22/07/2014 10:47 GMT+7

Nấm độc gây suy gan suy thận

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG(phó khoa nội tiêu hóa - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)
BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG(phó khoa nội tiêu hóa - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)

TT - Mùa mưa là thời điểm thích hợp cho một số loại nấm sinh sôi và nấm cũng là món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, nếu không chắc về nguồn gốc của các loại nấm thì tốt nhất là đừng nên ăn.

qGZcRrWR.jpg
Một số hình ảnh của “nấm tử thần” (Amanita pholoides) - Nguồn: Wikipedia
5bFo2Aik.jpg
Một số hình ảnh của “nấm tử thần” (Amanita pholoides) - Nguồn: Wikipedia
OOrzlUcL.jpg
Một số hình ảnh của “nấm tử thần” (Amanita pholoides) - Nguồn: Wikipedia

Ngộ độc nấm tuy không xảy ra thường xuyên, nhưng khi xảy ra thì hậu quả thật khó lường.

“Nấm tử thần”

Ăn ngon ngọt như nấm thường, song loại nấm rừng này cực độc, có tên gọi Amanita pholoides hay còn gọi là “nấm tử thần”. Cách nhận diện nấm này là: mũ nấm hình bán cầu, đường kính có thể lên đến 10cm, màu sắc thay đổi từ xanh nhạt đến trắng tùy theo vùng của nấm mọc. Bề mặt của mũ nấm khá trơn láng. Phần tán dưới mũ nấm có màu trắng, có khi xen lẫn màu xanh nhạt. Chân nấm hình củ, phình ra.

Gây độc ra sao?

Độc tố gây độc trong nấm là amatoxin. Amatoxin có độc tính rất mạnh, làm chết các tế bào trong cơ thể. Ở ruột, nó làm chết các tế bào ruột do ức chế men RNA polymerase. Sau khi được hấp thu vào máu, nó sẽ nhanh chóng tìm đến hai cơ quan đích là gan, thận và làm chết, hoại tử hàng loạt tế bào gan, tế bào thận. Amatoxin có đặc điểm rất bền vững với nhiệt độ, dù đun sôi, nấu chín thật kỹ thì độc tố vẫn còn nguyên và gây độc. Cơ thể con người chúng ta hoàn toàn không có men giải độc nào hóa giải độc chất mà chỉ chờ thận thải nguyên vẹn độc chất ra ngoài qua nước tiểu.

Đáng lưu ý là phải sau ít nhất sáu giờ, amatoxin mới gây độc cho ruột và thường sau 24 giờ chúng mới bắt đầu tấn công gây độc cho gan, thận. Liều có thể gây độc của độc tố này là 0,1 mg/kg cân nặng. Một mũ nấm nếu to có thể chứa đến 10mg độc tố amatoxin, tức là có thể gây chết người dù chỉ ăn một mũ nấm!

Thường sau khi ăn phải nấm độc, nạn nhân vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường cho đến ít nhất 6-12 giờ sau, thậm chí có người sau 20 giờ mới có các biểu hiện ban đầu ở đường tiêu hóa như đau quặn bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy. Giai đoạn này rất dễ chẩn đoán lầm là ngộ độc thức ăn hay tiêu chảy nhiễm trùng.

Sau 1-2 ngày diễn tiến, bệnh nhân bắt đầu rơi vào tình trạng suy gan, suy thận do độc tố gây hoại tử gan và thận ồ ạt với các biểu hiện như tiểu ít, tiểu sậm màu, vàng mắt, vàng da, phù, chảy máu nhiều nơi trong cơ thể do rối loạn động máu, co giật, rối loạn ý thức rồi hôn mê sâu và tử vong.

HcqHxEsO.jpg
Nấm Amanita verna
SDezLqTR.jpg
Nấm Amanita virosa

Những loại nấm khác có thể gây ngộ độc như “nấm tử thần”?

Có hai loại nấm thuộc chi Amanita là Amanita verna và Amanita virosa cũng có độc tố amatoxin như “nấm tử thần” nhưng thường nhẹ hơn.

- Nấm Amanita verna có mũ nấm màu trắng, đôi khi có màu vàng bẩn ở giữa mũ nấm, song nhỏ hơn nấm tử thần (5-10cm), bề mặt mũ nấm khi thời tiết khô thì trơn láng, bóng, khi thời tiết ẩm thì ướt và dính. Cuống nấm và vòng dưới mũ nấm màu trắng, chân nấm cũng phình lên dạng củ.

- Nấm Amanita virosa cũng có mũ nấm màu trắng, cuống nấm và vòng dưới mũ nấm màu trắng và cuống nấm khá dài (15cm). Tuy nhiên nấm này có mùi khó chịu nên ít khi bị ăn nhầm.

Đa số những trường hợp ngộ độc “nấm tử thần” đều trầm trọng, cần phải điều trị rất tích cực ở các cơ sở y tế chuyên sâu phối hợp nhiều biện pháp như: thuốc hỗ trợ gan, chạy máy lọc thận, lọc huyết tương liên tục, thậm chí phải ghép gan mới hi vọng cứu sống được bệnh nhân.

Phòng “mang họa” vì ăn

- Không nên sử dụng bất cứ loại nấm mọc hoang nào, chỉ nên sử dụng các loại nấm trồng.

- Không sử dụng nấm có màu sắc rực rỡ, đẹp đẽ vì đây thường là các loại nấm độc.

- Dựa vào ba đặc điểm sau để phân biệt nấm độc không ăn được:

+ Nấm độc thường có bao ở gốc nấm phình lên như dạng củ hay dạng loa.

+ Nấm độc thường có những đốm sần sùi, nhiều loại màu sắc trên mũ nấm.

+ Nấm độc thường có vành như cái nhẫn bao quanh cuống nấm.

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG(phó khoa nội tiêu hóa - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên