28/12/2012 06:18 GMT+7

Năm 2013 tăng trưởng tín dụng 12%

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - Mục tiêu các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 là thận trọng và linh hoạt nhằm kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã khẳng định như vậy vào chiều 27-12.

J7bFu8Gg.jpgPhóng to
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng - Ảnh: Thanh Đạm

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng vay với lãi suất (LS) hợp lý hơn để đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.

Không áp trần lãi suất cho vay

"Lãi suất cho vay nên giảm thêm vì lãi suất huy động là 8%/năm thì lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 10-11%/năm"

Ông Cao Sĩ Kiêm (nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN)

Bà Nguyễn Thị Hồng, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12%, cao hơn so với 7% năm 2012. NHNN sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, nhưng không kiểm soát tỉ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích.

NHNN cũng cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu...

Liệu LS cho vay có thể giảm thêm? Trả lời câu hỏi này, ông Bình cho rằng với kịch bản lạm phát ở 4-5% thì LS sẽ có thể giảm rất nhanh. Tuy nhiên, còn rất nhiều yếu tố cho thấy nguy cơ bùng nổ lạm phát trở lại là không nhỏ. NHNN sẽ rất thận trọng. “Năm 2012, khi thấy tình hình ổn định hơn thì NHNN đã giảm LS tiền gửi rất nhanh xuống 9%/năm, hiện nay còn 8%/năm. Việc giảm LS năm 2013 còn phụ thuộc vào nền kinh tế có kiểm soát được lạm phát hay không” - ông Bình nói.

Ông Bình cũng khẳng định sẽ không có quy định trần LS cho vay chung cho mọi đối tượng vay mà chỉ áp dụng cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên là 12%/năm. Ông giải thích nếu áp trần LS chung thì tăng trưởng kinh tế năm 2012 không đạt 5%, do vốn chảy vào bất động sản hay những lĩnh vực khác mà không tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng giảm lãi do trích lập dự phòng

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chánh thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), cho biết việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt một số kết quả, sau khi NHNN áp dụng một loạt biện pháp quyết liệt để xử lý vấn đề này. Chẳng hạn, trong tháng 11 các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 39.000 tỉ đồng nợ xấu. Kể từ tháng 4-2012 đến nay, tốc độ tăng nợ xấu chỉ khoảng 3%/tháng, đặc biệt tháng 10 giảm 0,95%.

Nếu không yêu cầu các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng thì nợ xấu có thể tăng 8-9% mỗi tháng. Đến nay, theo ông Nghĩa, số tiền được trích lập dự phòng là 78.600 tỉ đồng, có thể được sử dụng để xử lý ngay các khoản nợ xấu.

Ông Bình cũng khẳng định hệ thống ngân hàng đã xử lý nợ xấu quá quyết liệt. “Thời điểm này mọi năm, trên báo chí có giật các tít như “ngân hàng lãi khủng”. Nhưng năm nay chưa thấy báo nào có tin đó cả vì các ngân hàng trích dự phòng, nói cách khác là họ phải lấy lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Có ngân hàng tuyên bố không có thưởng. Còn chuyện các ngân hàng không có gì chia cổ tức hoặc chia cổ tức rất thấp là chuyện bình thường. Ước tính cả năm nay, số tiền mà các ngân hàng trích lập dự phòng cỡ khoảng 90.000 tỉ đồng” - ông Bình cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Bình (thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN):

50% khó khăn của ngành ngân hàng do báo chí gây ra(!?)

Về điều hành chính sách tiền tệ năm 2012, tôi hài lòng với tất cả những gì đã đạt được. Những mục tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra và làm được đã có nhiều người không tin. Khi đặt ra lạm phát một con số thì ai tin, lãi suất xuống 10%/năm thì ai tin. Tôi có nói chuyện với một số ngân hàng thương mại thì họ nói rằng nếu anh làm được như thế thì nhất định anh sẽ được thưởng huân chương. Nhưng đến giờ tất cả điều đó là hiện thực. Tôi cũng nói thật là doanh nghiệp bình thường cũng đi vay được với lãi suất 10-11%/năm.

Thế nhưng cái mà tôi không hài lòng lắm là sự ủng hộ và đồng thuận của báo chí chưa cao. Báo chí chạy theo những vụ việc đơn lẻ rồi thổi lên cao. Nếu tính những khó khăn của ngành ngân hàng trong năm 2012 là 100% thì khó khăn mà báo chí gây ra cho chúng tôi phải chiếm 40-50%. Đấy là tôi nói rất chân thành!

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên