Phóng to |
Allbum Nắng chiều rực rỡ |
Phóng to |
Ngọc Quy - Ảnh: Nguyễn Quang Giang |
Không ít ngạc nhiên khi vì sao đã là album thứ ba, lại được đánh giá là một giọng ca thính phòng đầy nam tính và cảm xúc, nhưng cái tên Ngọc Quy vẫn còn khá xa lạ với nhiều người? Đúng thế, Ngọc Quy chỉ mới được khán giả phòng trà tại TP.HCM yêu mến trong hơn một năm nay. Nhưng con đường âm nhạc của anh, thật ra, đã bắt đầu cách đây chục năm.
Từng khởi đầu như một ca sĩ của dòng cổ điển chính thống, lại là học trò “cưng” của NSND Quý Dương, Ngọc Quy lẽ ra đã có thể trở thành một cái tên sáng giá của dòng thính phòng theo hướng cổ điển hoặc nhạc cách mạng. Nhưng cái duyên với dòng trữ tình “nhạc xưa” đã lái sự nghiệp của Ngọc Quy theo một hướng rất khác với những gì anh từng hình dung khi mới bước chân vào nghề hát.
"Tôi có thể hát những tác phẩm cổ điển nhưng nếu được chọn, không hiểu vì sao tôi vẫn chọn hát nhạc trữ tình Việt Nam" - Ngọc Quy tâm sự. Và anh cũng từng mạo hiển thể hiện sự yêu thích và khát khao theo đuổi dòng nhạc trữ tình, lãng mạn qua hai album phát hành trước đây là Bao giờ cho tôi quên và Hồn có mơ xa.
Gọi là mạo hiểm bởi vào thời điểm cách đây 7, 8 năm, khi ra mắt hai album đó, Ngọc Quy vẫn còn đang sinh sống và hoạt động ca hát tại Hà Nội. Và ca sĩ Hà Nội chẳng mấy ai hát nhạc tiền chiến, cũng chẳng ai làm album nhạc xưa. Vào giai đoạn đó ở TP.HCM, nơi mà nhạc tiền chiến, nhạc bolero được hát mỗi ngày thì việc ca sĩ ra album nhạc xưa vẫn chưa trở thành trào lưu như hiện nay. Vì vậy, Bao giờ cho tôi quên và Hồn có mơ xa của Ngọc Quy đã trở nên quá đỗi lạc lõng khi đó.
Từng là phó đoàn ca nhạc Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, là một trong những ca sĩ chính của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng chính tình yêu với nhạc trữ tình đã đưa anh tìm tới Sài Gòn - TP.HCM, "vùng đất" của nhạc xưa.
Cũng chính những đêm hát và sống với không khí phòng trà TP như: Đồng Dao, Không Tên, Ân Nam, C’est Moi... mà anh đã tự tin hơn rất nhiều khi thực hiện album nhạc xưa thứ ba của mình: Nắng chiều rực rỡ. Album cũng được nhiều người trong giới đánh giá là "đậm chất phòng trà" với lối hát gần gũi như tâm tình, không trưng trổ nhiều kỹ thuật nhưng thật ra lại rất "có nghề".
Album gồm chín ca khúc của các nhạc sĩ: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, Từ Công Phụng. Đó đều là những tác phẩm đã trở thành kinh điển của kho tàng ca khúc Việt Nam, được ca sĩ nhiều thế hệ ghi âm, biểu diễn.
Khi thể hiện lại những ca khúc này, Ngọc Quy đã dùng chính sở trường của mình khi còn theo đuổi việc học thanh nhạc cổ điển nhưng áp dụng vào không gian thân mật gần gũi như phòng trà với những thay đổi thích hợp nhằm “mềm hóa” giọng hát nhưng giữ được tinh thần cao nhất của lối hát đẹp kiểu cổ điển: trau chuốt giai điệu, hát rõ lời, âm thanh giọng hát mềm mại. Anh nói: "Tôi hiểu người nghe không chỉ quan tâm đến kỹ thuật hát mà còn tâm hồn hát. Và tâm hồn hát cũng là điều mà tôi luôn hướng đến".
Bởi thế, khi nghe Nắng chiều rực rỡ khán giả sẽ thấy ở đây âm hưởng bán cổ điển rõ nét, nhưng cách hát lại theo hướng tâm tình, như thể trò chuyện. Ngọc Quy rất khéo léo trong cách xử lý âm thanh giọng hát để tiếng hát đến tai người nghe êm ái nhất có thể. Khán giả chuộng nhạc xưa kiểu “truyền thống” sẽ cảm thấy rất dễ đồng cảm với những bài kinh điển như: Mộng dưới hoa, Yêu, Thành phố buồn, Nỗi lòng người đi hay cả một bài có cao trào đầy cảm xúc bức bối như Cô đơn. Ca khúc chủ đề Nắng chiều rực rỡ là sự kết hợp đẹp đẽ giữa bán cổ điển với phong cách acoustic pop với lối hát tinh tế từng chữ nhẹ bay thể hiện sự mong manh của kiếp sống, trong giờ phút sắp chia lìa cuộc đời...
Album có sự tham gia hòa âm phối khí của các nhạc sĩ Vĩnh Tâm, Quang Ngọc, Vũ Thanh Sơn, những người mà hoạt động âm nhạc của họ gắn bó rất nhiều với các phòng trà Sài Gòn. Chính điều đó cũng giúp phần mang lại phong vị đặc biệt “phòng trà” như đã nói cho Nắng chiều rực rỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận