31/01/2017 15:50 GMT+7

Năm Gà nghe chuyện tuyệt kỹ võ học Hùng kê quyền

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Tuyệt kỹ võ học Hùng kê quyền gắn liền với tên tuổi của cố lão võ sư Ngô Bông, trước khi ông mang bài quyền biểu diễn ở Hàn Quốc năm 2004 để sau đó bài quyền trở nên nổi tiếng thì tại quê ông, bài quyền ấy rất thân thuộc.

Lão võ sư Ngô Bông với tuyệt kỹ Hùng kê quyền khi còn tại thế - Ảnh: Lê Văn Chương
Lão võ sư Ngô Bông với tuyệt kỹ Hùng kê quyền khi còn tại thế - Ảnh: Lê Văn Chương

Chuyện chẳng mấy người biết về ông Lâm Hổ 

Thôn Điền Chánh, nơi cố lão võ sư Ngô Bông sinh sống giờ vẫn còn một võ đường do con trai ông Ngô Bông là võ sư Ngô Sỹ giảng dạy. Võ đường ấy là tâm huyết cả đời của cố võ sư Ngô Bông. Tôi chẳng biết ông lập võ đường ấy từ bao giờ, nhưng năm 1995 khi tôi bảy tuổi đã theo học võ ở  đây.

Ông Bông khá thân thiết với ông bà ngoại tôi nên theo học võ không tốn tiền. Mà thật ra ông Bông cũng chả lấy tiền của ai, chủ yếu là võ sinh tự nguyện nộp để ông trang trải cuộc sống bởi cả đời ông chỉ đam mê luyện võ. 

Cố lão võ sư Ngô Bông đi quyền bài võ Hùng Kê - Ảnh: Trần Đăng
Cố lão võ sư Ngô Bông đi quyền bài võ Hùng Kê - Ảnh: Trần Đăng

Ông khá khó tính và khắt khe với võ sinh, nhất là những đứa trẻ có tính hiếu thắng thường được ông rèn dũa rất kỹ. Hồi đó, sau mỗi buổi luyện quyền, ông lại cho võ sinh đối kháng, cốt là để nhận ra ai có cốt cách để truyền thụ. Những võ sinh hiếu thắng ông lại dạy rằng “Võ không phải để đánh nhau giành phần thắng cho mình mà là để bảo vệ người yếu thế và tôi rèn tính nhẫn”.

Nghề võ thì không giàu, nhưng cả đời tôi mong truyền thụ cho con cháu sau này để không mất đi tinh hoa mà các thế hệ cha ông đã khổ luyện, nhằm giữ gìn non sông bờ cõi.
Võ sư Ngô Bông 

Ông khá khó tính và khắt khe với võ sinh, nhất là những đứa trẻ có tính hiếu thắng thường được ông rèn dũa rất kỹ. Hồi đó, sau mỗi buổi luyện quyền, ông lại cho võ sinh đối kháng, cốt là để nhận ra ai có cốt cách để truyền thụ. Những võ sinh hiếu thắng ông lại dạy rằng “Võ không phải để đánh nhau giành phần thắng cho mình mà là để bảo vệ người yếu thế và tôi rèn tính nhẫn”.

Cố lão võ sư Ngô Bông Hướng dẫn môn sinh luyện quyền khi còn tại thế - Ảnh: Trần Đăng
Cố lão võ sư Ngô Bông Hướng dẫn môn sinh luyện quyền khi còn tại thế - Ảnh: Trần Đăng

Ngoại tôi, xuân này đã 95 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Những người lớn như ngoại tôi ít gọi ông là Ngô Bông mà gọi là Lâm Hổ. Cái tên này những người lớn tuổi như ngoại biết rõ nguồn gốc. Lâm Hổ là cái tên do hai danh sư võ học cũng là thầy của ông Bông là Bảo Truy Phong và Lâm Võ đặt cho cố lão võ sư Ngô Bông sau khi thấy được khả năng tinh thông võ họ của ông Bông.

Ông Bông nổi tiếng với bài Hùng kê quyền nhưng cuộc đời võ học của ông không chỉ có vậy, cố lão võ sư còn tinh thông đao, thương, kiếm, côn… Những người thế hệ của ngoại tôi thì cố lão võ sư Ngô Bông không chỉ nổi tiếng chỉ với bài võ Hùng kê quyền của Đông Định Vương Nguyễn Lữ sáng tạo ra.

Ngoại  bảo ông Lâm Hổ thuộc làu các tuyệt kỹ võ cổ truyền khác như: Hắc hổ, Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm, và để các bộ trảo uy lực như móng vuốt của hồ, ông đã luyện thiết sa chưởng với cát, sỏi. Cũng chính nhờ đó mà ông được hai người thầy đặt cho cái tên là Lâm Hổ.

Tuổi thơ ông Ngô Bông lớn lên không có tình sự chăm sóc của ba mẹ mà được sự dưỡng  dục của nhà ngoại. Và bài võ Hùng kê quyền được hai cậu của cố lão võ sư Ngô  Bông là Lê Thùy và Lê Chót dạy cho.

Đó cũng là bài võ mà mỗi buổi sáng ông lại mang ra luyện như một bài thể dục dưỡng sinh. Trong nhà cố lão võ sư Ngô Bông nuôi rất nhiều gà đá. Ông thường xem những chú gà chọi tranh hùng để bài võ Hùng kê quyền thêm hoàn thiện.

Bài quyền Hùng kê trứ danh của cố lão võ sư Ngô Bông - Ảnh: Trần Đăng
Bài quyền Hùng kê trứ danh của cố lão võ sư Ngô Bông - Ảnh: Trần Đăng

Cầu Gò Sa, cách nhà cố lão võ sư Ngô Bông chừng 300m là nơi mỗi buổi chiều đám trẻ chăn trâu vừa tắm trâu vừa tắm cho mình, còn người lớn thì giặt áo quần sau một ngày lao động. Ông Bông thường lên đó chơi và truyền dạy tinh thần thượng võ cho người làng. 

Học võ là học đạo. Học làm người lương thiện.
Võ sư Ngô Bông

Và cuộc đời ông luyện võ đến mức đôi tay chai sần, những thớ cơ cuộc chặt như sợi dây thừng. Trước khi ông qua đời năm 2011, mỗi ngày ông vẫn đi những bài quyền nhanh như báo, mạnh như hổ và uyển chuyển như rồng bay phượng múa.

Khi ông còn sống tết năm nào tôi cũng đến thăm ông và được ông cho chiêm ngưỡng những đường quyền của bài võ Hùng kê tuyệt thế. Tết Đinh Dậu này, đến thăm nhà lại không còn được thấy bài võ gà tinh xảo của ông nữa.

Võ sư Ngô Lâm Em chỉ dạy một thế võ trong bài Hùng kê quyền cho võ sĩ Nguyễn Thị Hoàng Tú - Ảnh: Kiều Tử Trực
Võ sư Ngô Lâm Em chỉ dạy một thế võ trong bài Hùng kê quyền cho võ sĩ Nguyễn Thị Hoàng Tú - Ảnh: Kiều Tử Trực

Những đệ tử Hùng kê quyền

Trong cả cuộc đời võ học và mong muốn truyền đạt những tuyệt kỹ của dân tộc cho thế hệ sau, có lẽ khi qua đời, cố lão võ sư Ngô Bông cũng đã mỉm cười khi trong tám người con của ông có ba người theo nghiệp võ.

Đó là võ sư Ngô Sỹ, nối nghiệp cha giữ võ đường. Hai người con khác là Ngô Lâm Em và Ngô Thùy Dung hiện đang là Huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện thể thao Quảng Ngãi. Và võ sư Lâm Em là người đang tiếp bước cha mà rạng danh bài võ Hùng kê quyền.

Võ sư Lâm Em (47 tuổi) đọc hai câu thơ đầu trong lời thiệu bài Hùng kê quyền: “Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng/Song túc tề phi trảo thượng xung”… rồi nói về cuộc đời võ học của cha mình đó là nhân cách và tinh thần thượng võ nổi danh.

Và võ sư Lâm Em cũng đang theo những di nguyện của cha để truyền thụ tất cả những gì mình học được cho môn đệ, để những bài võ đời người của cha mình không bị thất truyền.

Trước khi qua đời, cha tôi đã căn dặn các học trò và con cháu phải đem hết tâm lực phụng sự cho võ cổ truyền dân tộc và mong muốn đất nước sớm đưa võ cổ truyền thành “quốc võ” như thời Tây Sơn đã làm. Có như vậy mới đưa được nền võ Việt sánh vai cùng các nền võ thuật tiên tiến khác trên thế giới.
 Võ sư Lâm Em
Cố lão võ sư Ngô Bông luôn quan tâm hướng dẫn môn sinh học võ giữ lại cội nguồn võ thuật Việt Nam - Ảnh: Lê Văn Chương
Cố lão võ sư Ngô Bông luôn quan tâm hướng dẫn môn sinh học võ giữ lại cội nguồn võ thuật Việt Nam - Ảnh: Lê Văn Chương

Năm Dậu lại thiếu bóng cha, võ sư Lâm Em thoáng chút buồn. Nhưng ông vẫn nhớ lời cha dặn nên vẫn miệt mài với võ học. Dưới sự chỉ dạy của võ sư Ngô Lâm Em, rất nhiều vận động viên ở Quảng Ngãi đã đạt được thành tích cao trong thi đấu, biểu diễn võ thuật như võ sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Hoàng Tú, Nguyễn Quốc Đạt...

Trong số đó có thể kể đến nữ võ sĩ Nguyễn Thị Hoàng Tú đã 7 lần đạt huy chương vàng tại các kỳ thi võ cổ truyền Việt Nam toàn quốc với bài Hùng kê quyền.

Ông Nguyễn Ninh, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật tỉnh Quảng Ngãi bảo rằng từ ngày võ sư Ngô Bông qua đời, những tuyệt kỹ của ông không hề bị mai một mà đang được các thế hệ sau phát huy, cùng với các võ học khác trên cả nước phát huy võ Việt.

“Những truyền nhân mà lão võ sư Ngô Bông rèn dạy đang thay thế vai trò của ông. Có một chút nuối tiếc là trong năm Đinh Dậu này lại không được nghe võ sư Ngô Bông nói về tuyệt kỹ Hùng kê quyền”, ông Ninh nói.

 

 

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên