01/01/2006 08:33 GMT+7

Năm mới nhìn lại bài học 30 năm

NGỌC VINH - ĐẶNG ĐẠI thực hiện
NGỌC VINH - ĐẶNG ĐẠI thực hiện

TTCN - Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành đã và đang diễn ra trên khắp nước trước khi tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X vào đầu năm tới. Hàng triệu người dân đang chờ đón và hi vọng Đại hội X mở ra “cánh cửa tương lai” cho tăng tốc và nâng cao chất lượng phát triển đất nước.

3RqyV379.jpgPhóng to
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh
TTCN - Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành đã và đang diễn ra trên khắp nước trước khi tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X vào đầu năm tới. Hàng triệu người dân đang chờ đón và hi vọng Đại hội X mở ra “cánh cửa tương lai” cho tăng tốc và nâng cao chất lượng phát triển đất nước.

Trong số người hi vọng đó có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong những người đã giữ vị trí quan trọng trong lịch sử 20 năm đổi mới đất nước kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Ông đã dành cho TTCN một cuộc chuyện trò thân mật.

Năm 1978, ở miền Tây Nam bộ, sự chỉ đạo của Chính phủ là giá lúa mua không quá 8 đồng/kg, kể cả lúa giống. Anh em dưới đó than trời: nếu không mua được lúa để xuống giống cho kịp vụ đông xuân năm sau, thì năm sau còn thiếu đói trầm trọng nữa.

Tôi xuống miền Tây họp với các đồng chí lãnh đạo - những đồng chí đã từng sống chết với nhân dân qua hai cuộc kháng chiến. Lãnh đạo địa phương kêu và tôi nói: Một là dân đói nhưng các đồng chí giữ nguyên chức nếu theo đúng chỉ đạo, mua lúa giống không quá 8 đồng/kg. Hai là dân no, khắc phục được ngay hậu quả, kịp vụ, nhưng các đồng chí mất chức. Các đồng chí chọn cái nào?...

Cuối cùng các đồng chí ấy chọn cái mất chức.

Tôi nói rằng: không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ lo cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương, thì thà chịu mất chức còn tốt hơn là ngồi đó để thấy dân mình đói khổ.

* Thưa ông, Đại hội Đảng bộ TP.HCM (lần VIII) vừa diễn ra đã có báo cáo tổng kết 30 năm (1975-2005). Đây là một sự kiện đáng lưu ý khi biết rằng Đại hội Đảng X toàn quốc sắp tới chỉ đặt vấn đề tổng kết 20 năm đổi mới (1986-2006). Theo ông, việc tổng kết một giai đoạn dài 30 năm có ý nghĩa gì với TP.HCM?

- Đặt được vào văn kiện đại hội chuyện tổng kết 30 năm là điều đáng ghi nhận ở Đại hội Đảng bộ TP.HCM. Tôi cho rằng lẽ ra Đại hội X với tầm toàn quốc cần phải tổng kết luôn chặng đường 10 năm trước đổi mới mà báo Tuổi Trẻ các anh đã gọi rất hay là “đêm trước của đổi mới”. Nếu chỉ tổng kết 20 năm đổi mới là không hợp lý, thiếu thuyết phục.

Tổng kết 30 năm mới đủ rút ra những bài học sâu sắc để giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng về quan điểm, nhận thức..., tránh được những sai sót trong chủ trương và điều hành đất nước cho giai đoạn phát triển sắp tới. Khi TP.HCM đặt vấn đề tổng kết 30 năm, đó là điều rất hợp lý vì chế độ cũ ở đây đã kết thúc đúng 30 năm trước. Sau khi giải phóng, Sài Gòn thống nhất với cả nước, thì có một thực tế là đời sống kinh tế của TP đi xuống trong 10 năm sau đó. Vì đâu như vậy? Tôi nghĩ đó chính là lý do thuyết phục để TP.HCM cần làm một tổng kết 30 năm.

* Là người điều hành TP.HCM trong 10 năm đó, theo ông, bài học nào của thời kỳ đó có giá trị cho chúng ta để tránh lặp lại sai sót ở ngày hôm nay?

- Đất nước chúng ta đã trả giá đắt trong 10 năm đó. Bài học lớn nhất chính là sự giáo điều, rập khuôn, áp dụng một cơ chế không phù hợp với qui luật phát triển, làm kinh tế theo ý chí chủ quan, chọn con đường tưởng là gần và nhanh nhưng thực tế là rất nhiều vấp váp. Cho nên không tổng kết được 10 năm ấy, tôi cho rằng nếp nhận thức cũ còn rơi rớt sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, đến chính sách, đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

* Nhiều người dân đã coi ông là một thành viên của nhóm tác giả chủ chốt thực hiện công cuộc 20 năm đổi mới. Ông đã rút ra được kinh nghiệm gì trong khoảng thời gian khá dài này?

- Trước hết, cần nêu rõ rằng đổi mới là đáp ứng yêu cầu, sự đòi hỏi bức xúc của các tầng lớp nhân dân, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước VN lúc bấy giờ.

Bài học lớn nhất của 20 năm đổi mới là chúng ta đã hiểu và thấy rõ khả năng xây dựng nước VN tự chủ theo một đường lối riêng của dân tộc mình. Mở rộng dân chủ, đoàn kết dân tộc, chủ động hội nhập quốc tế, từ đó có thu nhập quốc dân bình quân đầu người ở mức độ khá, có lối sống lành mạnh, tốt đẹp. Điều đó cộng với quá khứ lấp lánh những kỳ tích của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập sẽ giúp VN có một thế đứng mới, được tin cậy và trân trọng trên thế giới.

* Giữa những bài học của “đêm trước đổi mới” và 20 năm đổi mới, ông chọn bài học nào để làm kim chỉ nam cho công cuộc chấn hưng đất nước hiện nay?

- Đó là tinh thần của Đại hội VI: “Nhìn thẳng vào sự thật, dám chấp nhận nỗi đau của sự thật”. Chính tinh thần này đã làm nên bước ngoặt đổi mới sau năm 1986. Bây giờ, ở thời điểm đẹp như thế này, cả đối nội và đối ngoại, tôi mong Đại hội X tạo một bước bứt phá vượt lên, không chấp nhận tụt hậu.

* Thập niên 1990 là những năm quyết định của tiến trình đổi mới. Ông có thể cho thấy ưu điểm nổi bật nhất của giới lãnh đạo giai đoạn này?

- Chúng tôi thời ấy có cái được là có quá trình dài trải qua đấu tranh cách mạng, qua những kinh nghiệm thành công và dám nhận những sai sót để sử chữa (rồi bên cạnh là có bậc lãnh đạo đàn anh chúng tôi làm chỗ dựa). Ưu điểm nổi bật là tất cả tập trung mọi nỗ lực cho mục tiêu chung: lo cho dân, cho nước.

* Còn bây giờ, ông nghĩ gì về thế hệ lãnh đạo trẻ đi sau ông hiện nay?

- Những nhiệm kỳ sau đó và hiện nay giới lãnh đạo có nhiều lợi thế, nhiều điều kiện làm việc thuận lợi hơn, nhất là sức trẻ, kiến thức văn hóa, phương tiện thông tin, được tiếp cận nhiều vấn đề mới trong quan hệ với bên ngoài...

Tôi trân trọng họ, tin tưởng họ và đánh giá cao học về khả năng cống hiến và nhiều điều khác..., nhưng cũng có điều không ngờ và thất vọng đối với một số người còn nể nang, tránh né, chưa phê phán đúng mức cái mà mình thấy sai, chưa quyết đoán theo cái mà mình thấy đúng...

* Trong giai đoạn khó khăn của “đêm trước đổi mới”, ông đã từng khuyến khích cán bộ của mình “phá rào”: điều đó thật quyết liệt. Hiện nay, TP.HCM cần phải quyết liệt như thế nào để tạo ra một sức bật thật sự đúng với đòi hỏi của cuộc sống?

- Nếu cả nước chưa có một quyết sách chung để có thể bứt phá và nâng cao chất lượng phát triển thì TP.HCM đương nhiên cũng bị ảnh hưởng. Nhưng TP.HCM cũng có cái riêng của nó: cơ chế hiện tại, vị trí của thành phố, bài học trước đây của TP... Nếu TP này có một cấp lãnh đạo dám chịu trách nhiệm với thực tế đòi hỏi của TP trong từng bước đi thì không cần đặt ra sự phá bỏ cái gì, chỉ cần biết vận dụng có trách nhiệm những bài học đã thu được, dám sáng tạo, dám mở ra cái mới, tôi tin rằng TP sẽ phát triển với nhịp độ và chất lượng khác.

TP.HCM vốn có điều kiện huy động nhân tài, vật lực và có ảnh hưởng rất lớn với cả vùng Nam Trung bộ, Tây nguyên và Tây Nam bộ (đối với miền Đông Nam bộ là đương nhiên). Nếu trên cho phép làm tới đâu chỉ làm tới đó, hài lòng rằng thế là ta nghiêm túc thì bất cứ cấp nào, ngành nào nhận thức như vậy, tôi cho là không đủ trách nhiệm..., có thể nói là sợ trách nhiệm. Sợ, tránh thì đồng nghĩa với an phận, triệt tiêu năng động.

* Nếu những người lãnh đạo Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ tới mời ông phát biểu một câu, ông sẽ nói điều gì?

- Phải gánh vác trách nhiệm là đầu tàu. Đầu tàu mà không vượt lên trước để kéo theo đoàn tàu là có lỗi lớn với đại cuộc.

* Từng nhiều năm gánh vác chức vụ thủ tướng, ông có thể nói cho thế hệ sau biết bí quyết lãnh đạo của mình?

- Nghe kỹ. Nghe ngược nghe xuôi các nhà nghiên cứu, quản lý (nghe xốn lỗ tai cũng được) trước khi quyết định, và khi ra quyết định thì đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi.

________________Tin, bài liên quan:

Cần những người chịu nghe sự thật và dám quyết đoán "Vì cả nước, TP.HCM phải có bước đột phá" Trách nhiệm cá nhân người đứng đầuĐại biểu Quốc hội phải giám sát mọi lúc, mọi nơi Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta Chúng ta đã chưa tận dụng, khai thác tốt thời cơ

NGỌC VINH - ĐẶNG ĐẠI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên