05/12/2020 06:56 GMT+7

Nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh: Nhà dân lại thành 'hầm'?

LÊ PHAN - CHÂU TUẤN
LÊ PHAN - CHÂU TUẤN

TTO - Đường Nguyễn Hữu Cảnh đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện việc cải tạo nâng cấp mặt đường. Mặt đường nâng cao, nhiều nhà dân ở đây đang thấp xuống, nhiều hộ dân lo ngại sẽ rơi vào cảnh nhà biến thành "hầm" như một số dự án từng xảy ra.

Nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh: Nhà dân lại thành hầm? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết căn nhà trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bị thấp hẳn sau khi đường được nâng cấp - Ảnh: LÊ PHAN

Trong khi đó, chủ đầu tư dự án - Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - khẳng định việc thi công theo cao độ quy định và tính các phương án hạn chế ảnh hưởng người dân hai bên đường.

Đường nâng lên, nhà thấp 1m

Những ngày này, đi qua khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn gần cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) dễ nhận thấy không khí thi công khẩn trương tại công trường cải tạo hai bên đường. Hiện nhiều đoạn, mặt đường đã được nâng cao hơn trước. Cũng vì vậy nhiều căn nhà và các con hẻm gần đó trở nên thấp so với mặt đường mới, thậm chí có nhà thấp gần 1m.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh luôn được xem là một trong những "rốn" ngập của thành phố và cơ quan chức năng đã bắt tay vào cải tạo mặt đường cùng hệ thống cống thoát nước, chiếu sáng... Nhưng khi đường được nâng quá cao, nhiều người dân e ngại khi đó nền nhà quá thấp so với mặt đường vừa nâng cấp. Đặc biệt là nỗi lo mùa mưa kế tiếp liệu nhà dân có thành "bể chứa nước" do đường quá cao.

Hiện tại có một đoạn mặt đường ở làn ôtô hướng từ Điện Biên Phủ đi về cầu Thủ Thiêm (đoạn trước chung cư The Manor) đã được nâng cấp cao hơn khoảng 1m so với mặt đường cũ bên làn xe hai bánh. 

Anh Đ.Q.V. (phường 22, quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Đợi khi đường được cải tạo hoàn chỉnh tôi sẽ tiếp tục cho nâng nền nhà. Đây không phải là lần đầu nhà tôi phải làm như vậy. Tuy nhiên nền nhà được nâng quá cao thì trần nhà lại trở nên thấp hơn trước. Cột điện lẫn dây cáp viễn thông trước nhà vẫn chưa được nâng cao, nên chỉ cần vươn tay là có thể chạm tới, rất nguy hiểm".

Tương tự, bà Lê Thị Chín (69 tuổi, phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết căn nhà của bà thấp hẳn khi đường Nguyễn Hữu Cảnh nâng cao, hiện tại nền nhà thấp gần 1m so với mặt đường. Để tiện đi lại bà xin tạm vài miếng bêtông để kê làm bậc thang. Bà Chín cho biết muốn nâng nền nhà sẽ tốn rất nhiều tiền, trong khi gia đình không đủ điều kiện nên sau này đành để vậy. 

Bà Chín cũng lo lắng không biết liệu mùa mưa tới nhà bà có bị nước tràn vào hay không vì hiện công trình đang thi công, mùa mưa đã kết thúc nên chưa kiểm chứng từ thực tế được. Bà nói sắp tới làm đường xong còn ngập hay không thì chưa biết, nhưng việc đi lại của gia đình bà bây giờ đã khó khăn hơn khi phải làm một con dốc từ trong nhà ra đường.

Giảm thiểu ảnh hưởng cho người dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những phản ảnh trên, đại diện Ban quản lý dự án đường bộ 1 (thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông) cho biết trước khi thi công đơn vị đã phối hợp với phường để giải thích cho người dân biết. Phương án thi công cũng đã tính tới việc nhà dân bị thấp hơn đường.

Theo vị lãnh đạo trên, để nước mưa không tràn vào nhà người dân, đoạn đường khi nâng cấp sẽ được thay hệ thống thoát nước. Các đường ống thoát nước mới sẽ làm song song cống hiện hữu, giúp thu nước trên mặt đường qua các hố ga dọc vỉa hè.

Riêng với các hẻm có cao độ thấp hơn mặt đường sau khi cải tạo, vị này cho biết đơn vị đã tính toán chống ngập cho các con hẻm bằng giải pháp công trình. Cụ thể tại các giao lộ giữa hẻm và đường Nguyễn Hữu Cảnh, chủ đầu tư bổ sung các đường rãnh để thu nước từ hẻm rồi nối vào hệ thống thoát nước mới. Việc này giúp đồng bộ giữa hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh và hệ thống thoát nước các con hẻm.

Theo Ban quản lý dự án đường bộ 1, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún võng quá nặng, việc nâng đường có làm cao thêm khoảng 1,2m so với hiện trạng. Thế nhưng mức nâng đường ấy chỉ cao bằng độ cao so với thiết kế trước đây. "Trong quá trình thi công chưa phát sinh đơn thư khiếu kiện gì của người dân", đại diện Ban quản lý dự án đường bộ 1 nói.

Về những lo ngại nâng đường chống ngập vô tình biến nhà dân thành "hầm", lãnh đạo Ban quản lý dự án đường bộ 1 cho rằng dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh đã tính toán yếu tố này ngay từ đầu trong khâu thiết kế. 

Việc nâng đường chắc chắn sẽ có nhà bị thấp hơn nhưng chủ đầu tư đã có phương án giảm kích thước ở những đoạn vỉa hè rộng để làm bậc tam cấp và lối dẫn xe cho người dân. Từ đó nhằm giảm ảnh hưởng, khó khăn cho người dân khi dẫn xe từ nhà ra đường. Phương án này đã được nhiều người dân đồng thuận.

Hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành 65% khối lượng công việc. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào dịp 30-4-2021.

Hơn 2 năm chưa nhận được tiền hỗ trợ

Đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân được nâng cấp từng khiến nhiều nhà dân biến thành "hầm". Khi đó, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM đã đề xuất UBND TP có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại bởi các dự án nâng đường, hẻm. Hình thức hỗ trợ bằng cách cho người dân vay vốn ưu đãi để cải tạo, sửa chữa nhà ở phần diện tích bị ảnh hưởng và tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có mức hỗ trợ khác nhau.

nhathap-lphan (3) 1(read-only)

Một căn nhà trên đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân, TP.HCM thấp hơn khoảng 1,5m so với mặt đường được nâng cấp, đến nay chưa nâng nền - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tuy nhiên qua quá trình rà soát, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM không ban hành chính sách hỗ trợ chung cho các trường hợp nhà ở bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, hẻm. Thay vào đó chủ đầu tư các dự án phối hợp UBND các quận, huyện, phường, xã thực hiện đánh giá tác động, ảnh hưởng của dự án, đồng thời khảo sát, ước tính mức độ ảnh hưởng để lập khái toán kinh phí hỗ trợ và trình duyệt chung với những dự án cụ thể.

Sáng 4-12, trở lại một số nhà dân trên đường Kinh Dương Vương, một số hộ dân cho biết họ vẫn chờ được hỗ trợ nâng nền. Ông N.V.T. (ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết sau khi đường được nâng cao, nhà ông bị thấp so với mặt đường 1m. Những ngày đầu nước tràn thẳng vào nhà không có lối thoát nên ông phải bỏ tiền túi nâng nền lên.

Hiện tại việc ngập đã giảm hơn trước kia, tuy nhiên phần phía trước căn nhà trở nên ngắn ngủn, việc trưng bày hàng hóa, buôn bán cũng vì thế gặp rất nhiều khó khăn.

Còn ông T.N. (ngụ phường An Lạc) chia sẻ chi phí nâng nền rất cao, như nhà ông khoảng 100 triệu. Từ tháng 5-2018, gia đình ông T.N. cũng nằm trong danh sách được hỗ trợ kinh phí để nâng nền nhà. "Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm qua, người dân ở đây vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ nâng nền", ông T.N. cho hay.

Nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh: Nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh: 'đã tính phương án không để dân thiệt'

TTO - Trước thông tin nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh khiến nhiều nhà dân trở thành hầm, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) khẳng định với Tuổi Trẻ Online sẽ không để dân thiệt.

LÊ PHAN - CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên