![]() |
Trời lạnh, người dân Sài Gòn đổ xô mua áo ấm đổ đống bán ở lề đường - Ảnh: N.C.T. |
Tại TP.HCM nhiệt độ ngày 11-1 là 17,2oC, giảm 0,4oC so với ngày 10-1. Buổi sáng tại TP còn xuất hiện sương mù dày đặc kéo dài đến hơn 9g. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đây là sự kết hợp giữa sương mù bức xạ và sương mù bình lưu. Tại Phước Long (Bình Phước) nhiệt độ giảm còn 16,4oC. Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhiệt độ tiếp tục giảm khoảng 1oC.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đây là tháng giêng lạnh nhất trong vòng chín năm qua. Nguyên nhân là do những đợt sóng không khí lạnh liên tục tăng cường từ Trung Quốc về miền Bắc rồi lan truyền tới miền Nam. Khi đợt không khí lạnh này chưa yếu thì đợt khác lại bổ sung làm cho nền nhiệt độ chung giảm. Dự báo trong hai ngày tới, nhiệt độ tại Nam bộ ít thay đổi hoặc có thể giảm nhẹ. Sau đó, thời tiết sẽ ấm lên rồi lạnh trở lại bởi một đợt không khí lạnh khác đang tăng cường.
![]() |
Trời lạnh, người dân TP.HCM mặc áo ấm khi ra đường - Ảnh: H.T.V. - N.C.T. |
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bộ phận không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc từ chiều và đêm nay (12-1) khiến tại đây tiếp tục rét đậm, rét hại. Dự báo đợt không khí lạnh này không gây mưa ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung bộ có mưa nhưng không đáng kể.
Ông Vũ Anh Tuấn - trưởng phòng dự báo hạn ngắn của trung tâm - cho biết tại các tỉnh miền Bắc trời tiếp tục quang mây nên hiện tượng bức xạ nhiệt xảy ra mạnh sẽ làm nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm. Vào buổi đêm và sáng sớm trời rét, vùng đồng bằng Bắc bộ nhiệt độ thấp nhất có thể xuống 7-10oC, vùng núi có thể xuống dưới 3oC, đề phòng băng giá, sương muối. Các tỉnh miền Trung mưa không lớn và nhiệt độ thấp nhất có thể xuống 17-18oC.
Người già, trẻ em mắc bệnh tăng Chị Nguyễn Thị Lạc (một công nhân ở xã Hóa An, TP Biên Hòa) nói: “Sao mấy bữa nay thời tiết lạnh quá. Sáng ngủ dậy, mở cửa cảm giác như giá rét. Tôi ở quê đến sống ở Đồng Nai bảy năm mới thấy thời tiết khác thường như vậy”. Theo chị Lạc, buổi chiều gió lành lạnh giống như đang ở Gia Lai, Đắc Lắc. Trời trở lạnh cũng làm con nhỏ của chị bị sổ mũi. TS Lê Hoàng Sơn, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết số lượng bệnh nhi khám mỗi ngày khoảng 1.000 trẻ (trước đó là 700-800 trẻ/ngày), trong đó trên 600 trẻ bị các bệnh lý về hô hấp và bệnh tiêu chảy. Đáng lo ngại là số trẻ bị viêm phổi nặng phải nhập viện gia tăng và có trường hợp tử vong do viêm phổi nặng. BS Sơn lưu ý các bà mẹ chú ý giữ ấm cho trẻ trong thời tiết này, nhất là trong lúc ngủ ban đêm, đồng thời cho ăn uống đầy đủ, tăng sức đề kháng cho trẻ để chống lại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể. Bác sĩ Cấn Phú Nhuận (trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư, Hà Nội) cho biết những ngày vừa qua, bệnh nhi đến bệnh viện không tăng nhưng số bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đến thời tiết như tiêu chảy do rotavirus, viêm đường hô hấp… có tăng. Trong đó, tiêu chảy do rotavirus là căn bệnh thường được gọi là “tiêu chảy mùa đông”, hiện chiếm tới 10% bệnh nhi vào viện khám mỗi ngày. Tại Viện Lão khoa, mỗi ngày hiện có 120-150 người cao tuổi tới khám. Các triệu chứng thường gặp cũng đều liên quan tới thời tiết lúc này như tai biến mạch máu não, tim mạch, viêm phổi… Do bệnh nhân đến viện khám thường đã ở giai đoạn nặng nên tỉ lệ các cụ vào viện gia tăng, với khoảng 80 cụ đang điều trị nội trú tại bệnh viện. |
...................................................
![]() |
Ông Thạch Tel (ở xã Đại Tâm, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) trước rẫy dưa hấu tết bị thụt ngọn, thất thu - Ảnh: N.Diện |
Chiều 11-1, tại làng hoa Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), nông dân chăm sóc hoa tết phải mặc áo ấm. Chị Như - chủ vườn hoa ở xã Mỹ Phong - than: “Nếu như những cơn mưa bất thường cuối tháng 12-2008 làm người trồng hoa điêu đứng vì nhiều loại bung mặt kiếng nở vô tội vạ thì trời lạnh đột ngột mấy ngày qua lại làm nhiều vườn hoa tết nín không chịu nở”.
Chỉ còn khoảng một tuần nữa phải đưa hoa ra chợ tết nhưng hiện gần 1.000 giỏ hoa cúc mâm xôi vẫn còn xanh um, trong khi nhiều nơi đã nở vàng rực. Chị Như nói: “Hoa nở đúng tết thì bây giờ đã bán được giá hơn 42.000 đồng/cặp, nhưng số hoa này nở trễ nên chưa thấy ai hỏi mua”.
Ông Đặng Văn Sai - trưởng Phòng kinh tế TP Mỹ Tho - cho biết: “Nếu trời lạnh thêm một tuần nữa thì một tỉ lệ không nhỏ hoa sẽ nở sau tết”.
Ông Nguyễn Văn Khang - giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang - nói toàn tỉnh trồng hơn 1.000ha dưa hấu tết, giảm 50% diện tích so với năm ngoái. Mưa trái mùa đã làm hàng trăm hecta bị ảnh hưởng, phải chọn lấy trái lần thứ hai (tức trễ vụ), 150ha giảm năng suất. Theo ông Khang, trồng dưa hấu tết trúng mùa hay không phải nhờ gió chướng từ biển lên. Tuy nhiên gần đây gió chướng rất yếu, thậm chí không có, lại gặp trời lạnh nên dưa hấu mất mùa và bị nhiều loài sâu bệnh tấn công.
Mai đã vàng vườn
Còn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, thế nhưng hiện nay nhiều vườn mai ở Vĩnh Phú, huyện Thuận An (Bình Dương) và quận 12, Thủ Đức
(TP.HCM) đua nhau nở. Tại xã Vĩnh Phú có khoảng 40% mai trổ bông sớm. Ông Bảy Liên - một nghệ nhân ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức - buồn rầu: “Thời tiết cuối năm bất thường, ban ngày nắng nóng, ban đêm trời trở lạnh nặng nên mặc dù chưa lặt lá, cây mai vẫn bị “tức” nhựa và đua nhau nở. Chú nhìn đó, 300 gốc mai, trong đó hơn 100 gốc là của người ta gửi nhưng có đến hơn 70% mai nở sớm. Như thế này không biết nói sao với khách và uy tín cũng sẽ ảnh hưởng, không biết mùa sau sẽ ra sao”.
Hiện tượng tiết trời trở lạnh đã khiến mai vàng nở hoa sớm làm nhiều nhà kinh doanh phải lao đao. Theo các nhà vườn, ước tính số tiền thất thu năm nay lên đến hàng tỉ đồng.
Tại vườn mai Đồng Tâm ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, anh Nguyễn Trường Lộc, kỹ thuật viên của vườn mai này, nói: “Năm nay trời trở lạnh nên từ 12 âm lịch đã phải lặt lá mai ghép, thay vì lặt trễ hơn vài ngày”.
Mất 5-7 triệu đồng/ha
Ông Trần Thanh Húa (ở xã Long Điền Tây, Đông Hải, Bạc Liêu) nói: “Đầu năm nay nếu nắng tốt như năm ngoái thì ruộng muối của tôi thu hoạch khoảng 5 tấn muối trắng. Tuy nhiên mấy ngày qua trời lạnh đột ngột, không có nắng nên chỉ thu được gần 400kg nhưng hạt muối không đạt chất lượng, phải bán rẻ với giá 1.200 đồng/kg, chỉ bằng 50% bình thường”.
Không riêng gì ông Húa, phần lớn diêm dân Tây Nam bộ đều gặp cảnh “cái ăn sắp tới miệng lại vuột mất” vì thời tiết. Nhiều diêm dân tỉnh Bến Tre cho biết khi muối vừa được 10 chữ thì gặp mưa (25 chữ thì thành muối), coi như mất trắng. Khi làm lại gặp trời lạnh, không nắng, độ mặn thấp nên chắc chắn vụ muối đầu năm này thất bại. Theo ước tính của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, trong đợt thu hoạch muối đầu vụ này diêm dân mất 5-7 triệu đồng/ha do thời tiết bất thường.
Đợt lạnh cùng mưa trái mùa kéo dài cũng đã làm ảnh hưởng nặng đến vụ thu hoạch kiệu của nông dân ở thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông Trần Văn Năm, một người dân trồng kiệu ở P.Định Hòa, cho biết: “So với năm trước, sản lượng kiệu thu hoạch của gia đình giảm đáng kể, khoảng 1-2 tấn/ha (trước đây trung bình 5 tấn/ha). Mỗi hecta kiệu nếu cho thu hoạch khoảng 2 tấn củ thì thu nhập chỉ được khoảng 10 triệu, đủ chi phí lấy công làm lời”.
Trong khi đó, theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, thời tiết trở lạnh cộng với sương muối nên khi gặp nắng đã làm hoa điều bị cháy đen, những bông trổ hạt sớm cũng bị ảnh hưởng nặng nề và rụng hàng loạt. Dự báo sản lượng 200ha điều của Bình Phước năm nay sẽ giảm mạnh so với năm trước do thời tiết bất ổn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận