28/11/2016 12:00 GMT+7

Nàng thơ của người sưu tập: Bởi sách quý hơn giai nhân

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Toạ đàm Ấn bản đặc biệt - Nàng thơ của người sưu tập - một lĩnh vực không phổ cập nhưng vẫn thu hút đông đảo độc giả đến tham gia tại đường sách Nguyễn Văn Bình sáng 27-11.

Các diễn giả chia sẻ về thú chơi ấn phẩm đặc biệt của mình tại sân khấu của Đường sách - Ảnh: GIA TIẾN
Các diễn giả chia sẻ về thú chơi ấn phẩm đặc biệt của mình tại sân khấu của Đường sách - Ảnh: GIA TIẾN

Ngồi đến phút chót để nghe chuyện trò, đồng thời để diện kiến những “nàng thơ” đỏng đảnh này đến từ các “tay chơi”, nhiều người ồ lên thích thú khi Nhà sưu tập Nguyễn Anh Tuấn - một trong ba diễn giả của chương trình xách hẳn đến một chiếc…vali khoá rất “nguy hiểm”, được mã hoá khoá cẩn thận.

Ánh mắt lấp lánh không giấu được vẻ tự hào, anh từ tốn mở khoá và “khoe” với mọi người những cuốn sách quý được anh sưu tập theo cách chơi của riêng mình.

Và tất nhiên không chỉ anh Tuấn xem sách còn quý hơn vàng, trong giới chơi sách cổ, ấn bản đặc biệt được xem là “cây quỳnh cành dao” (Nhà sưu tập Trần Trọng Cát Tường), là  “kì trân bảo ngọc” (Nhà sưu tập Vương Hồng Sển) để nói lên sự quý trọng, nâng niu và tha thiết được sở hữu của những người mê sách.

Ngành xuất bản và những người làm sách từng lo ngại sự mai một của sách giấy khi sách điện tử ngày càng thỏa mãn độc giả, nhất là những độc giả trẻ về tính hợp thời và sự tiện lợi, đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên chính các nhà sưu tầm và người chơi sách trong buổi toạ đàm lại khẳng định: chừng nào còn có những người chơi sách và những nhà sưu tầm những ấn bản đặc biệt thì sách điện tử đừng mơ so sánh!

Bởi không gì có thể so được với sự hân hoan và sung sướng tột cùng khi có được những bản sách quý, đến mức “không ăn chỉ nhìn là đã thấy no, tự mân mê tự sướng một mình” như diễn giả Nguyễn Văn Doãn vui vẻ bộc bạch.

Các diễn giả chia sẻ về thú chơi ấn phẩm đặc biệt của mình tại sân khấu của Đường sách - Ảnh: GIA TIẾN

Nhiều người cho rằng ấn bản đặc biệt ra đời vào khoảng hơn 200 năm trước, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam và ngành xuất bản bắt đầu phát triển theo xu thế hiện đại. Thế nhưng theo nghiên cứu của ông Tuấn thì khái niệm ấn bản đặc biệt đã có từ khá lâu tại Việt Nam bằng việc tìm thấy những cuốn sách ghi chép kinh Phật làm bằng đồng, khoen bằng vàng.

Đến thời nhà Nguyễn, khi vua Gia Long lên ngôi ông đã huy động vàng trong dân chúng để đúc 33 cuốn kim sách (sách được làm bằng vàng) để ghi lại công đức các vua chúa thời Nguyễn.

“Hiện nay những cuốn sách này đều nằm trong bộ sưu tập của những nhà sưu tầm tư nhân và định giá lên đến khoảng 1 triệu đô/cuốn” ông Tuấn chia sẻ. Cho nên nếu bàn về giá thì một ấn bản đặc biệt có khi chỉ hơn ấn bản thường từ 6 đến 10 lần, cũng có khi là…vô giá!

Đối với những tay chơi sách, điều đầu tiên cần phải nói đến ấn bản đặc biệt là sự hoàn mĩ từ chất lượng cho đến hình thức.

Luật sư Nguyễn Văn Doãn, một tay chơi sách còn khá trẻ “trong giới” chia sẻ: “Có rất nhiều cách để nhận biết ấn bản đặc biệt như xác nhận của chính Nhà xuất bản trong sách, rồi hình thức sách cũng nổi trội hơn như được đóng bìa bằng da, bằng gấm, chất liệu giấy tốt hơn như giấy bạch vân, giấy dó, sách được đánh số hoăc có các phụ bản màu…”.

Thời kì phát triển rực rỡ nhất của ấn bản đặc biệt là khoảng thời gian từ năm 1954-1975. Đến nay hầu hết các Nhà xuất bản đều có những ấn bản đặc biệt khi ra mắt sách, nhưng theo ông Nguyễn Quang Diệu - đại diện của DT Books thì trình độ làm ấn bản đặc biệt vẫn chưa thể đạt được như xưa.

Sách quý vì hiếm thì rõ rồi, nhưng với một số nhà sưu tầm, nó còn quý bởi “cuộc phiêu lưu” của những cuốn sách ấy trước khi đến được tay người sưu tầm. Ông Tuấn kể, những cuốn sách của ông không hẳn là bản “độc nhất vô nhị” nhưng ông quý chúng bởi bản thân chúng đã là một câu chuyện thú vị với ông.

“QuyểnThi nhân Việt Nam này của tôi không phải là một ấn bản quá đặc biệt, nhưng bìa cuốn sách này được đóng rất đẹp bởi bàn tay của ông Paul Châu (ông Nguyễn Văn Châu, một trong những người đóng sách nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn).

Trước khi đến tay tôi, nó đã qua tay của 3-4 nhà sưu tầm khác. Chính họ là người đã bổ sung, ghi chú để cuốn sách hoàn thiện hơn. Ở đây có ghi một dòng tâm sự của người mua trước này…Tôi quý nó bởi hành trình mà nó đã đi qua, và những tình cảm của người yêu sách được gói ghém trong này” ông Tuấn xúc động nói.

Tình yêu sách ấy có lẽ đã lan toả cả đến những khán giả ngồi phía dưới khi kì lạ là càng về cuối chương trình càng đông người đến nghe trò chuyện.

Ca sĩ Thanh Thuý và rất đông khán giả đã đến dự toạ đàm về các ấn phẩm đặc biệt - Ảnh: GIA TIẾN
Ca sĩ Thanh Thuý và rất đông khán giả đã đến dự toạ đàm về các ấn phẩm đặc biệt - Ảnh: GIA TIẾN

Đến với buổi toạ đàm bằng những tiết mục văn nghệ góp vui cùng sự mến mộ dành cho sách vở, nữ ca sĩ Thanh Thúy hào hứng kể: “Tôi đến sớm và ngồi phía trong Quán sách mùa thu nghe giao lưu, thật sự với một người yêu thích văn chương như tôi, nghe hoài mà không chán.

Những ca khúc tôi chọn hát trong chương trình hôm nay cũng là những bài hát được phổ thơ của các nhà thơ giai đoạn 30-45 như bài Thoi tơ (thơ Nguyễn Bính, phổ nhạc Đức Quỳnh), Ngày xưa Hoàng thị của Hoàng Thi Thơ (nhạc Phạm Duy)… Bản thân tôi là người thích đọc, được nghe những câu chuyện về sách mà mình chưa biết giống như được mở một cánh cửa bí mật vậy”.

Gần 15 triệu được gửi cho quỹ Một quyển sách - Một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung

Ông Lê Hoàng chúc mừng anh Vinh, chủ nhân của 2 ấn phẩm đặc biệt  - Ảnh GIA TIẾN

Ngoài buổi giao lưu với những nhà sưu tập sách, chương trình còn dành thời gian đấu giá hai ấn bản đặc biệt: Quyển Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, do Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1966 và Lê mạt sự ký của Nguyễn Duy Chính do DT Books và NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 2016. Đây là bản đặc biệt - bản Nguyễn Duy Chính, không đánh số, có triện son của tác giả và thủ bút Nguyễn Duy Chính viết hai câu tuyên bố của Lê Quýnh.

Cuộc đấu giá giữa những người chơi sách rất gay cấn khi giá sách nhích từ 100 ngàn đồng/lần. Và cho thấy rõ sự khao khát rất khó lí giải của “nghề chơi” khi có người đã có tới hai cuốn Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý nhưng vẫn muốn có thêm cuốn thứ ba vì cho rằng hai cuốn kia chưa hiếm bằng cuốn sách được đấu giá lần này.

Cuối cùng cả hai ấn bản Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý (giá 7,5 triệu đồng) và Lê mạt sự kí (giá 7 triệu đồng) đều thuộc về anh Vinh, Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty về văn hoá. Anh cười xoà: “Mình làm về văn hoá nên muốn mua sách quý về trưng bày trong tủ sách của công ty”.

Và người thắng cũng như người thua đều bắt tay nhau cười giòn, chúc mừng nhau đã có thêm một quyển sách quý…Toàn bộ số tiền đấu giá này cũng sẽ được gửi đến quỹ Một quyển sách -một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung của Ban điều hành đường sách.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên