07/11/2012 06:26 GMT+7

Năm 2014 mới có thể hết ngập lụt

NGỌC ẨN thực hiện
NGỌC ẨN thực hiện

TT - Ông Lê Thanh Liêm, giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM (gọi tắt là Ban NCĐT), cho biết như vậy về tình trạng ngập lụt tại lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm (TP.HCM).

RXnHjMkr.jpgPhóng to
Ông Lê Thanh Liêm - Ảnh: P.P.H.

Thời gian qua người dân ở các khu vực nằm trong phạm vi dự án xây dựng và cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm than phiền mỗi khi có mưa thì các tuyến đường như Bàu Cát, Hồng Lạc (Q.Tân Bình), Âu Cơ, Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú), Hòa Bình, Ông Ích Khiêm (Q.11)... đều bị ngập nước. Trao đổi về vấn đề này, ông Liêm cho biết:

- Lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm rộng khoảng 19km2 bao gồm các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú, có nhiệm vụ tiêu thoát nước thải sinh hoạt và nước mưa cho toàn bộ lưu vực. Trong khi đó, các hộ dân dọc kênh thường xuyên xả rác xuống lòng kênh, nhất là ở khu vực cầu Hòa Bình và cầu Trịnh Đình Thảo đã gây tắc nghẽn dòng chảy của kênh, làm ngập một số khu vực.

Ngoài ra, đầu năm 2011 dự án xây dựng hệ thống thoát nước cấp 2, 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm đã hoàn thành và thoát nước trực tiếp ra kênh. Do đó nhiệm vụ tiêu thoát nước của tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm càng nặng nề hơn trước do nước thoát về kênh rất nhanh khi có mưa, trong khi mặt cắt thoát nước của kênh vẫn không thay đổi.

Bên cạnh đó, công trình lắp đặt tuyến cống thoát nước từ giao lộ Âu Cơ - Đồng Đen đến giao lộ Bùi Cẩm Hổ - đường kênh Tân Hóa đang thi công khiến dòng chảy càng thu hẹp. Đối với khu vực Bàu Cát, Hồng Lạc và Âu Cơ địa hình thấp hơn xung quanh nên bị ngập cục bộ khi có mưa. Riêng khu vực đường Hòa Bình (Q.11) việc tiêu thoát nước đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng, với các trận mưa cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2012 có lưu lượng lớn, thời gian mưa kéo dài và lại bị xả lũ từ các hồ thủy lợi - thủy điện cộng với triều cường đạt mức kỷ lục 1,62m nên đã gây ngập lụt cho các khu vực nêu trên.

* Liệu có biện pháp nào để nước thoát nhanh hơn và giảm ngập trên đường?

- Chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu thi công phải mở rộng lòng kênh cũ và nạo vét tối đa mương dẫn dòng chảy, kết hợp với việc bơm thoát nước, vớt rác... nên các trận mưa nhỏ và mưa vừa là đảm bảo thoát nước tốt. Đồng thời các nhà thầu thi công bố trí lực lượng trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó khi có mưa lớn. Ban NCĐT yêu cầu các nhà thầu phải bằng mọi cách hạn chế, giảm tối thiểu tình trạng ngập lụt cho các khu vực xung quanh dự án khi có mưa lớn. Trường hợp có mưa lớn, bất thường và kéo dài phải phá dỡ đê quây các mũi thi công để dẫn dòng thoát nước trực tiếp vào cống hộp.

* Dự án sẽ còn thi công kéo dài đến năm 2014 mới kết thúc, liệu có thể đẩy nhanh tiến độ nhằm hạn chế ảnh hưởng đến dân?

- Theo kế hoạch được phê duyệt, đến cuối năm 2014 dự án sẽ hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng. Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống người dân... tại các khu vực liên quan. Ban NCĐT đã yêu cầu tư vấn giám sát - Công ty tư vấn CDM - hướng dẫn các nhà thầu thi công rút ngắn tiến độ. Hiện nay đã vào đầu mùa khô năm 2012-2013, Ban NCĐT đã yêu cầu các nhà thầu điều chỉnh kế hoạch thi công, dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ thi công xong phần cống hộp để bảo đảm thoát nước cho khu vực, phần đường trên cống hộp sẽ thực hiện trong năm 2014. Như vậy, dự án có thể góp phần chống ngập từ đầu năm 2014.

* Như vậy có nghĩa người dân khu vực sẽ còn chịu đựng đường phố ngập nước thêm 1-2 mùa mưa nữa?

- TP.HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, nên việc ngập lụt do mưa, triều cường là điều không thể tránh khỏi trên các vùng địa hình thấp, trũng của TP. Để giảm thiểu ngập lụt cho người dân thuộc lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, Ban NCĐT đã mời các đơn vị liên quan chứng kiến nghiệm thu nạo vét, vệ sinh lòng cống hộp của ba gói thầu cống hộp giữa tư vấn giám sát và nhà thầu thi công, kích thước cống phía thượng lưu là 2x(2x2,5m), kích thước cống lớn nhất là 4x(2,5x3m). Dự kiến sau khi nghiệm thu, Ban NCĐT sẽ cho phép nhà thầu tháo vách ngăn để cho thoát nước trực tiếp vào các đoạn cống hộp đã thi công. Như vậy, có thể làm hạn chế ngập lụt cho khu vực. Dự kiến vào đầu năm 2014 nước thải sinh hoạt và nước mưa sẽ được thoát trực tiếp vào hệ thống cống hộp.

Có thể mùa mưa năm 2013 cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng không nhiều như năm 2012, trong trường hợp mưa lớn từ 80mm trở lên kết hợp với triều cường chắc chắn sẽ bị ngập cục bộ trong một thời gian. Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế tình trạng ngập và hoàn thành đúng thời gian, góp phần khắc phục sớm nhất tình trạng ngập trên địa bàn của lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm. Chúng tôi cũng mong người dân trong các khu vực của dự án thông cảm và chia sẻ về các khó khăn trong quá trình triển khai thi công.

* Ban NCĐT sẽ đề xuất gì với cấp thẩm quyền TP về những giải pháp cần bổ sung nhằm làm giảm ngập nước - giảm thiệt hại cho dân trong quá trình thi công?

- Để đảm bảo việc dẫn dòng thoát nước đồng thời với việc thi công dự án hiệu quả, đảm bảo tiến độ thi công và hạn chế gây ngập lụt ảnh hưởng các khu vực xung quanh dự án, Ban NCĐT kiến nghị các địa phương xử lý nghiêm những trường hợp xả rác ra kênh, đặc biệt quan tâm tới khu vực cầu Hòa Bình và cầu Trịnh Đình Thảo để hạn chế việc ngăn dòng chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu.

NGỌC ẨN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên