30/03/2013 11:36 GMT+7

Nạn nhân

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Nạn nhân trong vụ án này là một người bị nghi trộm cá, lẽ ra anh phải được xét xử xem có tội hay không, phạm tội ra sao nhưng đã bị “xử tử hình”.

Ngược lại, vì những hành vi bạo lực này, những “nạn nhân” nguyên phát của vụ mất trộm đã trở thành bị cáo.

iEdNRpGB.jpgPhóng to
Hai bị cáo Trần Văn Tâm (trái) và Nguyễn Thành Được tại tòa - Ảnh: Minh Tâm

Theo hồ sơ vụ án, Trần Văn Tâm và Nguyễn Thành Được được bà Huỳnh Thị Ngộ thuê trông coi nuôi ao cá tra ở khu vực Cồn Sơn, TP Cần Thơ. Khoảng 3g sáng, cả hai phát hiện anh Lê Văn L. đến chài trộm cá trong ao liền truy bắt. Trong lúc bơi xuồng bỏ chạy, anh L. dùng cây dầm chống trả để tẩu thoát thì bị Tâm và Được nhặt hai khúc cây tràm có sẵn ở mé sông đánh lại liên tục, nhiều cái từ trên xuống dưới trúng vào đầu và người làm anh L. ngã xuống nước. Anh L. bỏ chạy bỏ lại chiếc xuồng có 80 con cá...

Sau đó Tâm và Được kéo xuồng của anh L. vào trong ao. Một lúc sau, anh L. quay lại xin chiếc xuồng thì bị Tâm và Được giữ lại và báo cho chính quyền địa phương.

Khi công an phường tới, thấy đầu anh L. chảy máu và sức khỏe yếu nên cùng với gia đình đưa anh L. đến bệnh viện điều trị. Anh được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM, khoảng một tuần sau thì chết. Giám định pháp y kết luận nguyên nhân tử vong là giập não và xuất huyết não, sau chấn thương sọ não nặng...

Xung quanh cái chết

TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Văn Tâm (37 tuổi) và Nguyễn Thành Được (28 tuổi) cùng về tội danh giết người... Hai bị cáo áo quần lam lũ, đen đúa, gương mặt hơi xanh, trán giật đầy gió, cổ như dài ra, đôi mắt đầy lo sợ.

Không phải phòng vệ chính đáng

Khi người giữ quyền công tố hỏi rằng những cú đánh trả của anh L. có gây thương tích cho hai bị cáo không, cả hai bị cáo đều trả lời rằng chỉ trầy xước ở tay. Kiểm sát viên: “Trong lúc bơi xuồng bỏ chạy, anh L. dùng cây dầm chống trả lại để tẩu thoát, và những cú đánh trả không gây nguy hiểm cho hai bị cáo. Vậy mà các bị cáo cùng lúc dùng cây tràm đánh anh L. vào chỗ nguy hiểm, lại đánh liên tục. Cụ thể, cả hai dùng cây đánh đến 12 cái, trong đó tám cái vào đầu khiến nạn nhân giập não dẫn đến tử vong. Chỉ đánh một cây vào đầu thôi cũng đã gây nguy hiểm, đằng này đến tám cái vào đầu. Hai bị cáo hãy trả lời xem đó là phòng vệ chính đáng hay cố ý đánh chết người?”. Đáp lại, hai bị cáo cúi đầu im lặng.

Kiểm sát viên thẩm vấn rằng có nhiều cách giải quyết vấn đề như tri hô hoặc báo cho chính quyền địa phương, tại sao các bị cáo lại chọn cách đánh người, mà đánh hết sức dã man, dùng cây tràm đánh đến 12 cái, trong đó tám cái vào đầu khiến nạn nhân chấn thương sọ não dẫn đến tử vong?

Bị cáo Tâm run rẩy trả lời chỗ trại cá cả hai làm thuê thưa người, nên hôm đó có la lên nhưng không ai nghe. Những lần trước cá bị trộm, chủ trại đều có trình báo khu vực, nhưng tình trạng cá bị mất trộm vẫn liên tục xảy ra.

Trong khi đó giữa chủ và người làm thuê có giao kèo miệng: nếu để cá thất thoát nhiều sẽ bị đuổi việc. Nói đến đây, giọng Tâm nghèn nghẹn: “Cá cứ bị mất trộm hoài, nhiều lần các bị cáo rượt theo nhưng chỉ thu được cái chài do tên trộm bỏ lại... Trong khi các bị cáo đều là lao động chính của gia đình, nếu bị đuổi việc... tiền đâu nuôi các con ăn học...”.

Bị cáo Được trình bày rằng nỗi lo sợ bị mất việc khiến các bị cáo rất giận kẻ trộm, rồi sự giận dữ tăng lên theo những lần bắt hụt trộm, nên lần này khi phát hiện trộm, cả hai quyết liệt đuổi theo bắt cho bằng được. Và khi anh L. dùng cây dầm bơi xuồng đánh trúng vào người Được khiến bị cáo kìm không được cơn nóng giận. Các bị cáo cho rằng họ chỉ phòng vệ chính đáng...

Chị Nguyễn Thị Minh, vợ của nạn nhân, trình bày trong nước mắt rằng chị đang ngủ có người đến báo tin chồng mình bị đánh. Chị bao đò qua, thấy chồng đứng dưới mé sông, tay vịn xuồng, trán đầy máu, đuôi mắt bị tét... Trên đường đến bệnh viện, chị khóc ngất sợ chồng không qua khỏi bởi anh L. cứ co giật, miệng méo... Rồi chị khăng khăng: “Chồng tôi có nghề chài cá, đêm nào ảnh cũng đi chài kiếm khoảng mấy trăm ngàn đồng... Chồng tôi không phải là ăn trộm...”.

Bản thân chị mưu sinh bằng nghề bỏ mối cá cơm. Sau cái chết của chồng, chị bị suy sụp tinh thần trầm trọng. Mỗi lần ra sông, nhìn qua cồn hình ảnh thương tâm của chồng cứ hiện lên trong tâm trí khiến chị không còn sức lực tính chuyện buôn bán nữa.

Nghỉ một thời gian, đến khi quay lại thì mất mối gần hết. Giờ mỗi ngày thu nhập chỉ 50.000 đồng, lại bữa đực bữa cái. Nói đến đây, chị mếu máo: “Một mình tôi nuôi hai con nhỏ. Đứa lớn học lớp 4, đứa nhỏ mới lớp 2. Tôi cảm thấy mình quá đuối, không nuôi nổi hai con ăn học nữa. Giờ tôi yêu cầu các bị cáo phải đền bù trên 380 triệu đồng bao gồm tiền thuốc, tiền ma chay, tiền cấp dưỡng hai con, tiền cấp dưỡng cha mẹ chồng tôi...”.

Chủ tọa hỏi: “Hai bị cáo nghĩ sao về số tiền đền bù trên? Có đồng ý đền bù số tiền như vậy không?”. Nghe hỏi, mặt hai bị cáo tái ngắt, bị cáo Được lấy tay chùi nước mắt. Bị cáo Tâm nói: “Hồi nào tới giờ chưa cầm số tiền lớn như vậy, lấy đâu có mà đền, còn nếu hứa mà không thực hiện được là hứa suông nên bị cáo không dám hứa. Tuy nhiên nếu sau này ra tù, bị cáo làm có tiền sẽ ráng cấp dưỡng hằng tháng cho hai con của nạn nhân...”.

Chủ tọa nói rằng số tiền mà gia đình bị hại yêu cầu các bị cáo phải bồi thường, tòa sẽ xem xét dựa trên quy định của pháp luật. Khoản nào hợp lý tòa mới đồng ý, chứ không phải gia đình bị hại muốn đền bù bao nhiêu cũng được. Còn các bị cáo nại lý do hoàn cảnh khó khăn, nghèo mà không đền bù hoặc đền quá thấp cho bên bị hại, tòa cũng không đồng ý. Tất cả đều phải dựa trên quy định của pháp luật.

Chạnh lòng

Tòa nghị án. Các bị cáo cùng người thân tranh thủ giây phút đoàn tụ quý báu để hỏi thăm, dặn dò nhau. Được khuyên cha mẹ ráng giữ gìn sức khỏe, đừng lo lắng cho mình. Cha mẹ Được cứ nắm tay con mà khóc... Còn băng ghế đối diện là Tâm cùng vợ con và cha mẹ.

Tâm là trụ cột chính của gia đình. Kể từ ngày Tâm bị bắt, vợ Tâm một mình gánh vác không nổi nên ba đứa con đồng loạt nghỉ học, lao vào đời kiếm miếng cơm. Đứa con gái lớn làm công nhân, con trai kế giữ cá thuê. Nhưng khi đi thăm nuôi, cả nhà không báo cho Tâm biết sợ Tâm buồn. Còn Tâm vẫn cứ đinh ninh các con còn đi học. Vì vậy, Tâm xoa đầu dặn các con cố gắng học để sau này có nghề, đỡ cực khổ như đời cha. Nghe vậy, người vợ nấc lên...

Chuông reo. Tòa tuyên án. Chủ tọa nhận định rằng tuy nạn nhân có hành vi sai trái là kéo trộm cá và chống cự khi bị phát hiện nhưng chưa gây nguy hiểm đối với hai bị cáo. Việc hai bị cáo với số đông hai người, lại đánh một nạn nhân liên tục, trong đó có nhiều vết đánh vào đầu, không thể xem là phòng vệ chính đáng mà là hành vi giết người.

Trên cơ sở đó, tòa tuyên án Tâm và Được mỗi bị cáo 8 năm tù về tội “giết người” và tuyên buộc hằng tháng hai bị cáo phải cấp dưỡng nửa tháng lương tối thiểu cho mỗi người con bị hại. Đồng thời phải bồi thường trên 81 triệu đồng tiền viện phí, mai táng và tổn thất tinh thần... cho gia đình bị hại, chủ trại cá cũng phải liên đới bồi thường, mỗi người chịu 1/3 số tiền 81 triệu đồng trên.

Phiên tòa kết thúc. Cha mẹ của các bị cáo người nào cũng trên 65 tuổi, dáng vẻ tiều tụy đến lẩy bẩy nhưng vẫn cố hối hả đi theo con trai đang bị dẫn giải. Các con của Tâm cũng chạy theo cha... Nhìn họ ráng níu kéo phút giây gặp mặt ngắn ngủi khiến nhiều người dự khán chạnh lòng.

Chỉ vì quá sân giận mà Tâm và Được đã gây ra bi kịch cho nạn nhân, cho chính bản thân và cả gia đình. Chiều bắt đầu cạn và ánh nắng tà chiếu hoang hoải con đường, phía ngoài cổng tòa án, vợ nạn nhân lầm lũi cô quạnh bước, mặt chị u ám và buồn bã...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên