29/10/2011 04:55 GMT+7

Nam bộ tiếp tục ngập nặng

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đỉnh triều đo được lúc 18g30 ngày 28-10 tại trạm cầu Bông (Q.Bình Thạnh) chỉ đạt 1,53m (thấp hơn 0,3cm so với dự báo). Tuy nhiên, cùng thời điểm trên xuất hiện mưa với lượng mưa 20mm đã làm tình trạng ngập trầm trọng thêm so với ngày trước đó.

1hUxxLbN.jpgPhóng to
Cơn mưa bất ngờ kết hợp triều cường biến đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thành một dòng sông - Ảnh: Q.Khải
yG8y16Sv.jpgPhóng to
Nhà anh Trần Văn Năm (P.Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) bị ngập gần 1m - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Khu vực nội thành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi triều cường là Q.Bình Thạnh. Khoảng 18g, đường Ngô Tất Tố đoạn trước Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã bị ngập hơn 20cm. Cùng lúc đó, một cơn mưa to ập xuống khiến nước ngập gấp đôi. Hàng loạt hộ dân ở đây phải dùng ván, bao cát chắn trước cửa nhà nhưng bị sóng đánh tan tành khi có xe tải lưu thông, thậm chí sóng còn đánh bung cửa sắt của một số hộ dân trên tuyến đường này.

Anh Ngô Hải Giang, địa chỉ 83 Ngô Tất Tố, cho biết: “Đã ba ngày bị ngập nhưng đâu ngờ hôm nay ngập dữ dội như vậy”. Mưa kết hợp với triều cường cũng làm tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa ngập nặng nhất trong vòng bốn ngày qua. Nước ngập kéo dài từ chợ Bà Chiểu đến chân cầu Bùi Hữu Nghĩa, có đoạn sâu qua đầu gối khiến hàng loạt phương tiện lưu thông trên đường bị chết máy, chủ các hàng quán trên tuyến đường này đành bó gối nhìn nước ngập.

Tương tự các tuyến đường khác của khu vực quận 7, 8 như Huỳnh Tấn Phát, Phạm Thế Hiển, Bến Phú Định... tiếp tục bị ngập nặng trong chiều 28-10. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hôm nay (29-10) đỉnh triều sẽ ở 1,48m và 1,53m vào 5g30 và 19g, sau đó sẽ hạ dần trong các ngày tiếp theo. Tuy nhiên tình hình ngập úng vẫn còn xảy ra trên diện rộng do khả năng mưa kết hợp với triều cường.

* Ngày 28-10, các đô thị khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục bị ngập nặng do lũ đổ về kết hợp cùng triều cường với mức ngập tương đương ngày trước đó dù mực nước lũ cao nhất có giảm đôi chút. Tại TP Cần Thơ, hàng loạt tuyến đường thành sông trong buổi sáng và chiều tối.

Sáng cùng ngày, triều cường lên làm nước lũ dâng cao theo hệ thống cống tràn vào khu vực nội ô làm ngập hàng loạt tuyến đường của TP Long Xuyên (An Giang). Ngay cả những tuyến đường ở một số khu đô thị mới thuộc phường Đông Xuyên dù vừa được xây dựng với cao trình vượt đỉnh lũ năm 2000 vẫn bị nước lũ tràn vào.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, lúc này lũ thượng nguồn đổ về lại gặp triều cường dâng nên mực nước trên sông Hậu vẫn duy trì trên mức báo động 3 từ 0,3m. Do ảnh hưởng của triều cường, trong vài ngày tới mỗi ngày TP sẽ tiếp tục hứng chịu hai đợt ngập nước vào mỗi buổi sáng và tối.

* Ngày 28-10, hơn 500 ngôi nhà dân thuộc phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An (Bình Dương) bị ngập khoảng 1m. Nguyên nhân do triều cường bất ngờ lên cao gây vỡ đê bao ở khu vực Cổ Cò, thuộc ấp Phú Hội, phường Vĩnh Phú.

Sự cố trên khiến nhiều tuyến đường dân sinh ở đây bị ngập sâu và chia cắt, xe gắn máy không thể đi lại. Do đê bao bị vỡ bất ngờ vào buổi tối và rạng sáng, nước tràn vào nhanh nên nhiều người dân không kịp di dời tài sản.

Thiệt hại gần 1.500 tỉ đồng do lũ

Ngày 28-10, tại hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2011 các tỉnh Nam bộ do Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết tính đến ngày 25-10, theo báo cáo của các tỉnh thành vùng lũ khu vực ĐBSCL, ước tính tổng thiệt hại gần 1.500 tỉ đồng.

Riêng thiệt hại về nông - lâm nghiệp chiếm phần lớn như 42.500ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị ngập úng, trong đó trên 11.000ha bị mất trắng, ước thiệt hại trên 470 tỉ đồng. Mùa lũ năm 2011 cũng làm trên 1.500km đê bao, bờ bao sạt trượt, hơn 940km kênh mương thủy lợi hư hỏng...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên