25/07/2021 17:59 GMT+7

Nan giải xử lý thuốc lá thế hệ mới nhập lậu

N.AN - N.TRÍ - S.LÂM - B.ĐẤU
N.AN - N.TRÍ - S.LÂM - B.ĐẤU

TTO - Việc xử lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng chức năng trong việc tìm chủ hàng và tốn kém chi phí lớn để tiêu hủy sản phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Nan giải xử lý thuốc lá thế hệ mới nhập lậu - Ảnh 1.

Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh vừa bắt giữ trên 1.200 sản phẩm thuốc lá điện tử vận chuyển trên xe ô tô - Ảnh: QLTT

Một trong những vụ buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng quy mô lớn gần đây được phát hiện tại Hà Nội, lực lượng chức năng phải tốn nhiều công sức để tìm kiếm chủ hàng bởi khi phát hiện lô hàng từ đơn vị vận chuyển, chủ hàng không có mặt nên lô hàng được xem là "vô chủ".

Một đại diện của Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết phải sau thời gian liên hệ, chủ hàng mới có mặt và phối hợp cùng lực lượng chức năng để xử lý.

Còn lãnh đạo tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ sớm ban hành quy định về quản lý đối với các loại thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam, đồng thời có chế tài đối với việc vi phạm.

Không xác định được chủ lô hàng, phải tốn tiền tiêu hủy

"Sau khi xác định hành vi vi phạm là hàng lậu, không hóa đơn chứng từ buộc phải tiêu hủy, chúng tôi yêu cầu chủ hàng tiêu hủy sản phẩm. Việc tiêu hủy này chủ hàng phải bỏ kinh phí, thuê các đơn vị có chức năng tiêu hủy sản phẩm, đảm bảo vấn đề môi trường, tiêu hủy sản phẩm dưới sự giám sát của các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, cơ quan môi trường", vị này cho hay.

Theo đại diện của Tổng cục Quản lý thị trường, những sản phẩm này do có những yếu tố tác động lên sức khỏe con người nên được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hàng hóa. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu của hàng hóa, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tịch thu tang vật vi phạm để xử lý tiêu hủy như những hàng hóa thông thường khác.

Một lãnh đạo của Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng cho hay có hai hình thức tiêu hủy hàng lậu, một là buộc chủ lô hàng vi phạm tự tiêu hủy sản phẩm, và hai là Nhà nước phải chi ngân sách để thực hiện tiêu hủy.

Hiện tại, đối với phần lớn thuốc lá thế hệ mới thuộc dạng tang vật vi phạm bị tịch thu, nhiều trường hợp không xác định được chủ lô hàng nên Nhà nước phải bỏ kinh phí ra để tiêu hủy.

Theo đó, hằng năm cơ quan quản lý thị trường phải chi khoản lớn từ ngân sách để tiêu hủy sản phẩm thuốc lá lậu. Việc tiêu hủy thuốc lá thế hệ mới phải thông qua công ty môi trường đảm nhận với chi phí cao, kỳ công hơn.

Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý thị trường Bình Dương cho biết dù phải tốn nhiều ngân sách cho công tác thanh kiểm tra, tiêu hủy thuốc lá nhưng nạn kinh doanh thuốc lá thế hệ mới không nguồn gốc hiện vẫn còn phổ biến.

"Luật xử phạt nhẹ, không có điều khoản xử lý hình sự như vi phạm trong kinh doanh thuốc lá điếu, nhu cầu với thuốc lá thế hệ mới ngày càng nhiều, hình thức mua bán tinh vi… là các lý do khiến nạn kinh doanh thuốc lá thế hệ mới không nguồn gốc trở nên phức tạp", vị này nhận định.

Xử lý nhiều khó khăn vì luật 'lỏng'

Còn theo lực lượng chức năng tỉnh An Giang, với các vụ việc được phát hiện, thường căn cứ vào tính chất, mức độ và hành vi cụ thể để áp dụng theo các quy định của pháp luật theo hướng nếu phát hiện người vận chuyển trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng qua biên giới với số lượng lớn thì có thể xem xét, xử lý về tội "buôn lậu" hoặc tội "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".

Còn nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xem xét, xử lý vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo Nghị định số 98/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một đại diện Công an tỉnh An Giang cũng cho biết thêm còn khó khăn khác là các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng chưa được phép kinh doanh trên thị trường nên các cơ quan chức năng không có cơ sở để xác định giá trị tang vật bị bắt giữ phục vụ cho việc xử lý vi phạm.

Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang - chia sẻ thêm: "Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là mặt hàng liên quan đến sức khỏe con người, do đó Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang sẽ kiến nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất Chính phủ sớm ban hành quy định về quản lý đối với các loại thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam, đồng thời có chế tài đối với việc vi phạm.

Các bộ, ngành trung ương nên sớm có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý đối với các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng để các lực lượng chức năng áp dụng thống nhất trên toàn quốc".

N.AN - N.TRÍ - S.LÂM - B.ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thuốc lá