03/06/2013 11:07 GMT+7

Nặng nề nên xoay trở chậm

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Ngay sau World Cup bóng đá nữ 2011 tổ chức tại Đức mà Nhật Bản là đội đăng quang, FIFA đã công bố việc châu Á được tăng từ ba suất lên năm suất dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2015 ở Canada.

TT - Ngay sau World Cup bóng đá nữ 2011 tổ chức tại Đức mà Nhật Bản là đội đăng quang, FIFA đã công bố việc châu Á được tăng từ ba suất lên năm suất dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2015 ở Canada.

Khi ấy, dù biết châu Á được tăng suất, nhưng bóng đá nữ VN chẳng hi vọng gì. Bởi năm “bà chị” hàng đầu châu lục gồm Nhật, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên có trình độ vượt trội với tốp kế tiếp là VN, Thái Lan, Myanmar...

Nhưng, chỉ một tháng sau khi World Cup 2011 kết thúc, cụ thể là vào tháng 8-2011, FIFA đã công bố quyết định kỷ luật CHDCND Triều Tiên vì năm cầu thủ bị phát hiện sử dụng doping. Và thế là nhóm thứ hai của bóng đá nữ châu Á cùng nuôi hi vọng tranh cơ hội “ngàn năm có một” này.

Đúng một năm sau, cảm thấy những người có trách nhiệm với bóng đá nữ VN (cụ thể ở đây là Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT cùng Liên đoàn Bóng đá VN) vẫn im lặng, nhiều tờ báo đã lên tiếng đánh động, trong đó có Tuổi Trẻ. Tôi ngồi tìm lại báo cũ và đọc thấy một bài phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hỷ - chủ tịch VFF - đăng trên Tuổi Trẻ ngày 26-9-2012 về chuyện này. Trước câu hỏi của phóng viên là chúng ta sẽ làm gì để giành lấy cơ hội vàng, ông Hỷ nói như thế này: ”Đội tuyển bóng đá nữ VN và đội nữ U-19 quốc gia sẽ tập trung sớm ngay từ đầu năm 2013, cụ thể là ngay sau Tết âm lịch. Tiếp đó, đội sẽ tập trung trong nước rồi đi tập huấn nước ngoài... Trong đó, đáng chú ý VFF sẽ gửi cầu thủ sang nước ngoài tập huấn dài hạn ba tháng thay vì chỉ hơn chục ngày như trước nay. Chúng tôi nhắm đến ba nước có nền bóng đá nữ phát triển là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhiều khả năng chúng tôi sẽ chọn Nhật Bản do có mối quan hệ rất tốt với liên đoàn bóng đá nước này”.

Phóng viên lại hỏi tiếp là lấy kinh phí từ đâu, ông Hỷ trả lời như sau: “Cái khó của bóng đá nữ là chẳng ai chịu tài trợ. Do đó nguồn tiền để nuôi bóng đá nữ trước giờ từ Nhà nước (Tổng cục TDTT), VFF và một số nguồn khác mà chúng tôi vận động được”.

Từ tháng 9-2012 đến bây giờ đã là hơn tám tháng, thế nhưng khi nào đội tuyển nữ đi Nhật tập huấn cũng không biết, Tổng cục TDTT dùng bao nhiêu kinh phí từ ngân sách để đầu tư cho tuyển nữ cũng không hay... Trong khi đó, Thái Lan và Myanmar đã đưa cầu thủ sang Nhật từ lâu!

Chúng ta có một bộ máy nhà nước khổng lồ để làm thể thao, khi nó trải dài từ trung ương tỏa xuống tận địa phương cấp quận huyện với vài chục môn thể thao. Bên cạnh đó còn có vô vàn liên đoàn từ trung ương đến địa phương. Trong khi đó, nhìn sang những nước tiên tiến, bộ máy nhà nước quản lý thể thao rất gọn nhẹ là bộ thanh niên - thể thao và sức mạnh thật sự nằm ở ủy ban olympic quốc gia cùng các liên đoàn. Có lẽ vì to lớn nên nặng nề, xoay trở chậm đã khiến thể thao VN luôn là người đến sau, như vụ đầu tư cho bóng đá nữ nêu trên.

HUY THỌ

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: World Cup bóng đá nữ