01/03/2005 04:13 GMT+7

Nạn đói năm 1945 (Kỳ 1): Thảm cảnh quê nhà

QUANG THIỆN
QUANG THIỆN

TT - Hơn 2 triệu người đã chết vì đói... Cả nhà đói, cả dòng họ đói, cả làng cả xóm cùng đói. Cái đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945 ấy, người trẻ hôm nay sẽ không tưởng tượng nổi. Và bước vào Ất Dậu 2005 này, chúng ta hãy cùng mở lại những trang hồ sơ về trận đói khủng khiếp để đừng bao giờ quên nỗi đau ấy...

RqskrQdp.jpgPhóng to
La liệt những người chết đói bên đường - Ảnh tư liệu

Chúng ta tự hào bởi lịch sử dân tộc hào hùng và kiêu hãnh. Nhưng chúng ta cũng không thể quên những đau thương, mất mát của dân tộc mình. Những người đang sống hạnh phúc hôm nay không hẳn ai cũng nhớ tới nỗi khổ nhục kinh hoàng nhất trong lịch sử dân tộc Việt với hơn 2 triệu đồng bào đã chết trong sự đày đọa đến tận cùng của cái đói.

Năm đó, 1945, cũng là năm Ất Dậu, cách đây tròn một vòng quay 60 năm của vũ trụ.

Tiết xuân thanh khiết, đằm ngọt trong gió lành và lộc biếc. Con đường phẳng rộng thênh thênh chạy từ phố xá phồn hoa đến làng mạc trù phú. Lúa chiêm xanh non trải từ bờ ruộng mải miết đến tận chân trời.

Từ thành phố Thái Bình xe chạy chừng nửa tiếng đồng hồ thì đến xã Tây Lương, huyện Tiền Hải. Làng quê khang trang như phố; người xe vui như hội. Cảnh thái bình no ấm đầy căng trong tiếng trẻ nô cười. Nhưng 60 năm trước, nơi đây là một địa ngục thảm khốc...

Bàn chân quỷ đói

Ông lão khoan thai quắc thước không giấu vẻ mãn nguyện của cảnh đề huề phúc lộc. Ông là Lại Thanh Hằng, người thôn Trung Tiến, tuổi 77, sức vẫn khang cường, vợ chồng yên ấm, nhà cửa đàng hoàng. Gần chục người con đều đã nên gia thất, tài danh hưng vượng. Nhưng câu chuyện của 60 năm xa xưa ấy đã làm ông bật khóc. Tiếng nấc khô khốc và giọt nước mắt người già thấm qua những nếp nhăn sâu hằn, bật lên nỗi đau khổ tột cùng.

Ông kể: Ngày ấy, gia đình ông cũng như bao nông dân khác nối đời sống bên ruộng lúa, vườn khoai. Cái bóng của đồn Tây và cổng đình bao năm đè nặng kiếp người. Đường làng khi in thêm dấu giày lũ Nhật lùn thì cuộc sống ngày càng ngột ngạt bởi sưu cao thuế nặng. Cái khô ngái của giong, khoai, củ chuối... ngày một đậm đặc trong nồi cơm.

xFrvzzIc.jpgPhóng to
Thế nhưng nạn đói tàn khốc nhất lịch sử chính thức ập đến từ vụ mùa năm 1944. Năm ấy điềm trời hung gở khác thường. Không chỉ cánh đồng mấy trăm mẫu của Tây Lương mà khắp nơi đâu đâu lúa cũng chết vàng. Lúa dâu, lúa di, lúa tám đều bị hoàng trùng (nay gọi là rầy) phá hết. Nhà ông cấy 2 mẫu nhưng sau khi trừ tô thuế đem về được hơn 1 tạ thóc. Đó là lương thực của bốn người lớn trong suốt sáu tháng dài ròng rã.

Bố mẹ ông bàn tính gì đó rồi mỗi bữa cơm cắt bớt phần gạo. Dần dần bớt cả bữa ăn. Năm đó ông 17 tuổi, sức đương trai nhưng mỗi ngày cũng chỉ có nửa bát cơm, hai củ khoai. Sau rồi mỗi sáng ông đi chăn trâu, mẹ ông cho một nắm thóc rang vừa đầy một lòng bàn tay. Ông gói qua mấy lần lá rồi vài tiếng lại lấy ra vã vào mồm nhai cả trấu, chia đều cho cả ngày dài.

Đêm đêm gia đình ông hì hụp ngoài sông Sứ cất vó tép. Ba, bốn người ngoi ngóp cả đêm may ra hôm sau đem ra chợ đổi được một chén thóc. Có hôm không ai mua thì đem về đổ vào nồi nấu cháo. Đầu tháng giêng, mẹ ông bắt đầu đem nồi đồng, mâm, ấm, lư hương, tủ thờ... đi bán.

Rồi bố ông dắt trâu xuống huyện cầm cố đem về được 2 yến thóc. Mẹ ông giấu lúa vào bì, lấy gỗ đá, cối xay chất lên làm sao để không ai có thể lấy ra được. Chỉ mình bà biết một cái lỗ thông bằng mắt trâu có thể thọc tay móc ra ít một. Thỉnh thoảng bố ông nói: “Bọn cướp đang rình nhà mình...” rồi ông kê chõng ngủ bên ngoài với một cái thuổng sắc.

Nhà ông bắt đầu phải giết chó, giết lợn, giết gà… Không chỉ để ăn, mà bởi cũng không còn gì để nuôi nó. Có nhà phải giết chó mẹ và 4 chó con vừa mở mắt. Hết gia súc, gia cầm, người ta đào củ chuối, hái rau rệu, rau má, bẻ cây ngô, mò ốc, đào cua, bắt cà niễng, cào cào, châu chấu… để ăn. Cầm cự đói, nhà ông cùng dân làng ra đồng bắt chuột.

Chuột năm ấy chậm chạp, lại dạn người có lẽ cũng vì đói và liều nên rất dễ bắt. Thời gian đầu còn chuột thì chúng được nấu giả cầy, nướng lá chanh, hấp chấm muối, bó giò... Nhà ông còn kho đến mấy nồi đất toàn chuột nấu đông ăn dần. Sau hiếm chuột. Bắt được một con cả nhà mừng như phá cỗ, nướng qua loa rồi xé vội vàng ăn...

Tất cả các loại cây đu đủ, dứa dại, chuối, giong... ngoài đường, trong vườn đều bị đốn ăn không còn một mống. Có gia đình đói quá nghiền trấu, trộn mùn cưa vào cháo ăn. Cháo ít hồ dần, cuối cùng toàn mùn cưa với trấu. Làng bên còn có người ăn cả đất. Lại có người ngày nào cũng chạy theo mấy con ngựa của Nhật, Tây để hốt phân của nó về đãi lấy hạt ngô chưa bị tiêu hóa để ăn...

Cái đói giày vò, đày đọa con người đến cùng cực. Nó cào ruột suốt ngày đêm. Nó mở banh con mắt không cho ngủ. Nó kéo bàn chân lê khắp ruộng, khắp làng. Nhà mình đói, làng mình đói thì nhà người ta, làng người ta cũng đói nên có gì đâu mà kiếm. Nhưng cái đói nó không cho ngồi, nó bắt phải đi. Kể cả đi đến nơi mà hôm qua vừa bỏ về…

Theo giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học VN, ngoài các chính sách tô cao thuế nặng, Nhật còn đưa ra một “chương trình kinh tế chỉ huy” nhằm thực hiện một cách triệt để chủ trương phát xít của mình.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 6-5-1941 Nhật buộc Pháp ký một hiệp ước kinh tế yêu cầu Pháp phải cung cấp lương thực ở Đông Dương cho Nhật hằng năm.

Bốn năm liền từ 1941-1944 Nhật - Pháp đã ký bốn hiệp định giao nộp lúa, ngô cho Nhật mỗi năm từ 700.000 - 1,3 triệu tấn, tương đương 50-80% tổng sản lượng lương thực VN thời đó.

Để phục vụ chiến tranh, phát xít Nhật còn cần rất nhiều nguyên liệu từ những cây trồng có sợi, có dầu như đay, gai, bông, thầu dầu... nên chúng đã bắt rất nhiều vùng quê nhổ lúa trồng đay và các loại cây trên.

Tài liệu của người Pháp thống kê: năm 1944 VN trồng tới 45.000ha đay, gấp chín lần diện tích của năm 1940 do 10 công ty độc quyền của Nhật thu mua, chế biến, kinh doanh thứ cây này.

Cũng theo tài liệu trên, chiến tranh của đồng minh với Nhật tại Đông Dương khiến 50% hệ thống giao thông Nam - Bắc VN bị phá hủy, 90% phương tiện vận tải bị hư hỏng khiến việc đưa lương thực cứu trợ từ Nam ra Bắc càng thêm khó khăn.

Chiến tranh làm cho nhu cầu nhiên liệu: than, dầu, điện của Nhật tăng cao. Chúng đã lấy ngô, vừng, lạc và cả lúa gạo để thay thế những nhiên liệu này phục vụ mưu đồ phát xít, đẩy người dân vào thảm họa chết đói.

Làng quê tan hoang xơ xác. Cỏ dại lút đầu gối mọc khắp đường đi, sân nhà, ngõ xóm. Tiếng trẻ con khóc như mèo hoang ai oán suốt đêm. Người người đổ hết ra đường, lê la ngoài bụi chuối, cánh đồng. Cái lạnh thấu xương, bóng đêm đen đặc xuyên qua cái tết lúc nào chẳng hay… Cả thế gian là một màu vàng vọt, xiêu vẹo của đói và đói... Bắt đầu đã có người chết đói trong làng…

Người khiêng xác

Chỉ ra vườn chuối phía sau nhà, ông Hằng nghẹn ngào nói: “Cái chết đau thương nhất đối với tôi là bác Ngảnh, đó là bác ruột tôi và cũng là một trong những người đầu tiên của thôn chết đói.

Thật ra thì bắt đầu khoảng rằm tháng giêng đã có người chết đói ngoài chợ, ngoài đồng. Những gương mặt phù thũng, những ánh mắt thất thần, những thân hình tiều tụy dúm dó bên đống rạ, bụi chuối... đã mang nặng bóng dáng của thần chết rồi.

Nhưng nửa đêm nghe tiếng khóc khô khản vẳng ra từ nhà người thân thì tôi thật sự hãi hùng. Bác Ngảnh chết lạnh cứng đờ, người co quắp trong ổ rơm. Lật thân hình da bọc xương, dúm dó trong mấy miếng vải rách nát, tôi thấy mấy sợi rơm còn vương trong miệng bác. Đó cũng là người đầu tiên trong họ nhà tôi chết đói”.

Khiêng người bác ra đồng chôn, về đến nhà lại có người nhờ bố con ông Hằng đi chôn người chết. Và bắt đầu từ đấy người chết đói trong làng đếm không xuể. Bố con ông Hằng là một trong số ít người còn đủ sức để chuyên đi chôn người chết.

Hồi tháng hai, tháng ba, người chết còn được chôn bó chiếu. Sau đến tháng tư, năm cả làng chết đến mấy trăm người thì không ai còn sức, chẳng nhà nào còn đủ chiếu chăn thì bó xác người bằng vó, bằng lưới, vùng biển thì bằng mảnh buồm. Có khi bó một người lớn với hai ba đứa nhỏ trong một tấm vó.

Ông Hằng thấp hơn nên thường đi trước. Ông nhớ có hôm mình phải đi chôn 4-5 người, mệt quá không nhấc cao tay lên được. Cái đầu người chết thả trễ xuống đất cứ đập bình bịch vào gót chân ông theo mỗi bước đi. Ông Hằng trở thành người chuyên chôn xác đói lúc nào không hay.

Bà Hoàng Thị Chén, 87 tuổi, người thôn Hiên, nói: thôn này lúc cao điểm một ngày chết mấy chục người. Cả người thôn mình lẫn người nơi khác đến đây rồi chết.

Cứ sau mỗi đêm lạnh là lại la liệt xác người trong nhà ngoài ngõ, giữa đồng. Tuần đinh lấy dây buộc vào cổ tay, cổ chân, cổ họng người chết rồi kéo lê ra hố quăng xuống. Sau này chồng bà cùng những người khác đào hố lên thấy có những đám cả 4-5 người bị chôn ở tư thế ngồi, họng còn thắt sợi dây thép.

Ông Lê Văn Bình ở huyện Đông Hưng còn kể: bấy giờ ở những khu phố hay cổng làng nhà giàu, quan lại người ta còn phải thuê người đem xác dân chết đói đi chôn, tránh thối rữa trong làng xã, khu phố. Giá ban đầu là một đồng một xác người, sau hạ xuống 5 rồi 3 hào. Có tay làm ăn dối trá, đào hố nông choèn, vùi lấp qua loa. Vài ngày chuột, quạ, sâu bọ lại bới lên thối không chịu được...

------------------

* Kỳ tới: Dưới đáy của địa ngục

QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên