinh thái cho cánh đồng mía phát triển đạt năng suất cao…
“Đoạn video clip tôi đưa lên mạng với loại ễnh ương nhỏ nhảy đầy khu vực nông trường chỉ là để khoe thành quả của mình. Tôi không ngờ cộng đồng mạng lại chia sẻ tốc độ như vậy” - ông Hòa nói.
Chia sẻ của ông Hòa trên mạng về clip ễnh ương xuất hiện nhiều đã bị suy diễn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận